Sách trong tuần: Dấu son nghị trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đọc đến trang cuối của cuốn sách (360 trang) “Dấu son nghị trường”, ta có cảm nhận chung những nhân vật được kể trong sách đều là những “thần tượng” trong ký ức của hàng chục triệu người dân Việt; đã một lòng một dạ vì dân vì nước, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Đó là 16 vị đại biểu (ĐB) Quốc hội tiêu biểu từ khóa I (năm 1946) đến nay. Và như tác giả viết: “Họ thuộc nhiều tầng lớp xã hội với nhiều thế hệ khác nhau, vừa có tâm vừa có trí, hết lòng phụng sự Nhân dân và tương lai tốt đẹp của dân tộc và Tổ quốc”.Sách trong tuần: Dấu son nghị trường - Ảnh 1

Chính mỗi vị ĐB Quốc hội tiêu biểu này, bằng những đóng góp cụ thể đã góp phần làm nên một Quốc hội vinh quang - ở mỗi thời kỳ lịch sử đều để lại ấn tượng trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Có thể kể bắt đầu từ vị ĐB Quốc hội tiêu biểu nhất - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh còn là người cha của nền dân chủ mới. Xây dựng Nhà nước pháp quyền là quan điểm xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Bản chất của vấn đề này là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Chính vì thế mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, tình hình đất nước lúc đó vô cùng khó khăn, Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước ta (ngày 6/1/1946). Đây là Quốc hội hội tụ nhân tài để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Rồi chỉ sau đó một thời gian, ngày 26/10/1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Những bài học từ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tiếp đến, tác giả kể đến cụ Nguyễn Văn Tố - nguyên là chủ sự Viện Viễn Đông Bác Cổ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên. Kể đến những ĐB Quốc hội tiêu biểu khác, tác giả đều dành nhiều trang và tình cảm để viết, như về đồng chí Trường Chinh 25 năm lãnh đạo Quốc hội...

Là một người có nhiều năm công tác ở Quốc hội, có điều kiện tìm hiểu nghiên cứu sâu về cơ quan lập pháp của nước ta, bằng những dẫn dụ chi tiết, những tư liệu lịch sử của từng nhân vật mà không phải ai cũng biết, tác giả đã phác họa lại chân dung của những người tiêu biểu như cụ Tôn Đức Thắng, các ông: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Quang Đạo… Mỗi người một vẻ, đều là những nhà cách mạng lão thành, không chỉ có công xây dựng, từng bước hoàn thiện Quốc hội mà thực chất là hoàn thiện thể chế dân chủ, đưa Quốc hội trở thành cơ quan quyền lực cao nhất, thể hiện tiếng nói, nguyện vọng của Nhân dân. Đồng thời với việc lập pháp là giám sát tốt cơ quan hành pháp nhằm đạt mục tiêu chính quyền của dân, do dân và vì dân. Điều này đã được thể hiện ngày càng rõ nét trong các khóa, các kỳ họp, các nghị quyết của Quốc hội từ Khóa I đến nay.

Như trên đã nói, tác giả là người có thâm niên công tác ở Quốc hội. Ông là Vũ Mão - nguyên Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Cuốn “Dấu son nghị trường” viết năm 77 tuổi đã chứng tỏ tuổi tác không phải là rào cản, bởi bút lực của ông vẫn khỏe khoắn, trí não sáng suốt. Trò chuyện với một số độc giả, ông vẫn muốn ra tập hai để đề cập đến nhiều ĐB Quốc hội là những nhà DN hàng đầu của nước ta từ xưa đến nay như: Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà – những nhà tư sản đã hiến hàng trăm lượng vàng cho chính quyền cách mạng, và nhiều doanh nhân thành đạt khác trong thời nay. Vì đấy cũng là những dấu son tiếp theo của nghị trường.

Chợt nghĩ, nếu làm được như vậy thì tác giả cũng đã để lại những nét son trong việc ghi chép lịch sử giúp các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu về Quốc hội quang vinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần