Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sai phạm ở lễ hội: Chưa có chế tài xử phạt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mùa lễ hội 2013 đang diễn ra náo nhiệt nhưng kèm theo đó là những căn bệnh cố hữu như: Chen lấn, xô đẩy, chèo kéo khách, ăn xin...

Nhiều năm nay, các nhà quản lý văn hóa đã thực hiện các chuyến thị sát, siết chặt chế tài quản lý, rồi tuyên truyền… song "bệnh" vẫn không hết. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL thừa nhận, sai phạm ở lễ hội luôn làm đau đầu các nhà quản lý nhưng chưa có chế tài xử phạt.

Năm nào người đi hội cũng bức xúc trước những vi phạm về văn minh lễ hội. Thanh tra văn hóa liên tục có những đợt kiểm tra, nhưng vi phạm vẫn tràn lan. Phải chăng có vướng mắc khiến thanh tra không thể phạt?

- Hiện có rất nhiều hành vi vi phạm thanh tra nhìn thấy mà không thể xử phạt vì chưa có chế tài. Ví dụ, việc người dân đến lễ hội, di tích mà cài, giắt tiền lên tay tượng Phật, lên cây hương, cây nến, hay ném tiền xuống giếng, xuống hồ...
 
Hoặc việc vận chuyển đồ mã, sản xuất đồ mã... đưa vào di tích để thờ cúng rồi đốt. Nhưng thời điểm chúng tôi kiểm tra người ta không đốt, và cũng chưa có chế tài xử phạt việc sản xuất và vận chuyển. 
 
 
Sai phạm ở lễ hội: Chưa có chế tài xử phạt - Ảnh 1
 
Khách thập phương về lễ tại chùa Yên, Yên Tử.   Ảnh: Trọng Tùng
 
 
Một trong những vấn đề gây búc xúc du khách hiện nay là tình trạng bổ sung hiện vật vào di tích làm ảnh hưởng đến quần thể kiến trúc của di tích. Bộ VHTT&DL đã có động thái gì để ngăn chặn tình trạng này?
 
- Tôi khẳng định tình trạng bổ sung hiện vật, đồ thờ vào di tích là có, nhưng số lượng di tích vi phạm điều này không nhiều, và thường tập trung tại các di tích có thủ nhang, thủ đền chứ không phải ở các nơi đã thành lập Ban quản lý di tích.
 
Bộ VHTT&DL vừa ra một văn bản yêu cầu các Ban quản lý di tích không được đưa đồ thờ cúng mới. Theo tôi, văn bản này rất cần thiết. Bởi vì đã là di tích lịch sử văn hóa, nhất là các di tích được xếp hạng thì bất cứ hành động gì làm thay đổi cảnh quan, biến dạng nguyên gốc của di tích đều phải xin phép cơ quan có thẩm quyền. Việc người ta tự ý đưa đồ thờ tự vào đó không xin ý kiến của cơ quan thẩm quyền là việc làm sai, vi phạm Luật Di sản nên cần phải ngăn chặn.
 
Một số di tích đã đưa tượng hổ, sư tử, nghê... vào khu thờ tự, dư luận đã lên tiếng nhưng hiện vật mới chưa được chuyển đi. Vậy, hiện vật này sẽ được xử lý như thế nào?
 
- Đây là một bất cập. Cũng phải thông cảm vì lực lượng thanh tra văn hóa là chuyên ngành, chúng tôi không có lực lượng tổ chức cưỡng chế hoặc làm những việc đó. Mặt khác, các chế tài cụ thể chưa có, Luật Di sản quy định như vậy nhưng các văn bản dưới luật cũng chưa quy định chi tiết.
 
Còn việc xử lý tình trạng người ăn xin trong các di tích, lễ hội được giải quyết thế nào, thưa ông?
 
- Trong các đợt thanh kiểm tra, làm việc với Ban quản lý di tích và chính quyền địa phương, chúng tôi đều yêu cầu không được để nạn ăn xin, ăn mày diễn ra trong lễ hội và tại di tích. Các địa phương đã bố trí lực lượng, phương tiện và khi phát hiện đã đưa những đối tượng này về nơi quy định, cấp phát đồ ăn và yêu cầu không hoạt động tại di tích.
 
Thế nhưng, hầu như các đối tượng này không chấp hành yêu cầu của địa phương và tình trạng lại tiếp tục diễn ra.Năm 2012, kỷ lục hát quan họ của Hội Lim bị nhiều người lên tiếng vì đã làm biến tướng một nét đẹp truyền thống, nhưng thanh tra văn hóa lại hoàn toàn im tiếng.
Liệu năm nay, thanh tra Bộ có ý kiến gì cho những vi phạm này?
 
- Tôi cũng chưa đủ cơ sở để khẳng định biến tướng hay không biến tướng, việc làm của Bắc Ninh được Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các ngành trong tỉnh bàn bạc kỹ rồi mới cho phép tổ chức. Các ý kiến nêu lên chỉ là cá nhân và thanh tra chúng tôi chưa đủ cơ sở để nói là biến tướng, chúng tôi không có ý kiến về việc này.
 
Xin cảm ơn ông!
 
 
Bộ VHTT&DL vừa xây dựng 5 biện pháp để mùa lễ hội 2013 văn minh, tiết kiệm gồm: Giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường ở các địa điểm tổ chức lễ hội; Có các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự; Sắp xếp lại hàng quán và chấn chỉnh, dứt khoát không để xảy ra tình trạng bán hàng rong; Dứt khoát không để xảy ra tình trạng đốt đồ mã trong các dịp tổ chức lễ hội, trong các di tích hay những nơi công cộng; Tại các di tích sẽ xem xét cách tổ chức hòm công đức văn minh, đặc biệt là vấn đề quản lý thu chi các hoạt động lễ hội minh bạch, tiết kiệm.