Sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại do không đáp ứng nhiều tiêu chí

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã bị loại từ vòng chấm thẩm định. Theo nhiều chuyên gia, bộ sách của GS Đại không đáp ứng nhiều tiêu chí của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Bộ sách vượt qua yêu cầu
Bộ SGK lớp 1 Công nghệ giáo dục được coi là “di ngôn” của GS Hồ Ngọc Đại, nhưng ông khẳng định sẽ không sửa bản thảo để nộp lại dù có quyền làm điều đó.
"Tôi sẽ không sửa bởi công trình ấy tôi đã làm cả một đời người. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán đến nơi đến chốn. Tôi đã tính toán hết, cũng đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm và nghiên cứu để có những điều chỉnh cần thiết" - GS Hồ Ngọc Đại nói.
Bộ sách là sản phẩm của một nhóm nghiên cứu do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên, hoàn thành năm 1978, sau đó được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép thí điểm tại trường thực nghiệm.
 GS Hồ Ngọc Đại.
Từ lâu, SGK lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại được triển khai tại các trường học và đã nhận được nhiều lời khen của học sinh, phụ huynh, tuy nhiên bộ sách vẫn bị loại không đáp ứng tiêu chí của chương trình mới.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt, GS Trần Đình Sử cho rằng, việc thực hiện kết quả dạy học từ SGK lâu nay không phải là lý do duy nhất để tất cả SGK tiếp tục đưa vào chương trình mới. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định làm việc theo Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT, đánh giá SGK viết theo nội dung, phương pháp, yêu cầu cần đạt của chương trình mới ban hành năm 2018. So với chương trình SGK mới, sách của GS Hồ Ngọc Đại không đạt yêu cầu về nội dung, phương pháp nên Hội đồng đánh giá chưa đạt. Hội đồng không có sự phân biệt nào giữa các SGK khi thẩm định.
GS Trần Đình Sử khẳng định, chương trình SGK mới yêu cầu dạy học sinh lớp 1 theo 4 tiêu chí: Đọc, viết, nghe, nói. Cụ thể, học sinh viết được hệ thống chữ tiếng Việt, đánh vần cơ bản của tiếng Việt, phân biệt được chính tả, biết giao tiếp, chào hỏi, nghe, đọc, nói những câu đơn giản, biết kể chuyện…Còn SGK của GS Đại chủ yếu dạy âm chữ, quy tắc chính tả…Tuy cách dạy này có ưu điểm riêng nhưng các mặt khác lại chưa được thể hiện trong chương trình.
SGK lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại có những mặt kiến thức vượt qua yêu cầu và sẽ làm nặng nề thêm chương trình. Như, SGK lớp 1 không cần phải có kiến thức về ngữ âm tiếng Việt, cấu trúc của từ ngữ âm tiếng Việt, không cần những khái niệm của âm đầu, âm đệm, âm cuối, âm đôi..
Theo GS Mai Ngọc Chừ - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Tiếng Việt, 1 số nội dung của Tiếng Việt Công nghệ giáo dục vượt quá quy định trong chương trình lớp 1. Ví dụ, học sinh lớp 1 phải học những cụm từ, thành ngữ như “thế chẻ tre, dĩ hòa vi quý, dĩ ân báo oán, hay con cà con kê..”. Học sinh phải tiếp cận với kiến thức ngôn ngữ học như khái niệm âm đệm, nguyên âm đôi. Theo Hội đồng thẩm định, kiến thức này là quá sức với học sinh lớp 1, trong khi nguyên tắc của chương trình mới là giảm tải nội dung khó, nâng cao.
Không đáp ứng chương trình sách giáo khoa mới
Hội đồng thẩm định được thành lập để thẩm định theo chương trình nên phải theo hướng giáo dục toàn diện. Vậy nên, GS Mai Ngọc Chừ cho rằng, bản thảo này chỉ đáp ứng tiêu chí về điều kiện tiên quyết của SGK. Nếu tính chi tiết từng tiêu chí, bản thảo có tới 300 nội dung, chi tiết cần sửa, bỏ. Hội đồng thẩm định đặt ra nguyên tắc số 1 là bản thảo phải viết theo Chương trình GDPT mới, toàn diện như: Ngữ điệu mới, lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường chứ không phải chỉ học vần, viết chữ. Tuy nhiên, Tiếng Việt Công nghệ giáo dục không thay đổi gì so với cuốn sách đang được hơn 931.000 học sinh sử dụng.
Hội đồng nghiệm thu các bộ SGK mới không chỉ có học vần và viết chữ. Vì vậy, Hội đồng đã loại bộ SGK của GS Đại do không bám sát Chương trình GDPT mới.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam PGS.TS Trần Kiều cũng cho biết, khi xây dựng chương trình GDPT mới phải biên soạn SGK phù hợp với chương trình. Tất cả cái hiện hành phải nhường chỗ cho cái mới. Hội đồng chỉ thẩm định SGK viết theo chương trình của Bộ GD&ĐT và áp dụng các tiêu chí mà Bộ đã ban hành. Tuy nhiên, trong khi làm có tính đến sự kế thừa nhưng tinh thần chung là theo tiêu chí.
“SGK Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại chỉ là sự cụ thể hóa chương trình của Bộ GD&ĐT. Bộ sách có cái hay nhưng cần viết theo chương trình GDPT mới” - PGS Trần Kiều cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần