Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sản phẩm báo chí AI: cần sự giám sát chặt chẽ của con người

Kinhtedothi - "Sản phẩm báo chí AI cần sự giám sát chặt chẽ của con người" - đó là khẳng định của TS Cao Minh Thắng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông CDIT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tại Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh" vừa diễn ra do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức.

Xu hướng chung

Nói về hiện trạng sử dụng AI trong báo chí, TS Cao Minh Thắng nhận định, trên toàn cầu, trí tuệ nhân tạo đang được các cơ quan báo chí lớn như Associated Press (AP), The Washington Post, BBC… ứng dụng mạnh mẽ.

Theo báo cáo của Reuters, trong năm 2024, có tới 57% các cơ quan báo chí lớn đã ứng dụng AI trong ít nhất một công đoạn sản xuất tin tức. Từ đó có khoảng hơn 60.000 bài báo/ngày trên toàn cầu được tạo một phần hoặc toàn phần bằng AI.

TS Cao Minh Thắng chia sẻ tại Hội thảo.

Còn theo nền tảng chuyên thu thập và phân tích dữ liệu tin tức thời gian thực NewsCatcherAPI, trong 857.434 bài báo từ 26.675 nhà xuất bản trực tuyến trên toàn thế giới thì có khoảng 6,96% được tạo ra bởi AI. Các lĩnh vực có tỷ lệ nội dung do AI tạo ra cao nhất bao gồm làm đẹp, công nghệ và kinh doanh, trong khi các chủ đề như chính trị và bình luận có tỷ lệ thấp hơn.

AI được các tòa soạn tích hợp vào những công đoạn như: Tự động hóa quy trình sản xuất nội dung, tăng tốc độ đưa tin, tùy biến nội dung theo người đọc, phát hiện tin giả cũng như phân tích dữ liệu và xu hướng xã hội. Từ đó có những ứng dụng thực tế như: Viết tin ngắn, báo cáo tài chính, thể thao, thời tiết…; Khai thác dữ liệu mạng xã hội, phân tích hành vi độc giả; Gợi ý bài viết phù hợp từng độc giả dựa trên hành vi đọc; Dùng AI để phát hiện thông tin sai lệch, tin giả; Biến bài viết thành podcast bằng AI giọng nói nhân tạo; Dùng AI để viết tiêu đề hấp dẫn; Gợi ý thẻ từ khóa, tăng khả năng hiển thị.

TS Cao Minh Thắng cho biết, một trong những công cụ tích hợp AI không chỉ thay đổi cách thức làm báo mà còn hỗ trợ tương đối thuận tiện cho nhà báo và các cơ quan báo chí trong quá trình tác nghiệp là ứng dụng nổi tiếng ChatGPT.

Theo đó, kể từ khi ra mắt vào năm 2022, ChatGPT đã khiến cho phương thức sản xuất tin tức cũng bắt đầu có những sự thay đổi sâu sắc. Ứng dụng không chỉ có thể tạo nội dung về các chủ đề cụ thể, mà còn có khả năng lập kế hoạch lựa chọn chủ đề, viết dàn ý, giải thích chủ đề với số lượng lớn và có vẻ “rất chân thực”.

Không chỉ vậy, ChatGPT còn có khả năng tổng hợp và sản xuất nội dung một cách nhanh chóng, giúp các cơ quan báo chí truyền thông giảm thiểu thời gian từ khi thu thập thông tin đến khi phát hành tin tức. Trong bối cảnh thông tin liên tục cập nhật, khả năng này giúp báo chí cạnh tranh được với tốc độ của mạng xã hội và các nguồn tin tức trực tuyến khác.

Việc áp dụng ChatGPT vào quá trình sản xuất tin tức có thể giảm bớt chi phí lao động và tăng hiệu quả trong quản lý nội dung. AI có thể giúp tự động hóa một số quy trình làm việc, như tìm kiếm và tổng hợp thông tin, dịch thuật tin tức sang các ngôn ngữ khác, hoặc thậm chí tạo ra bản nháp đầu tiên của bài viết, giảm thiểu thời gian và công sức của con người. Nhiều cơ quan báo chí lớn như Bloomberg và Associated Press đã sử dụng AI trong quy trình sản xuất tin tức để tiết kiệm chi phí và tăng năng suất.

