Trên từng trang viết, hình ảnh khu tập thể Kim Liên xưa hiện ra quyến rũ lạ thường. Ở đó không hề có tiếng xe cộ ồn ào, không có khói bụi của ô tô, xe máy mà chỉ còn tiếng cười giòn tan của những lũ trẻ chơi bắt rắn dọa nhau hay chơi trận giả, trốn tìm. Nhịp sống vội vã, riêng biệt như hiện nay thay bằng nhịp sống chậm hơn, đậm chất tình người hơn, cư dân Kim Liên dùng chung với nhau từng cái bếp, cho nhau từng quả chanh rồi chung nhau cả cái nhà vệ sinh.
Thiếu thốn là vậy, dùng chung là vậy nhưng chẳng hề xảy ra cãi cọ hay tranh giành gì cả. Gần 60 năm là khoảng thời gian tác giả và gia đình đã gắn bó, sinh sống tại khu tập thể. Cùng lớn lên, trưởng thành và già đi theo thời gian.
Nên, tất cả những vật dụng đó cho dù bừa bộn, cũ kỹ, ẩm mốc nhưng lại lưu dấu trong đầu những con người nhiều xúc cảm sống trong đó, để rồi trở thành những kỷ niệm đẹp, thân thương; những kỷ niệm rất đặc trưng khi nhớ về nơi chốn đó, nơi người ta đã từng sống những năm khốn khó và bận bịu.
Vẫn là kết cấu theo dòng thời gian quen thuộc, tác giả vẽ ra những bước chuyển mình mạnh mẽ của Kim Liên, từ một Kim Liên lưa thưa bóng người còn nghèo đói của những năm miền Bắc bắt đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, Kim Liên của những năm sơ tán với đầy rẫy những hầm hố trú ẩn, Kim Liên của những năm bao cấp với cảnh hàng dài người xếp hàng để mua được một chút gạo, chút mắm, chút muối; sau nhiều năm, nó đã chuyển mình đầy mạnh mẽ thành một Kim Liên đông đúc với cơ sở vật chất hiện đại như ngày hôm nay.
Hòa với nhịp sống hiện đại, rồi sẽ có một ngày chúng ta chẳng thể nhìn được hình dáng cổ xưa của Kim Liên nữa. Với ý nghĩ đó đã thôi thúc tác giả hoàn thành cuốn sách này với mong muốn: Trước là để dành tặng cho cư dân mọi thời kỳ của khu Kim Liên. Sau nữa là thông qua chuyện của mình và của khu tập thể Kim Liên để kể chuyện cho tất cả mọi người, những ai mong muốn hiểu thêm về một góc của Hà Nội biết được thế hệ trước đã sống như thế nào.