Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sai phạm về đất đai 7 cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị truy tố

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

VKSND tỉnh Khánh Hòa vừa ra cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín Khúc.

Cụ thể, 7 bị can gồm ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh cùng là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Đào Công Thiên  - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Mộng Điệp và Võ Tấn Thái cùng là cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ông Lê Văn Dẽ - cựu Giám đốc Sở Xây dựng và ông Trần Văn Hùng - cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở TN&MT.

Ba cựu Chủ tịch và Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh và Đào Công Thiên (từ trái sang phải).
Ba cựu Chủ tịch và Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh và Đào Công Thiên (từ trái sang phải).

Sai phạm trong giao đất

Theo cáo trạng, từ năm 2012-2015, Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép làm chủ đầu tư để thực hiện dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực Núi Chín khúc.

Năm 2012-2014, Công ty Khánh Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, mở rộng khu B diện tích 513 ha để trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp du lịch tâm linh sinh thái.

Năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định chủ trương đầu tư, hình thành dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành (khu B) với diện tích 513 ha vốn đầu tư 160 tỷ đồng.

Lúc này, mục tiêu dự án được điều chỉnh thành đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán, hoặc để bán kết hợp với cho thuê, hoặc cho thuê mua; trồng rừng, bảo vệ rừng và dịch vụ du lịch sinh thái, tâm linh; quy mô đất trồng rừng sản xuất hơn 107 ha; đất khoanh nuôi tái sinh rừng gần 380 ha; đất nông nghiệp khác 30 ha; đất ở lâu dài 0,75 ha; đất thương mại dịch vụ hơn 4,4 ha.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND Khánh Hòa bị bắt (Ảnh: Công an Khánh Hòa)
Ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND Khánh Hòa bị bắt (Ảnh: Công an Khánh Hòa)

Còn dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung ban đầu có tên là dự án trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch Vĩnh Trung. Sau đó đổi tên thành dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung - hiện tại là dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung - có diện tích 19,65 ha.

Dự án trên với mục tiêu đầu tư ban đầu là trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, sau đó điều chỉnh mục tiêu thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự mới để ở kết hợp với du lịch sinh thái. Đây là dự án được thống nhất khai thác quỹ đất để thực hiện phương án hoàn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường tỉnh lộ 3 của UBND tỉnh Khánh Hòa.

VKSND tỉnh Khánh Hòa cáo buộc, trong công tác quản lý Nhà nước quá trình cho phép triển khai thực hiện 2 dự án trên, các bị can Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên, Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, Lê Văn Dẽ, và Trần Văn Hùng đã có nhiều sai phạm trong việc giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nhiều quyết định "thần tốc"

Cũng theo cáo trạng của VKSND tỉnh Khánh Hòa, đối với dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, ngày 3/4/2012, Nguyễn Chiến Thắng ký ban hành văn bản về chủ trương cho Công ty Khánh Hòa mở rộng dự án biệt thự và du lịch sinh thái trong Khu kinh tế trang trại Đất Lành. Lúc này dự án được tăng thêm 123,285 ha.

Đến ngày 9/7/2012, Trần Văn Hùng sau khi kiểm tra quy hoạch, xác định khu vực trên hiện trạng là đất rừng sản xuất, đất chưa sử dụng và tham mưu trình Lê Mộng Điệp ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa giao 123,28 ha đất cho Công ty Khánh Hòa. Trong đó, đất rừng sản xuất 81 ha, đất khoanh nuôi phục hồi rừng sản xuất 32,53 ha, đất nông nghiệp khác 8,1 ha, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 1,74 ha. Cùng ngày, Nguyễn Chiến Thắng ký tiếp quyết định giao 123,28 ha đất có thu tiền sử dụng đất với thời hạn thuê 50 năm cho Công ty Khánh Hòa.

Nhiều sai phạm tại khu vực núi 9 khúc khiến 7 lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị truy tố. (Ảnh: Trung Vũ)
Nhiều sai phạm tại khu vực núi 9 khúc khiến 7 lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị truy tố. (Ảnh: Trung Vũ)

Ngày 23/6/2014, Công ty Khánh Hòa có văn bản đề nghị mở rộng dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành - Khu B. Ba ngày sau, Nguyễn Chiến Thắng ký văn bản đồng ý cho mở rộng dự án lên 513,53 ha. Trong đó, giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với diện tích 137,331 ha và miễn tiền sử dụng đất khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi môi trường rừng diện tích 372,68 ha.

