Theo tài liệu người dân địa phương cung cấp, Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Đồng Xung đã lập khống hồ sơ rồi tự ý ký vào bảng danh sách nhận vật tư hỗ trợ sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao nhiều năm liền. Đến năm 2017, người dân mới phát hiện nhiều gia đình đã cho thuê ruộng, nhưng tại một số bảng danh sách nhận hỗ trợ vật tư, tiền lại có chữ ký của chủ hộ. Nhiều hộ có ruộng, nhưng không trồng lúa chất lượng cao mà vẫn có tên, chữ ký trong bảng danh sách các hộ tham gia thực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hóa như ông Phạm Văn Ghi, bà Ngô Thị Hoàn, Ngô Bá Hàn. Còn hộ ông Nguyễn Bá Nho chỉ có 3.700m2 trồng lúa hàng hóa chất lượng cao nhưng lại được khai, ký khống thành 13.000m2 để nhận vật tư hỗ trợ...
Hơn thế, HTX còn thu các khoản, như: Thủy lợi nội đồng, quản lý phí, chi công cán bộ, bơm nước, bảo vệ thực vật… được thu chung thành một khoản với cái tên “phí dịch vụ”. Người dân thấy có dấu hiệu bất thường nên đã yêu cầu HTX và UBND xã làm rõ. Tuy nhiên, các đơn vị liên quan cho rằng HTX đã dừng thu dịch vụ thủy lợi phí nội đồng từ năm 2009. Nhưng trên thực tế, số liệu ở những cuốn sổ thanh toán dịch vụ hàng năm của HTX lại thể hiện con số không có sự thay đổi, như: Sổ hộ bà Ngô Thị Hoàn, nhiệm kỳ 2004 - 2007 và sổ 2016 - 2021, trong đó số liệu năm 2007 và 2016 đều thể hiện bà Hoàn có 8,65 sào ruộng, tương ứng với đó sản lượng phải nộp hàng năm là 123,1kg thóc; sổ nhà ông Ngô Bá Nho nhiệm kỳ 2008 - 2011 và sổ 2016 - 2021 có gần 15 sào ruộng, sản lượng phải nộp 256,2kg thóc.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tân Hoàng Chí Hiếu cho biết, UBND xã đã kiểm tra nội dung người dân phản ánh. Tuy nhiên, chưa có cơ sở xác định HTX thu tiền dịch vụ thủy lợi phí nội đồng. Bởi trên thực tế, sổ sách lưu lại chỉ xác định HTX có thu khoản dịch vụ chung rồi chi cho tất cả các hoạt động sản xuất. Nhưng khi phóng viên lấy tài liệu để chứng minh, đối chiếu một số hộ có diện tích và sản lượng phải nộp hàng năm, đặc biệt thời điểm năm 2007 (vẫn phải nộp tiền dịch vụ thủy lợi phí) so với sau năm 2009 (thời điểm bắt đầu không phải nộp tiền dịch vụ thủy lợi phí), ông Hiếu nhận thấy số liệu không có gì khác nhau nên chỉ biết im lặng. Còn với nội dung liên quan đến danh sách mạo danh chữ ký của người dân để qua mắt cơ quan chuyên môn nhận hỗ trợ vật tư, tiền, ông Hiếu thừa nhận: “Đây là nội dung nhạy cảm nên UBND xã đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện”.
Chánh Thanh tra Nhà nước huyện Ứng Hòa Dương Đình Kháng khẳng định, một số nội dung người dân thôn Đồng Xung đề nghị làm rõ đã được UBND huyện giao cho UBND xã thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh. Tuy nhiên, đến nay UBND xã chưa báo cáo UBND huyện bằng văn bản về việc có hay không sai phạm xảy ra tại HTXNN Đồng Xung. Chính sự chậm trễ khiến người dân bức xúc, tiếp tục gửi đơn đến các cấp, ngành. Lỗi này thuộc về UBND xã Đồng Tân. “Trường hợp có kết quả xác minh nhưng người dân vẫn không đồng ý, khi đó UBND huyện sẽ thành lập đoàn công tác thanh, kiểm tra các nội dung theo đề nghị của người dân. Như vậy, sẽ đảm bảo tính khách quan”- ông Kháng cho biết thêm.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.