Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắm Tết chỉ với 10 triệu đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đọc một diễn đàn trên mạng, thấy nhiều chị than thở về cái Tết tốn kém vì riêng tiền lo cho nhà chồng đã khoảng 30 triệu đồng, tôi thật sự rất lo lắng.

Bằng cách chi tiêu thật hợp lý, tiết kiệm và khoa học, dù lương hai vợ chồng chỉ 10 triệu đồng/tháng nhưng gia đình tôi vẫn có một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn.

Đọc một diễn đàn trên mạng, thấy nhiều chị than thở về cái Tết tốn kém vì riêng tiền lo cho nhà chồng đã khoảng 30 triệu đồng, tôi thật sự rất lo lắng. Năm nay lại là năm đầu về làm dâu, tôi cũng muốn sắm Tết thật chu đáo để được lòng nhà chồng. Thế nhưng, cả hai vợ chồng với khoản thu nhập eo hẹp, thưởng Tết chẳng bao nhiêu, tôi đã phải tính toán thật kỹ và chi tiêu thật hợp lý.
 
Sắm Tết chỉ với 10 triệu đồng - Ảnh 1

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Lương của tôi và chồng được 10 triệu cả thảy, thưởng Tết của tôi 2 triệu, của chồng 2 triệu. Nhưng tôi chỉ cho phép mình sắm Tết trong khoảng 10 triệu, số tiền 4 triệu còn lại để dành cho sinh hoạt sau Tết. Tôi thấy nhiều người “vung tay quá trán” dùng hết sạch tiền cho Tết, rồi sau Tết lại phải đi vay mượn để trang trải cho hết tháng vì chưa có lương, như thế khổ lắm.

Với số tiền 10 triệu, tôi chia ra các khoản như sau: mua sắm cho Tết 6 triệu, quà biếu Tết bên ngoại 1 triệu, bên nội 1 triệu, tiền mừng tuổi các cháu 2 triệu, tiền tàu xe đi lại 1 triệu.

Vì nhà ngoại và nhà nội ở hai quê khác nhau nên về khoản sắm quà Tết, tôi chủ động gọi điện về hỏi bố mẹ mình cũng như bố mẹ chồng xem mọi năm sắm Tết ra sao, gồm những đồ như thế nào để lên danh sách các thứ cần mua. Sau đó, làm bản chi tiết những thứ nào có thể mua ở thành phố, những thứ nào có thể mua được ở quê.

Ví dụ, những đồ lạ, ngon ở quê hiếm có như đặc sản các vùng miền, đồ khô thì tôi mua từ đầu tháng chứ không để cận Tết mới lo sắm. Sắm sửa trước vừa để đỡ công việc cho những ngày giáp Tết, vừa lựa chọn được những đồ ngon, mà lại rẻ.

Tôi thường tranh thủ thời gian rảnh lên các diễn đàn để học cách tự làm mứt, dưa hành, bánh trái…Tôi cũng rủ các chị em trong cùng cơ quan chung nhau làm, vừa tiết kiệm lại vừa có thực phẩm an toàn.

Những đồ còn lại như bánh kẹo, hạt hướng dương, bao lì xì… tôi cùng chồng mua sắm tại các siêu thị lớn vào cuối tuần. Sở dĩ tôi chọn siêu thị là điểm đến bởi cuối năm, ở những nơi đây thường có nhiều chính sách khuyến mại rất hấp dẫn, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo.

Riêng về vấn đề tiền mừng tuổi, trước khi về quê ăn Tết, tôi và chồng thường liệt kê trong nhà, trong họ cả bên nội và bên ngoại có bao nhiêu người, đặc biệt quan tâm đến người già và trẻ em (vì đó là hai đối tượng thường được mọi người mừng tuổi vào dịp Tết).

Rồi sau đó, tôi làm sẵn các phong bao với các mệnh giá khác nhau. Với các cụ già thì lì xì 100 nghìn, các cháu của anh, chị em ruột cũng mừng 100 nghìn, các cháu nhỏ anh em họ hàng thì 20 nghìn hoặc 10 nghìn. Riêng bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng thì mừng mỗi người 500 nghìn.

Lúc đầu, tôi từng nghĩ mừng ít tiền thì xấu hổ, ngại và sợ bị gia đình nhà chồng đánh giá, coi thường nhưng rồi sau đó, hai vợ chồng đều thống nhất, quán triệt quan điểm tiền mừng tuổi chỉ là tiền chúc may mắn, tốt lành đầu năm cho mọi người nên không phải cứ mừng nhiều mới thể hiện được tấm lòng. Hơn nữa, ở quê, họ hàng đông đủ, mỗi ngày có cả vài chục người đến chúc Tết, nếu ai cũng mừng 50 nghìn, 100 nghìn thì có lẽ lương cả năm cũng không đủ để mừng tuổi.

Với kế hoạch chi tiêu cho dịp Tết khá chi tiết và rõ ràng, tôi nghĩ chắc chắn dịp Tết này, tôi sẽ có một cái Tết đủ đầy và hạnh phúc. Vừa được lòng nhà chồng, vừa tiết kiệm và hợp lý.