Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản lượng điện thương phẩm PTC3 giảm, vì sao đường dây cao áp vẫn đầy tải?

Xuân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 4 tháng năm 2022, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) được giao sản lượng điện thương phẩm 6.042 triệu kWh. Tính đến ngày 30/4, PTC3 chỉ đạt 1.902 triệu kWh, bằng 31,48% kế hoạch và giảm 13,7% so với cùng kỳ. Dù vậy tình trạng đầy tải trên đường dây 220 - 500kV vẫn xảy ra.

Huy động tối đa nguồn điện nối lưới

Năm 2022, cả nước tập trung khôi phục lại kinh tế sau đại dịch Covid-19, dự báo nhu cầu sử dụng điện cao hơn năm 2021. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm 2022, ngành Điện đã gặp khó khăn trong sản xuất vì nguồn nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện không đáp ứng nhu cầu sản xuất do ảnh hưởng của tình hình thế giới.

Công nhân PTC3 sử dụng thiết bị bay UAV kiểm tra lưới điện truyền tải.
Công nhân PTC3 sử dụng thiết bị bay UAV kiểm tra lưới điện truyền tải.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động toàn bộ nguồn điện hiện có để đảm bảo cung cấp điện cho đất nước. Trong đó, các công ty điện lực tỉnh huy động tối đa nguồn năng lượng nối lưới vào lưới điện của các công ty điện lực tỉnh.

Phó Giám đốc PTC3 Hồ Công cho biết, tại khu vực lưới điện truyền tải do PTC3 quản lý, trên 9 tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên từ sau năm 2019 đến nay, các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) phát triển bùng nổ dẫn đến thừa công suất nội vùng vào ban ngày. Vì vậy, các công ty điện lực địa phương đã khai thác tối đa công suất những nguồn NLTT để cung cấp cho địa phương và lượng công suất phát thừa truyền ngược lên lưới điện truyền tải.

Do vậy, sản lượng điện thương phẩm từ lưới truyền tải cung cấp cho các địa phương giảm nhiều, đặc biệt những công ty điện lực như Phú Yên, Gia Lai, Đắk Nông chỉ nhận chưa đến 20% sản lượng điện thương phẩm từ lưới điện truyền tải của PTC3.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc mặc dù sản lượng điện thương phẩm của PTC3 giảm mạnh, nhưng lưới điện truyền tải của công ty luôn vận hành trong tình trạng đầy, có thời điểm quá tải, điều này có mâu thuẫn gì không? Ông Hồ Công cho rằng: Sau năm 2019, khi các nguồn NLTT được đầu tư phát triển mạnh tại những địa phương trên địa bàn PTC3 quản lý thì vai trò của công ty đã có những thay đổi. Từ một đơn vị truyền tải để cung cấp điện cho các điện lực địa phương, nay chuyển thành đơn vị truyền tải nguồn năng lượng từ các nhà máy NLTT vào miền Nam, hoặc ra phía Bắc vào ban ngày, truyền tải công suất nguồn thủy điện, điện gió vào ban đêm.

Vì vậy, lưới điện truyền tải điện vào ban ngày có nhiều đường dây, trạm biến áp luôn đầy tải, như các máy biến áp tại TBA 220kV Ninh Phước, Tháp Chàm, Phan Rí… cùng nhiều tuyến đường dây thường xuyên vận hành với mức mang tải cao từ 80 - 100%, đôi khi có quá tải.

“Tổng sản lượng truyền tải trên lưới điện PTC3 tính đến hết tháng 4/2022 là hơn 19,7 tỷ kWh, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 5,4% và dự kiến còn tăng nhiều trong những tháng nắng nóng sắp tới. Trong đó, sản lượng điện truyền tải PTC3 truyền tải điện vào miền Nam giao cho PTC4 là  hơn 15,9 tỷ kWh điện chiếm tới 44,9% tổng lượng điện thương phẩm của Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cộng lại” – vị này thông tin.

Thách thức lớn

Với áp lực truyền tải cao trên lưới điện khu vực, PTC3 cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý vận hành. Lực lượng trực tiếp quản lý vận hành phải tăng cường kiểm tra thiết bị trạm, kiểm tra trên các tuyến đường dây 500kV quan trọng và vào thời điểm truyền tải cao vào buổi trưa nắng nóng, rà soát hàng lang tuyến, chống cháy trên hành lang không để sự cố xảy ra làm gián đoạn cung cấp điện.

Công nhân PTC3 sửa chữa điện vào ban đêm theo yêu cầu nhằm đảm bảo truyền tải nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực vào ban ngày.
Công nhân PTC3 sửa chữa điện vào ban đêm theo yêu cầu nhằm đảm bảo truyền tải nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực vào ban ngày.

Ngoài công tác quản lý vận hành, các đơn vị còn triển khai kiểm định, thí nghiệm các thiết bị trạm, duy tu, bảo dưỡng lưới điện. Có nhiều thời điểm không thể bố trí cắt điện ban ngày được, nhiều hạng mục công việc phải thực hiện vào ban đêm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi người lao động phải làm việc trên cao trong những khu vực địa hình thời tiết thay đổi, trái ngược với đồng hồ sinh học của người công nhân lao động.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, PTC3 đã thực hiện 346 lần cắt điện để để sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, vệ sinh cách điện, xử lý phát nhiệt, xử lý tiếp xúc, lắp đặt và thí nghiệm định kỳ thiết bị, trong đó có 117 lần cắt điện đêm.

Trong thời gian tới, lưới điện PTC3 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề về vận hành đầy, quá tải do phải giải tỏa các nguồn NLTT, năng lượng truyền thống ràng buộc các điều kiện luân phiên phân bổ các nguồn điện truyền thống phát điện vào ban đêm, ưu tiên giải tỏa NLTT ban ngày cũng như đảm bảo truyền tải điện cho các trung tâm phụ tải lớn ở hai miền Nam – Bắc. Nhiều yếu tố rủi ro khó dự báo trước trong vận hành có thể mất ổn định hệ thống điện truyền tải, do nhường chỗ khai thác cao NLTT vào ban ngày và khởi động luân phiên phát nguồn điện truyền thống vào ban đêm.

Từ thực tế, ông Hồ Công đề nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đóng điện công trình đang được triển khai như: Đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chàm mạch 2 và công trình treo dây mạch 2 đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chàm mạch 2. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đóng điện đường dây 220kV Nha Trang – Krông Buk mạch 2, Krông Buk – Pleiku 2 mạch 2 trong năm 2022 để giải quyết tình trạng vận hành đầy tải, quá tải các đường dây 220kV khu vực Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk trong những năm tiếp theo. Đồng thời, nâng công suất các máy biến áp tại các trạm biến áp 500kV Di Linh, Đắk Nông, Pleiku 2 nhằm chống quá tải cho các máy biến áp hiện hữu...

Cùng với đó, cần thiết chuẩn bị đầu tư xây dựng sớm các đường dây theo đề án quy hoạch sơ đồ lưới điện VIII được duyệt, để giải quyết tình trạng vận hành đầy tải, quá tải và vận hành ổn định tin cậy hệ thống lưới điện truyền tải.