Phát sản vì mất doanh thu
Số liệu khảo sát từ 500 sàn giao dịch BĐS đang hoạt động hiện nay, với khoảng 75.000 lao động của Hội môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự bị nghỉ việc hoặc tạm nghỉ việc không lương. Theo đó, 45% lao động trong các sàn giao dịch mất thu nhập hoàn toàn (tương đương khoảng 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 sàn giao dịch thực hiện khảo sát). Số còn lại hưởng lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch hoặc nhận 50% lương do làm việc luân phiên, hiện 28% sàn đã hết tiền để trả lương người lao động.
Một thống kê khác từ DKRA Việt Nam cũng chỉ ra rằng tình hình hoạt động ở các sàn giao dịch và môi giới BĐS đang trở nên hết sức bi đát. Cụ thể, 70 % doanh nghiệp (DN) môi giới BĐS lựa chọn giải pháp điều chỉnh lương, cắt giảm lương người lao động hoặc ngưng hoạt động; 30% DN hoạt động ổn định, mức độ biến động nhân sự thấp.
|
Để thích ứng trong tình hình dịch bệnh, DN môi giới BĐS đã thay đổi phương thức bán hàng. |
“Riêng tại TP Hồ Chí minh và các tỉnh phía Nam, do đang là tâm dịch trong đợt dịch lần này, nên doanh thu của DN môi giới BĐS 3 tháng gần đây: 50% DN mức doanh thu đạt dưới 10%; 30% doanh thu từ 30 - 50% ; 10% doanh thu từ 50 - 70% và 10% DN có doanh thu ổn định” – Tổng Giám đốc DKRA Phạm Lâm cho hay.
Nhìn chung, những khó khăn mà DN môi giới BĐS đang gặp hiện nay, gồm: Chi phí vận hành DN; giảm hoặc mất doanh thu, chi phí thuê mặt bằng, văn phòng, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thuế... lên tới hàng tỷ đồng vẫn phải trả hàng tháng, dẫn đến khó khăn về tài chính; Việc thu hồi công nợ từ chủ đầu tư và dự án bị đình trệ; DN môi giới BĐS bị kẹt vốn không thể đẩy mạnh hỗ trợ cho sale bán hàng. Cùng với đó, kinh doanh, bán hàng ngưng trệ nhân viên môi giới mất thu nhập, bỏ việc...
Trong “nguy” có “cơ”
Phó Chủ tịch CEN Group Phạm Thanh Hưng cho biết, đơn vị này có khoảng 33.000 nhân viên, cộng tác viên môi giới BĐS đang hoạt động trên khắp cả nước, hiện nay chưa phải thực hiện biện pháp cắt giảm nhân sự để duy trì tồn tại. Theo ông Phạm Thanh Hưng, dịch Covid-19 đã kéo dài gần 2 năm qua cách phản ứng thế nào tùy thuộc vào mỗi DN, quan trọng nhất về mặt tình thần, cần phải cẩn trọng, đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh, nhưng không có nghĩa là co cụm dừng làm việc, mà phải luôn hành động, đưa ra biện pháp, khi tinh thần ổn định sẽ nghĩ ra giải pháp hay.
“Xét cho cùng những khó khăn lúc này tạo ra thử thách rất lớn, nhưng cũng là bài học kinh nghiệm để DN môi giới BĐS cải thiện nhiều trong phương án kinh doanh. Hiện nay, hoạt động kinh doanh bị đình trệ chúng tôi tổ chức các chương trình trực tuyến giống ngoại khóa: đọc sách, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp... như một giải pháp hữu hiệu nhằm nỗ lực nâng cao tinh thần cho người lao động để vượt qua khó khăn ở thời điểm này” – ông Phạm Thanh Hưng chia sẻ.
Theo Tổng Giám đốc Tica Land Nguyễn Khắc Việt Hà, bên cạnh giải pháp về siết chặt chi tiêu nhằm giảm thiểu chi phí, để tồn tại trong mùa dịch này DN môi giới BĐS cần phải chọn đúng phân khúc sản phẩm trọng tâm của thị trường. Những sản phẩm như: BĐS du lịch – nghỉ dưỡng biến, căn hộ, nhà thấp tầng nôi đô... đang chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh, không nên tập trung đầu tư nguồn lực quá lớn để bán.
|
Việc chào bán BĐS qua những sản phẩm video, hình ảnh 3D... ngày càng trở nên phổ biến. |
Nhưng bên cạnh khó khăn do dịch bệnh, DN môi giới BĐS lại đang gặp thuận lợi do sự phát triển của khoa học công nghệ, mang đến nhiều phương án lựa chọn triển khai bán hàng. Đặc biệt là thuận lợi từ việc thay đổi tâm lý đầu tư khách hàng, quan trọng nhất phía chủ đầu tư phải đưa ra một sản phẩm tiềm năng, pháp lý rõ ràng và chính sách khuyến mại (quà tặng, chiết khấu...) tốt, nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng lợi nhuận sẽ “xuống tiền” đầu tư.
“Mặc dù không phải là DN môi giới BĐS lớn trên thị trường, trong 2 năm qua chúng tôi vẫn hoạt động ổn định, doanh thu có giảm nhưng vẫn được duy trì. Hiện nay, hàng loạt DN môi giới BĐS phải dừng hoạt động, phá sản vì mất doanh thu, nhưng tôi cho rằng trong “nguy” có “cơ”. Điều quan trọng nhất cần tìm ra được một sản phẩm có “điểm rơi” trên thị trường, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ven đô là một gợi ý tốt trong thời điểm này” – ông Nguyễn Khắc Việt Hà chia sẻ.
Thực tế, số lượng DN môi giới BĐS vẫn đang hoạt động ổn định trong thời điểm hiện nay không nhiều, nhưng khả năng nguồn lực DN sẽ cạn kiệt rất cao nếu dịch bệnh kéo dài và không xây dựng phương án “sống chung với lũ”. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực, cố gắng từ phía DN, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng triển khai những chính sách hỗ trợ, quan trọng nhất lúc này liên quan đến vaccine, còn khoảng ít nhất 50% nhân sự làm việc ở DN môi giới BĐS chưa được tiêm vaccine mũi đầu. Đồng thời tiếp tục xem xét giãn – giảm tiền thuế DN, tiền thuê đất, lãi vay ngân hàng... DN môi giới BĐS cũng phải nỗ lực hơn nữa để khách hàng hoàn toàn tin tưởng sản phẩm đang bán đã được thẩm định, thẩm tra, đủ điều kiện pháp lý, thông tin đầy đủ rõ ràng, minh bạch, giá cả phù hợp với thị trường... Uy tín, lòng tin từ khách hàng là yếu tố quyết định sự tồn vong của DN nói chung và DN môi giới BĐS nói riêng.
" Theo tôi, Chính phủ nên xem xét giảm thuế cho DN phát triển BĐS. Cụ thể như:Thuế phí vận tải của DN sản xuất vật liệu xây dựng, nhà thầu xây dựng; nới lỏng biện pháp hạn chế vay kinh doanh BĐS, vay mua nhà; tạm thời duy trì tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm một số năm và giảm lãi suất vay; xây dựng cơ chế hỗ trợ DN BĐS phát hành trái phiếu huy động vốn đảm bảo tính minh bạch, công khai, hiệu quả trên cơ sở đánh giá xếp hạng của ngân hàng bảo lãnh hoặc tổ chức tín dụng." - Chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa |
"Hoạt động của các sàn thực tế vẫn đang hết sức bình thường, chỉ khác nhau về sức khỏe tài chính, chiến lược, khả năng của người lãnh đạo mà thôi. Sau mỗi đợt khủng hoảng, rất nhiều sàn đóng cửa và cũng rất nhiều sàn mở mới. Sự thanh lọc giúp cho thị trường có những sàn khỏe mạnh, minh bạch hơn." - Chủ tịch BHS Group Nguyễn Thọ Tuyển |