Sài Sơn – sức bật nơi vinh dự ba lần đón Bác Hồ về thăm

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày tháng 5, chùa Một Mái, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai lại đón nhiều đoàn du khách, các em học sinh tới tham quan. Bởi địa danh lịch sử này từng là nơi vinh dự được ba lần đón Bác Hồ về thăm và làm việc trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nơi lưu dấu chân Bác

Nhà lưu niệm Bác Hồ nằm yên bình dưới chân chùa Một Mái, nép mình trong không gian xanh mướt của cây cối. Phía trước khoảng sân lát gạch vuông là ao cá mà người dân địa phương quen gọi là “ao cá Bác Hồ”, rất bình dị một nhịp sống thôn quê. Căn nhà lợp ngói ngả màu thời gian, với lối kiến trúc cổ, nổi bật với hàng chữ vàng trên tấm băng rôn đỏ “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” ở trước cửa.

Nhà lưu niệm Bác Hồ dưới chân chùa Một Mái là địa chỉ đỏ cách mạng của xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.
Nhà lưu niệm Bác Hồ dưới chân chùa Một Mái là địa chỉ đỏ cách mạng của xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai.

Bước qua bậc thềm đá rêu phong và cánh cửa bằng gỗ nâu trầm là cả một không gian đậm chất lịch sử, từ những bức ảnh chụp Bác Hồ và các hiện vật, tư liệu về Bác. Dẫn chúng tôi vào thăm nhà lưu niệm, ông Lê Đình Dương, cán bộ văn hóa xã Sài Sơn dõng dạc giới thiệu những kỷ niệm của địa danh này với Bác Hồ.

Lần đầu tiên Bác về Sài Sơn là ngày 10/11/1946. Tại chùa Thầy, Bác đã căn dặn cán bộ, động viên Nhân dân tích cực kháng chiến và bảo vệ tốt di tích của quê hương Sài Sơn.

Nhân dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng. Từ những năm 30, Sài Sơn đã trở thành cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Sơn Tây. Ngày 3/2/1947, trên đường di chuyển từ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã dừng chân nghỉ lại trong ngôi nhà tổ thuộc khu chùa Một Mái. Từ đây cho đến đầu tháng 3/1947, khu chùa Một Mái đã trở thành sở chỉ huy của Bác để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp... thường đến chùa Một Mái báo cáo tình hình, xin chỉ thị của Bác.

Ông Lê Đình Dương (ngoài cùng bên trái), cán bộ văn hóa xã Sài Sơn giới thiệu về các bức ảnh tư liệu trong Nhà lưu niệm Bác Hồ. Ảnh: Thanh Hải
Ông Lê Đình Dương (ngoài cùng bên trái), cán bộ văn hóa xã Sài Sơn giới thiệu về các bức ảnh tư liệu trong Nhà lưu niệm Bác Hồ. Ảnh: Thanh Hải

Những ngày ở và làm việc tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng T.Ư Đảng đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm đẩy mạnh công cuộc kháng chiến. Ngày 2/3/1947, Bác rời Sài Sơn tiếp tục lên Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. 10 năm sau, ngày 19/5/1957, Người đã cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại thăm nhà tổ và khu chùa Một Mái.

“Vinh dự tự hào đã được đón tiếp và bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày kháng chiến, năm 1987 Đảng bộ và Nhân dân xã Sài Sơn được sự giúp đỡ của Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hà Tây đã khôi phục lại di tích lịch sử quý giá này nhằm giữ lại cho muôn đời con cháu những kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu” – ông Lê Đình Dương giới thiệu.

Vừa giới thiệu, ông Lê Đình Dương còn tỉ mỉ dẫn chúng tôi đi tham quan và tìm hiểu từng tư liệu, hiện vật quý giá về Bác được trưng bày trong Nhà lưu niệm Bác Hồ. Trong ngôi nhà gỗ mộc mạc, những bức ảnh đen trắng về Bác, về các chiến sĩ cách mạng kiên trung cùng một số bút tích của Bác trong thời gian Người ở và làm việc tại đây… được treo ngay ngắn thành từng cụm. Tất cả đều nhuốm màu thời gian nhưng vẫn được chăm chút cẩn thận hàng ngày.

