Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sân khấu né tránh, đứng ngoài thực tiễn cuộc sống?

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau thời gian “bùng nổ” với nhiều vở diễn được khởi công và ra mắt công chúng, đội ngũ làm nghệ thuật sân khấu thừa nhận, nghệ thuật sân khấu đang trở lại lại sự ảm đạm và bế tắc của nhiều năm trước.

Khủng hoảng đội ngũ sáng tạo, khó khăn vì sáp nhập

Từ thực tế Giải thưởng sân khấu năm 2023 không có giải A; điểm mặt những vở được trao giải B hay C đều là những đơn vị sân khấu quen thuộc và vẫn thường được nhận giải các mùa trao thưởng trước, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam Nguyễn Đăng Chương chia sẻ, lý do của tình trạng này là sân khấu gặp một loạt vấn đề do nhiều địa phương sáp nhập cơ học các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Điều này dẫn tới nghệ sĩ thuộc lĩnh vực ca múa nhạc phải đi biểu diễn nghệ thuật sân khấu và diễn viên sân khấu phải đi diễn ca múa nhạc, diễn viên chèo diễn kịch nói, tuồng sang diễn chèo, chèo sang diễn cải lương.

Vở diễn "Trung trinh liệt nữ" của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh minh hoạ: Lại Tấn
Vở diễn "Trung trinh liệt nữ" của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh minh hoạ: Lại Tấn

Điểm nghẽn lớn nhất, cũng là khó khăn nhất của sân khấu là khủng hoảng đội ngũ sáng tạo, từ tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên đến nhân viên âm thanh, ánh sáng, hậu đài, phê bình sân khấu…

Hiện nay Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có 218 Hội viên là tác giả chuyên nghiệp và không chuyên. Thế nhưng lượng tác giả có kịch bản thường xuyên dàn dựng ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nhiều năm gần đây, đội ngũ tác giả đang bị bế tắc về phương hướng sáng tạo, cách thức tiếp nhận và lý giải những mâu thuẫn xung đột của xã hội và con người hôm nay. Có lẽ vì bế tắc nên phần lớn tác giả lựa chọn sáng tác về đề tài lịch sử, dân gian mà không dám dấn thân phản ánh mọi mặt của đời sống đương đại. Nếu dựa vào lịch sử, dân gian để chuyển tải những thông điệp mới mẻ, có ích cho cuộc sống hôm nay cũng là điều rất quý. Thế nhưng, đa số các tác phẩm mới chỉ đạt ở mức minh họa lịch sử.

Thêm một bất cập khác trong quản lý là tại các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập hiện nay có khoảng 30-50% diễn viên không còn khả năng làm nghề, nhưng vẫn nằm trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Trong khi nghệ sĩ trẻ đang sung sức trong lao động sáng tạo nghệ thuật thì nằm ngoài biên chế và hưởng lương hợp đồng từ nguồn thu của đơn vị, khiến các nhà hát khó giữ chân được tài năng trẻ.

Điểm sáng của các đơn vị ngoài công lập

Trong bối cảnh sân khấu “ảm đạm, bế tắc” vẫn có những tia sáng, tạo ra sự mới mẻ cho sân khấu, thu hút khán giả. Đơn cử, trong hệ thống sân khấu công lập, Nhà hát Kịch Việt Nam có vở “Quan thanh tra”, “Bóng rối” nhận nhiều khen ngợi từ giới phê bình lẫn khán giả vì sự chỉn chu và sáng tạo. Chưa kể những nhà hát có truyền thống khác, như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam… không phải là không có vở diễn tốt năm qua.

Vở kịch với hơi hướng hiện đại thì LucTeam. Ảnh: Lại Tấn
Vở kịch với hơi hướng hiện đại thì LucTeam. Ảnh: Lại Tấn

Ở khối sân khấu tư nhân, trong bối cảnh sân khấu đang mong chờ những vở kịch mới với hơi hướng hiện đại thì LucTeam - đoàn kịch tư nhân do đạo diễn Trần Lực thành lập đã và đang tạo ra một hiện tượng kịch với phong cách ước lệ - biểu hiện mang đến sự hiện đại, phóng khoáng, thông minh và đặc biệt rất trẻ và bắt kịp với thời đại. Trong đó, nổi bật là vở kịch “Búp bê”. Vở kịch không chỉ nhắc đến vấn đề của thời đại 4.0 mà còn đặc biệt ở chỗ dám đề cập tới những vấn đề về người đồng tính. Câu chuyện khó nói này đã được đưa lên sân khấu nhưng không hề phản cảm, nhờ lối diễn kịch ước lệ - biểu hiện riêng của diễn viên sân khấu LucTeam.

Trong khi đó sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc ở Hà Nội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lại giành nhiều giải thưởng của Hội năm nay (giải B cho vở diễn “Lôi vũ” và giải Họa sĩ xuất sắc cũng ở vở diễn này).

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đau đáu, dù sân khấu chưa có những bứt phá, nhưng cũng không ảm đạm. Nếu có, chủ yếu là ở các địa phương, nơi đang rất khó khăn vì sáp nhập các đơn vị nghệ thuật, tinh giản biên chế. Vài năm trở lại đây, khối sân khấu tư nhân cả Nam và Bắc vẫn kiên trì với đam mê sân khấu của mình để tiếp tục làm việc và tìm khán giả; các đơn vị sân khấu ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh vẫn không ngừng sáng tạo, ra các vở diễn mới và tỏa đi biểu diễn phục vụ khán giả ở các tỉnh, thành phố khác.