Ngày 30/6/2014, Trần Văn Hùng trình Lê Mộng Điệp ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa giao 513,53 ha đất (tăng 390,25 ha so với diện tích ban đầu là 123,28 ha) có thu tiền sử dụng đất cho Công ty Khánh Hòa. Cùng ngày, Nguyễn Chiến Thắng ký văn bản giao 513,53 ha đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty Khánh Hòa thực hiện dự án như nội dung tờ trình của Sở TN&MT. Đến ngày 19/9/2014, đã thực hiện việc giao đất trên thực địa với tổng diện tích 513,53 ha cho Công ty Khánh Hòa.

Tuy nhiên, tại thời điểm có quyết định giao đất, Công ty Khánh Hòa chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh tăng diện tích đất dự án từ 123,28 ha lên 513,53 ha.

Đến ngày 14/3/2015, Công ty Khánh Hòa tiếp tục có văn bản đề nghị về việc xin điều chỉnh diện tích sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tăng thêm 1,7 ha và được Nguyễn Chiến Thắng ký văn bản chấp nhận sau đó 9 ngày.

Chưa hết, đến ngày 9/4/2015, Trần Văn Hùng đã tham mưu trình Lê Mộng Điệp ký tờ trình thẩm định hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh nội dung quyết định giao đất ngày 30/6/2014 và ngày 10/4/2015, khi chưa có giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh xác định về nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư nhưng Nguyễn Chiến Thắng vẫn ký duyệt.

Cơ quan tố tụng xác định, bị can Nguyễn Chiến Thắng với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh đã thực hiện nhiều chỉ đạo xuyên suốt bằng văn bản trong quá trình thực hiện chủ trương đầu tư và triển khai dự án; đã trực tiếp ký các văn bản chỉ đạo về chủ trương và ký quyết định giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái trong khu kinh tế trang trại Đất Lành – Khu B trái quy định của pháp luật.

Đối với dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, ngày 22/6/2011, Công ty Khánh Hòa có văn bản xin chuyển mục đích sử dụng đất của dự án. Ba tháng sau, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư với mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự mới để ở kết hợp với du lịch sinh thái.

Ngày 8/6/2012, Lê Văn Dẽ đã có báo cáo kết quả thẩm định đồ án quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt. Ngày 13/6/2012, Lê Đức Vinh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, để phục vụ mục đích chuyển mục đích sử dụng đất cho Công ty Khánh Hòa thực hiện dự án.

Ngày 31/7/2012, Trần Văn Hùng tham mưu, ký nháy và trình cho Lê Mộng Điệp ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Vĩnh Trung.

Đến ngày 15/8/2012, Lê Đức Vinh đã ký quyết định cho phép Công ty Khánh Hòa được chuyển mục đích sử dụng 196.194 m2 từ đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích đất ở và đất có mục đích công cộng để thực hiện dự án.

Nhiều vi phạm về đất đai đã diễn ra tại các dự án trên núi Chín Khúc. (Ảnh: Trung Vũ).
Nhiều vi phạm về đất đai đã diễn ra tại các dự án trên núi Chín Khúc. (Ảnh: Trung Vũ).

Cơ quan tố tụng cáo buộc, đối với dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự, các bị can Nguyễn Chiến Thắng, Đào Công Thiên, Lê Mộng Điệp, Võ Tấn Thái, Trần Văn Hùng đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai quy định tại Khoản 1 Điều 31, Khoản 2 Điều 122 Luật Đất đai 2003; Khoản 1 Điều 52, khoản 3 Điều 98, Khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2013; Khoản 1, Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 69 của Chính phủ; Khoản 3 Điều 97 Nghị định số 43 của Chính phủ; Điều 11 Nghị định số 45 của Chính Phủ; Nghị quyết số 46 và Nghị quyết số 52 của Chính phủ.

Đối với dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, các bị can Lê Đức Vinh, Lê Mộng Điệp, Lê Văn Dẽ và Trần Văn Hùng đã vi phạm Khoản 1 Điều 31, Điều 122 Luật Đất đai 2003; Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 69 của Chính phủ; Khoản 8 Điều 16, Điều 61 Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Điều 14, Điều 20 Nghị định số 37 của Chính phủ và Nghị quyết số 46 của Chính phủ.