Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sai sót trong “Từ điển chính tả tiếng Việt”: 15 năm sai lại hoàn sai

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GS.TS Nguyễn Văn Khang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học vừa cho ra mắt cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018), nâng số đầu sách từ điển có tên GS.TS Nguyễn Văn Khang lên con số 20. Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công, cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” mới xuất bản của GS.TS Nguyễn Văn Khang có hàng trăm sai sót khó chấp nhận (đặc biệt là sai sót lặp lại trong hai cuốn từ điển, cách nhau 15 năm).

 Nhiều lỗi sai được chỉ ra trong cuốn ''Từ điển chính tả tiếng Việt'' (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018).
160 lỗi sai các loại
Ông Hoàng Tuấn Công thông tin cho báo Kinh tế & Đô thị những sai sót trong cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" của GS.TS Nguyễn Văn Khang, bao gồm rất nhiều mặt: Sai chính tả do lẫn lộn CH với TR, S với X; D với R; GI với D; L với N; IU với ƯU; dấu hỏi (?) với dấu ngã (~)… Nhiều mục chỉ dẫn chính tả hoàn toàn ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành; chỉ dẫn giữa các mục từ tiền hậu bất nhất; thu thập, trích dẫn các thành ngữ tục ngữ thiếu chính xác; hướng dẫn viết nhiều dạng chính tả không chuẩn và rất nhiều lỗi văn bản khác. "Qua so sánh đối chiếu chúng tôi thấy cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” (2018) và cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (Nguyễn Văn Khang – NXB Khoa học Xã hội - 2003), gần như giống nhau hoàn toàn. Nghĩa là có tới gần như 100% số lỗi được bê nguyên từ cuốn trước (2003) sang cuốn sau (2018). Khác nhau có chăng là lỗi văn bản ở cuốn sau nhiều hơn cuốn trước" - ông Hoàng Tuấn Công bày tỏ.
Trong phần “Hướng dẫn cách sử dụng từ điển”, GS.TS Nguyễn Văn Khang cho biết: “Từ điển chính tả tiếng Việt” này được biên soạn dựa trên cách xử lý chính tả trong “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học” (Hoàng Phê chủ biên, GS.TS Nguyễn Văn Khang đồng tác giả, được nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2005). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, GS.TS Nguyễn Văn Khang hoàn toàn không “xử lý chính tả” dựa theo “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học, mà “xử lý” theo cảm tính chủ quan hoặc căn cứ theo một nguồn tài liệu nào đó.
Để chỉ ra sai sót trong từ điển của GS.TS Nguyễn Văn Khang, ông Hoàng Tuấn Công căn cứ vào chính "Từ điển tiếng Việt" (Viện Ngôn ngữ học – Hoàng Phê chủ biên, gọi tắt là Hoàng Phê) và "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê chủ biên, có sửa chữa, bổ sung) để làm chuẩn. Ngoài ra, ông Công còn căn cứ vào nhiều cứ liệu trong hàng chục cuốn từ điển khác. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng cộng sách “Từ điển chính tả tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Văn Khang có hơn 160 lỗi sai các loại, trong đó chủ yếu là sai chính tả và sai về văn bản thành ngữ tục ngữ. Với một người đã từng biên soạn và tham gia biên soạn hàng chục cuốn từ điển, với hàng trăm công trình khoa học đã công bố, những sai sót này thật khó chấp nhận (đặc biệt là sai sót lặp lại trong hai cuốn từ điển, cách nhau 15 năm). 
 Có ít nhất 160 lỗi trong cuốn ''Từ điển chính tả tiếng Việt'' do GS.TS Nguyễn Văn Khang chủ biên
Ai chịu trách nhiệm?
Về nguyên tắc, Nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia Hà Nội phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính, cuối cùng trong công tác biên tập và xuất bản cuốn từ điển chính tả nhiều sai sót, có hại cho tiếng Việt. Song, nhiều ngày nay, phóng viên Kinh tế & Đô thị liên lạc với lãnh đạo NXB Đại học Quốc gia Hà Nội đều không bắt máy hoặc nếu bắt sẽ trả lời mình đang họp.
Được biết, gần đây độc giả phát hiện hàng loạt các ấn phẩm là sản phẩm liên kết xuất bản giữa Công ty Dịch vụ văn hóa Minh Long và NXB Đại học Quốc gia có sai sót, đạo ý tưởng phải thu hồi như: “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên, tiếp đến là cuốn “Từ điển chính tả Tiếng Việt” do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên… Hoặc hồi tháng 3/2020, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT phải đưa ra nhắc nhở với Công ty Minh Long về 8 hợp đồng liên kết xuất bản giữa Công ty Minh Long và các NXB không có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Xuất bản và Điều 7 Thông tư 23/2014/TT-BTTTT; không thực hiện việc báo cáo định kỳ theo quy định.
Phải thừa nhận trong vấn đề liên kết xuất bản, bộc lộ một thực tế: Các NXB đang thụ động và đặt lòng tin vào các đơn vị liên kết quá nhiều. Một số NXB chỉ cấp giấy phép mà lơ là công tác giám sát và kiểm định chất lượng của ấn phẩm. Chính vì vậy, bạn đọc phải đón nhận những tác phẩm kém chất lượng nên ngày càng thiếu lòng tin vào sách, đặc biệt những sách từ điển chính tả tiếng Việt.
Ông Hoàng Tuấn Công cho biết sẽ cung cấp, phân tích toàn bộ 160 lỗi của cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" của GS.TS Nguyễn Văn Khang để đăng tải trên báo Kinh tế & Đô thị điện tử (kinhtedothi.vn).