Đặc biệt, trong gian buồng nhỏ bên trái cửa ra vào, vẫn còn nguyên chiếc bàn gỗ làm việc cũ kỹ với máy đánh chữ bên ngọn đèn dầu. Trên chiếc bàn làm việc này, Bác đã viết và tự tay đánh máy nhiều tài liệu quan trọng, ký duyệt nhiều sắc lệnh của Chính phủ. Phía sau bàn làm việc là chiếc giường giản dị, đơn sơ Bác nghỉ ngơi trong suốt thời gian ở lại Sài Sơn. Có tận mắt thấy những hiện vật ấy mới càng thêm thấm thía bài học về đức tính giản dị, khiêm nhường của Bác.

“Hàng năm, đặc biệt vào tháng 5 nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác, Nhà lưu niệm Bác Hồ tại chùa Một Mái luôn đón rất nhiều em học sinh tới tham quan, tìm hiểu. Xã cũng tổ chức nhiều hoạt động tại đây để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ” – ông Lê Đình Dương chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.

Bàn làm việc đơn sơ của Bác Hồ với máy đánh chữ bên chiếc đèn dầu trong những ngày sống và làm việc tại chùa Một Mái, xã Sài Sơn. Ảnh: Thanh Hải
Bàn làm việc đơn sơ của Bác Hồ với máy đánh chữ bên chiếc đèn dầu trong những ngày sống và làm việc tại chùa Một Mái, xã Sài Sơn. Ảnh: Thanh Hải

Bứt phá trên hành trình xây dựng nông thôn mới

Không chỉ vinh dự là nơi được ba lần đón Bác Hồ về thăm và làm việc, xã Sài Sơn còn là địa chỉ đỏ cách mạng khi chính là địa danh thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quốc Oai. Nối tiếp truyền thống cách mạng, cán bộ và Nhân dân Sài Sơn đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn Nguyễn Đình Thụy giới thiệu về công tác phát triển Đảng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương với Đoàn công tác của Chi bộ Khối Tòa soạn thuộc Đảng bộ báo Kinh tế & Đô thị trong hành trình về nguồn tại xã Sài Sơn, tháng 5/2022. Ảnh: Thanh Hải
Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn Nguyễn Đình Thụy giới thiệu về công tác phát triển Đảng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương với Đoàn công tác của Chi bộ Khối Tòa soạn thuộc Đảng bộ báo Kinh tế & Đô thị trong hành trình về nguồn tại xã Sài Sơn, tháng 5/2022. Ảnh: Thanh Hải

Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn Nguyễn Đình Thụy cho biết, toàn xã có 617 đảng viên với 14 chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã. Trong đó có 6 chi bô thôn, 6 chi bộ trường học, 1 chi bộ công an và 1 chi bộ Quỹ tín dụng. Các chi bộ đều thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Sài Sơn đã đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2015 và đang được huyện Quốc Oai chọn xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn Nguyễn Đình Thụy, với đặc thù có 6 thôn, 1 cụm dân cư xi măng Sài Sơn và có quần thể di tích và thắng cảnh nổi tiếng chùa Thầy, xã đã được UBND TP quy hoạch là khu du lịch sinh thái. Đây là hướng đi tốt cho địa phương phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Trồng nấm trong nhà màng, nhà lưới cho thu nhập cao tại xã Sài Sơn. Ảnh: Nguyễn Nga
Trồng nấm trong nhà màng, nhà lưới cho thu nhập cao tại xã Sài Sơn. Ảnh: Nguyễn Nga

Bên cạnh đó, nằm cạnh tuyến Đại lộ Thăng Long, xã Sài Sơn còn có thế mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Hiện nay, toàn xã có hơn 200 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là sản xuất đồ gia dụng, thiết bị xây dựng, thu hút và tạo việc làm cho hơn 3.500 lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/tháng. Số cơ sở kinh doanh thương mại gần 900 cho nguồn thu trên 165,5 tỷ đồng vào năm 2021.

Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của địa phương đã có sự chuyển dịch tích cực. Cụ thể, tỷ trọng giá trị công nghiệp chiếm 43%, thương mại dịch vụ chiếm 37% và nông nghiệp chỉ còn chiếm khoảng 20%. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 58 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, xã Sài Sơn đã được phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. “Trong năm 2022, xã sẽ tập trung nguồn lực  để thực hiện các dự án thuộc đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí về nông thôn mới đã được công nhận” – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sài Sơn Nguyễn Văn Ngọc cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần