Sàn giao dịch bất động sản phải ký quỹ để hoạt động

Doãn Thành thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc quản lý các sàn giao dịch và người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS còn nhiều lỗ hổng, cần phải có những quy định rõ ràng hơn trong luật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính.

 
Ông đánh giá thế nào về thực trạng của các mô hình môi giới BĐS hiện nay tại Việt Nam?
- Hiện nay, trên thị trường BĐS tồn tại hai loại sản phẩm chính là sản phẩm đã hình thành, đã có sổ đỏ và sản phẩm chưa hình thành, chưa có sổ đỏ. Đối với sản phẩm đã được hình thành và có sổ đỏ thì khi giao dịch chỉ cần qua phòng công chứng để kiểm tra, xác nhận là có thể giao dịch được với nhau. Khách hàng không có rủi ro phát sinh, Nhà nước không bị thất thu thuế mua bán, dịch vụ.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm chưa được hình thành, chưa có sổ đỏ thì được giao dịch bằng hình thức: Chủ đầu tư tự bán và bán qua các sàn BĐS. Nếu là sản phẩm do nhà đầu tư tự bán, khách hàng khó kiểm chứng thông tin. Nhà nước khó quản lý, khó thu thuế. Đồng thời bên mua dễ bị lừa và rơi vào các dự án ma. Ngược lại, nếu qua các sàn BĐS, quy trình mua bán được công khai, khách hàng được tư vấn hỗ trợ, được bảo vệ quyền và lợi ích đúng theo quy định của pháp luật. Nhưng đối với các sàn không uy tín, khách hàng cũng có thể bị lừa.
Theo ông, mô hình sàn giao dịch BĐS nào là phù hợp với thị trường nước ta?
- Để có một mô hình phù hợp với thị trường của Việt Nam, tôi đã đề xuất bổ sung quy định bắt buộc các sản phẩm khi giao dịch đều phải qua các sàn. Riêng đối với các sản phẩm chưa được hình thành, chưa có sổ đỏ thì thông qua sàn giao dịch sẽ tiến hành thẩm tra, thẩm định, tư vấn khách hàng. Tiếp đó là ký hợp đồng ủy quyền với chủ đầu tư để công khai, niêm yết thông tin và có những cam kết với khách hàng về quyền, lợi ích của họ.
Nếu thực hiện được quy trình này, việc mua bán sẽ diễn ra chặt chẽ hơn, tuân thủ các quy định của pháp luật và làm cho hoạt động môi giới đi vào chuyên nghiệp, chống thất thu thuế, ngăn chặn các hành vi lừa đảo. Qua đó giúp Nhà nước quản lý được toàn bộ thông tin giao dịch của thị trường, tiến tới hình thành một mô hình giao dịch BĐS chuẩn.
Vậy điều kiện để xây dựng một mô hình chuẩn của các sàn giao dịch BĐS là gì, thưa ông?
- Theo tôi có 3 nhân tố, gồm: Nhà nước, sàn giao dịch và người hành nghề. Đối với Nhà nước, cần sớm sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 theo hướng mọi loại hình BĐS đều phải qua sàn giao dịch, xây dựng hệ thống thông tin theo công nghệ 4.0. Đối với các sàn BĐS, phải ký quỹ kinh doanh như một ngành nghề có điều kiện, hoạt động theo mô hình sàn giao dịch chứng khoán, văn phòng công chứng và phải có số lượng người hành nghề đáp ứng yêu cầu, đúng quy định pháp luật. Đối với người hành nghề cần được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ chuyên nghiệp và phải có chứng chỉ hành nghề, được cấp mã số nghề nghiệp quốc gia.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần