Sắc Xuân ở chợ Tết

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bức tranh ngày Tết ở Thủ đô, ngoài những hình ảnh về bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ thì những ký ức về chợ Tết là miền hoài niệm khó quên với nhiều người.

Vì vậy, hòa mình trong nhịp sống công nghệ, đầy đủ với những phiên chợ Tết online, người dân Hà Thành vẫn dành tình cảm đặc biệt cho chợ Tết.
Xuân về trên phố
Mùng 10 tháng Chạp, chợ hoa Hàng Lược bắt đầu họp. Như mọi năm, những chủ vườn hoa tại Nhật Tân, Phú Thượng và các quận, huyện lại vận chuyển những cây, cành hòa tươi thắm, đủ hoa, lộc đến chợ. Và cũng từ thời điểm này, Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Rươi… lại khoác lên mình những tấm áo mới, vừa nhộn nhịp, đông vui, lại tràn ngập không khí Tết đến, Xuân về.
 Chợ hoa Tết Canh Tý - 2020 Hàng Lược. Ảnh: Phạm Hùng
Quanh mấy con phố họp thành chợ dịp cuối năm này, người ta quây hàng rào thành phố đi bộ. Nhờ đó, người dân Thủ đô, du khách thảnh thơi dạo bước, ngắm nhìn, chụp ảnh đủ thứ hoa, quả, quà Tết. Hàng Tết bây giờ cũng phong phú hơn ngày xưa, người dân chỉ cần đi một vòng chợ là có thể mang đủ thứ về nhà bày biện, chơi Tết.
Thế nhưng, người Hà Nội xưa nói riêng và cư trú ở Thủ đô lâu năm nói chung đi chợ Tết không phải chỉ để mua, bán như chợ thông thường. Chợ Tết còn là nơi người ta đi dạo, đi chơi, hò hẹn, hồi tưởng những kỷ niệm xưa.
Anh Vũ Đức Nam - một người bán hoa ở phố Hàng Lược chia sẻ: “Hoa bán cho các cụ cao niên, chơi hoa lâu năm rất khó. Họ không vừa mắt thì đến biếu cũng không thiết. Có những cụ, Tết chỉ mua hoa của đúng một người bán quen. Họ hẹn nhau từ năm này sang năm khác. Đúng Tết người ta lại trao cho nhau cành đào ưng ý”.
 Quầy bán đồ trang trí ngày Tết. Ảnh: Thanh Hải
Tết đến, chợ hoa Hàng Lược là nơi nhiều người tìm đến. Phần đông, người ở Thủ đô đến chụp ảnh, khoe Tết. Phần không nhỏ, người già, yêu Hà Nội đến để thưởng thức, tìm phong vị Tết ở Thủ đô với sự trầm mặc, cổ kính trong tiết trời Xuân.
Tìm lại giá trị xưa
Thói quen đi chợ Tết của người Hà Nội không biết có từ bao giờ. Từ thời bao cấp, Tết đến, khi có thời gian rảnh rỗi, người Hà Nội dù không rủng rỉnh cũng đi chợ Tết để ngắm và thưởng Tết.
 Mua hoa chơi Tết. Ảnh: Hải Linh
Theo anh Bùi Văn Thanh – một người bán hoa ở Hoàng Hoa Thám: “Người Hà Nội không chơi hoa theo phong trào. Có năm, người ta chở cả một xe ô tô đào rừng về bày la liệt ở Nhật Tân. Nhưng sau vài ngày, hoa rừng đó lên thẳng xe rác. Có người kêu, hoa lèo tèo vài bông, bày chẳng bõ chật nhà. Chẳng hiểu sao, lối chơi của người Hà Nội lúc nào cũng khác, không bao giờ có mẫu số chung. Người Hà Nội đi chợ hoa cũng để mà biết tránh mua phải những thứ giống hay na ná người khác”.
 Mua hoa đào tại chợ hoa Hàng Lược. Ảnh: Thanh Hải
Ở Hà Nội, nói đến chợ Tết còn có chợ đồ cổ nối tiếng họp ở ngã năm bé xíu Hàng Lược - Hàng Cân - Hàng Mã - Hàng Đồng - Thuốc Bắc. Những năm gần đây, khu chợ này thường bán những món đồ như Quan Công cưỡi ngựa Xích Thố, sư tử, rồng… Nhưng, người Hà Nội không chơi những thứ dữ dằn đó.
 Các chợ hoa Tết luôn là nét đẹp riêng, là điểm thu hút khách của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Phần lớn, những ông lão tóc bạc, râu trắng, đeo kính to, dày cộp thường chỉ sà vào sạp hàng để ngắm, hỏi dăm câu ba điều xem đồ này, đồ nọ mấy năm trước còn không. Rồi, họ lại chép miệng với vẻ mặt đầy tiếc rẻ. Vậy nhưng, năm nào, người thích săn đồ cổ cũng đến đây để xem. Họ thích mày mò, ngắm nghía những lọ, bình, bát đĩa Lý, Trần, Lê còn lèo tèo vài món dập vỡ, méo mó và giá đắt như trên trời.
 Gia đình đi sắm hoa Tết. Ảnh: Chiến Công
Chợ Tết bây giờ là nơi bán những thứ quanh năm không kiếm ra nhưng nó là một giá trị vô hình. Có thể thấy, người Hà Nội đi chợ Tết, mua đồ về nhà trước hết là phục vụ mục tiêu gắn kết gia đình, tổ tiên. Đến lễ ông Công, ông Táo, người Hà Nội thường nghĩ đến việc mua cành đào nhỏ về cắm vào lọ hoa, để trên ban thờ.
 Mua cây lộc đầu năm. Ảnh: Hải Linh
Thời bây giờ, người ta nghĩ đến nhiều cách gắn kết mới qua internet. Nhưng kỳ thực, con gà cúng Giao thừa hay cành đào mua ở chợ Tết nói lên nhiều điều hơn là những lời chúc trên mạng xã hội hay tin nhắn qua điện thoại.

Chợ hoa Hàng Lược có từ thời nhà Lê được duy trì tới tận ngày nay. Chợ Hàng Lược nằm trọn chiều dài phố Hàng Lược và một phần cắt phố Hàng Chai, Hàng Rươi, Hàng Mã, Hàng Đồng. Mỗi năm, chợ chỉ họp đúng một phiên duy nhất nhưng kéo dài từ 20 tháng Chạp đến 30 Tết. Chợ họp từ sáng sớm tới tận đêm khuya, thậm chí sát lúc Giao thừa.

Nhiều người nói, chợ phiên Hàng Lược kiêu kỳ lắm bởi mỗi năm chợ chỉ họp đúng một lần. Nay, chợ Hàng Lược có phần ồn ào hơn trước. Tuy vậy, không ít thế hệ người Hà Nội vẫn tìm về đây, vào những ngày cuối cùng của năm để chọn cho mình một cành hoa đào, hoa mai chơi Tết.


"Người Hà Nội đi chợ Tết không chỉ để mua hàng hóa mà còn đi chơi để ngắm hoa, giao lưu thưởng ngoạn không khí Xuân. Xưa đã thế nay vẫn vậy. Thời tem phiếu nhọc nhằn ngày Tết cả gia đình chỉ cần một người ra bách hóa tổng hợp xếp hàng mua túi hàng Tết theo tiêu chuẩn. Một thứ tiêu chuẩn rất tượng trưng. Túi hàng của gia đình 6 người ngày ấy là không đủ cho một người dùng bây giờ. Rất khó quên gói hạt tiêu bột nhỏ đúng bằng gói thuốc tím rửa rau ở tiệm thuốc.

Rắc vào thịt gói bánh chưng thì thôi xào nấu. Túi mì chính vài chục gram nếu để ở quán phở bây giờ chưa đủ cho 2 bát. Miếng bóng bì lợn bằng hai bàn tay ngâm ngâm, tẩy tẩy để xào súp lơ, mộc nhĩ một lần là hết. Đặc biệt có bánh pháo năm nổ ròn tan nhưng cũng có năm vì ẩm mà bị xịt nên làm người ta hồi hộp đến phát sợ nên cứ phải mua thêm một bánh ở ngoài cho chắc ăn." - Nhà văn Đỗ Phấn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần