Săn bắt, buôn bán động vật hoang dã đe dọa an ninh toàn cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm đối tượng vận chuyển ngà voi trái phép bị phát hiện tại Sân bay quốc tế Nội Bài hồi cuối tháng 1/2016.

Theo báo cáo của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), nguồn thu từ các hoạt động buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) và các sản phẩm của chúng mỗi năm lên đến 20 tỷ USD, chỉ đứng sau buôn lậu ma túy, kinh doanh hàng giả, vũ khí và buôn người. 

Đặc biệt, loại tội phạm này đang gây ra sự tàn phá môi trường sinh thái và là nguy cơ dẫn tới sự sụp đổ toàn bộ hệ sinh thái trong khu vực.

Bài 1: Nhiều đường dây bị triệt phá

Bài 2: Lợi nhuận như buôn lậu ma túy

Đe dọa an ninh toàn cầu

Theo WWF, tội phạm săn bắt, buôn bán ĐVHD đã và đang gây ra những thiệt hại rất lớn cho nhân loại. Đây không chỉ thuần túy là dạng tội phạm môi trường, mà đã trở thành một mắt xích kết nối với đa dạng các mối đe dọa an ninh khác trên toàn cầu. Không những gây ra sự tàn phá môi trường sinh thái, sự biến mất của một số lượng rất lớn động vật trong thời gian ngắn đã dẫn tới sự sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái trong khu vực. Cụ thể, 95% số loài tê giác bị tiêu diệt trong vòng một thế kỷ qua, nhiều loài đã tuyệt chủng tại Việt Nam; hàng chục ngàn con voi bị giết hại mỗi năm... Điều này tạo điều kiện cho các loài ngoại lai xâm hại, xâm nhập phá huỷ hệ sinh thái địa phương, phá hủy nền nông nghiệp, hủy hoại môi trường, đặc biệt là môi trường rừng, góp phần gây biến đổi khí hậu.
Nhóm đối tượng vận chuyển ngà voi trái phép bị phát hiện tại Sân bay quốc tế Nội Bài hồi cuối tháng 1/2016.
Kinhtedothi - Nhóm đối tượng vận chuyển ngà voi trái phép bị phát hiện tại Sân bay quốc tế Nội Bài hồi cuối tháng 1/2016.
Bên cạnh đó, đây còn là nguồn lây lan dịch bệnh bởi dòng buôn bán ĐVHD trên toàn cầu hoàn toàn thoát khỏi sự kiểm dịch y tế. Trong khi, 70% các bệnh truyền nhiễm tác động đến con người có nguồn gốc từ loài hoang dã. Cụ thể, đại dịch SARS năm 2003 bắt nguồn từ loài dơi móng ngựa; 39% các ca bệnh đầu tiên tại Trung Quốc từ các thương nhân, người mua và đầu bếp có liên quan tới hoạt động chế biến và buôn bán ĐVHD. Đại dịch Ebola có nguồn gốc từ các loài linh trưởng hoang dã, đã bùng phát rất nhanh do thói quen sử dụng sản phẩm ĐVHD làm thực phẩm của người châu Phi. Năm 2004, tại châu Âu phát hiện virus H5N1 trong các con đại bàng bị buôn lậu từ Thái Lan, bắt giữ tại Brussels (Bỉ). Các bệnh như xoắn khuẩn, sán lá gan, gây tổn thương não, viêm gan và suy thận cấp có thể lây truyền rất nhanh qua việc sử dụng thịt ĐVHD (dúi, nhím…).

Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng săn bắt và buôn bán ĐVHD vô cùng phức tạp. Các mạng lưới buôn bán ĐVHD lớn không chỉ hoạt động trong nước và khu vực mà còn vươn sang nhiều quốc gia và châu lục khác trên thế giới, điển hình là châu Phi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lộng hành của các đường dây buôn bán ĐVHD tại Việt Nam là do tội phạm liên quan đến ĐVHD chưa được coi là loại hình tội phạm nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại Hội nghị London về nạn buôn bán trái phép ĐVHD tổ chức cuối năm 2014, với sự tham gia của lãnh đạo 46 quốc gia và 11 tổ chức quốc tế, các ý kiến đã nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc bảo vệ ĐVHD và sự cần thiết phải ngăn chặn nạn săn bắt buôn bán ĐVHD trên phạm vi quốc tế. Đại diện Vương quốc Anh thừa nhận, nạn buôn bán ĐVHD là ngành công nghiệp tội phạm xuyên quốc gia, sánh ngang với tội phạm về ma túy, vũ khí và buôn người.

Khó xử lý

TS Nguyễn Duy Giảng - Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) khẳng định, tình trạng vận chuyển trái phép ĐVHD thời gian qua diễn ra tinh vi, trong khi phần lớn chủ hàng đều ở nước ngoài, nên có nhiều vụ phát hiện nhưng không tìm được chủ. Trong 5 năm qua, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phát hiện, khởi tố, điều tra gần 40 vụ án hình sự, trong đó, tập trung chủ yếu ở Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh… Các vụ án chủ yếu bị phát hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan ở cảng biển, được ngụy trang bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, khi cơ quan điều tra liên hệ với các công ty nhận hàng tại Việt Nam, các đơn vị này đều từ chối với lý do đối tác gửi nhầm hàng. Trong khi đó, yêu cầu tương trợ tư pháp nhằm xác minh người gửi và các tài liệu liên quan đều không được nước bạn trả lời nên việc xử lý các vi phạm rất khó khăn, mất thời gian. Điều đáng nói, quá trình xử lý vi phạm khó truy được kẻ cầm đầu bởi chủ hàng thực sự thường ở nước ngoài, trong khi hợp tác tương trợ tư pháp trong phòng chống tội phạm săn bắt, buôn bán ĐVHD giữa Việt Nam và các quốc gia còn hạn chế.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), do hàng hóa vi phạm phần lớn không khai báo chính xác nguồn gốc nên không có căn cứ đảm bảo tin cậy để trả lại tang vật cho nước xuất khẩu theo quy định. Với phương án thứ ba, ngoài việc cần khoản kinh phí khá lớn để tiêu hủy thì quy trình xử lý cũng mất nhiều thời gian, cần sự tham gia nhiều bên và hiện cũng chưa có hướng dẫn đầy đủ.

Bộ luật Hình sự hiện nay có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với nhóm tội phạm về ma túy, vũ khí và buôn bán người nhưng ngược lại, chế tài xử lý tội phạm về ĐVHD vẫn chưa thực sự phản ánh được tính chất nghiêm trọng của loại tội phạm này. Việc xử lý vi phạm pháp luật về buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép chủ yếu xử phạt hành chính, mức phạt cao nhất hiện nay không quá 500 triệu đồng. Trong khi đó, năng lực phát hiện vi phạm pháp luật về lĩnh vực này của cơ quan pháp luật như: Hải quan, kiểm lâm, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, quản lý thị trường... lực lượng còn mỏng, trang thiết bị, phương tiện còn hạn chế. Khả năng đấu tranh đối với loại hình vi phạm này của lực lượng chuyên trách chưa theo kịp các thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp của các đối tượng vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép. Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự hiện hành, hình phạt cao nhất cho loại tội phạm về ĐVHD là 7 năm tù. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa đến 10% tổng số vi phạm được đưa ra xét xử với mức phạt phổ biến là cải tạo không giam giữ và tù treo. Mặc dù tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD ở Việt Nam diễn ra vô cùng phức tạp và nhiều vụ án mang tính chất rất nghiêm trọng nhưng tổ chức ENV mới chỉ ghi nhận một trường hợp bị cáo phải nhận mức án cao nhất 7 năm tù theo quy định. 
Ngày 29/6/2015, Bộ TN&MT đã có Công văn số 2592/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thông báo về việc áp dụng Điều 190 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Theo đó, các hành vi săn bắt, giết hại, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật. Bộ TN&MT khuyến cáo các cơ quan chức năng tại địa phương không tiến hành bán đấu giá, phát mại đối với tang vật là các loài động vật hoặc sản phẩm của loài động vật nguy cấp, quý hiếm bị thu giữ trong các vụ vi phạm pháp luật.
Tháng 10/2015, 12 nước tham gia TPP gồm Úc, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, và Việt Nam cùng ký bản cam kết bền vững về việc bảo vệ và bảo tồn môi trường, bao gồm hợp tác trong việc giải quyết các thách thức về môi trường như buôn bán trái phép ĐVHD. 12 nước nhất trí thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường của nước mình và không đi ngược lại với hệ thống pháp luật về môi trường để khuyến khích thương mại và đầu tư. Các nước cũng đồng ý thực hiện nghĩa vụ của mình theo Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), có biện pháp đối phó và hợp tác ngăn chặn buôn bán trái phép ĐVHD.
(còn nữa)