Các đại biểu trải nghiệm không gian ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí tại Hội thảo.

Thách thức về nội dung AI

Tuy nhiên, TS Cao Minh Thắng cũng đặt ra vấn đề, công nghệ số và AI đang tạo ra làn sóng thay đổi trong báo chí hiện đại nhưng từ đó cũng đặt ra những thách thức mới về tính minh bạch, sự trung thực và độ tin cậy của nội dung. Ví dụ như AI có thể sản xuất nội dung rất nhanh, nhưng không luôn đảm bảo tính đúng sự thật nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Nội dung do AI tạo có thể trông chuyên nghiệp, nhưng chứa thông tin sai lệch, thiếu ngữ cảnh hoặc gây hiểu lầm. Hay Deepfake và giọng nói giả cũng đang làm gia tăng nguy cơ phát tán tin giả.

Không chỉ vậy, một nghiên cứu của NewsCatcher cho thấy, giữa các bài viết do người và AI tạo ra, người đọc sẽ dành nhiều thời gian hơn để đọc những tác phẩm không phải do máy sản xuất, sự chênh lệch này lên tới 93%. Cuộc khảo sát đến từ Reuter cũng chỉ ra rằng, trên tất cả các quốc gia, hiện chỉ có 36% độc giả cảm thấy thoải mái khi sử dụng tin tức do con người tạo ra với sự trợ giúp của AI, và chỉ 19% độc giả cho biết cảm thấy thoải mái khi sử dụng tin tức chủ yếu do AI tạo ra với sự giám sát của con người.

Cũng theo Reuters, người dùng bày tỏ lo ngại về khả năng AI sẽ làm tăng nguy cơ tin giả và thiên lệch trong việc sản xuất nội dung, đặc biệt là khi AI tham gia vào các chủ đề nhạy cảm như chính trị và xã hội. Ví dụ, AI có thể vô tình hoặc cố ý phát tán thông tin sai lệch, và khi công chúng không nhận ra sự khác biệt giữa tin tức do con người và máy móc tạo ra, lòng tin của họ vào báo chí có thể bị giảm sút.

Sự gia tăng nội dung do AI tạo ra có thể dẫn đến việc lan truyền thông tin sai lệch, đặc biệt khi các mô hình AI học từ dữ liệu không chính xác hoặc thiên lệch. Từ đó kéo theo sự suy giảm niềm tin vào báo chí chính thống, gây nguy hiểm sức khỏe cộng đồng, kích động thù hận và phân biệt đối xử.

"Hay thậm chí lớn hơn gây hỗn loạn chính trị và can thiệp bầu cử (tiêu biểu như vụ bầu cử Mỹ 2016 hay Brexit) hoặc ảnh hưởng an ninh quốc gia và toàn cầu" - TS Cao Minh Thắng chia sẻ.

Nói về cách thức để kiểm tra thông tin AI tạo ra có sai lệch hay không, TS Cao Minh Thắng cho biết, cần kết hợp giữa công nghệ và con người. Một trong những phương thức đang được nhiều cơ quan báo chí ứng dụng là sử dụng chính AI để kiểm chứng chéo thông tin. Hiện có những công cụ tiêu biểu như: ClaimReview, Wolfram Alpha, Snopes… Những công cụ này sẽ giúp đối chiếu dữ liệu của bài viết do AI tạo ra với nguồn nội dung gốc. Ví dụ như AI có thể phát hiện bài viết ghi sai số liệu COVID-19 bằng cách so với dữ liệu WHO hoặc CDC.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần quan tâm tới việc đào tạo AI bằng những dữ liệu đáng tin cậy. Đảm bảo AI được huấn luyện từ nguồn thông tin có kiểm duyệt, chính thống như từ các báo lớn, cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu… Tuyệt đối tránh cung cấp dữ liệu cho AI từ các kho dữ liệu bị thiên lệch hoặc chứa nhiều tin đồn. Hoặc có thể tích hợp hệ thống kiểm tra đa nền tàng dùng AI để xác định tác giả, ngày xuất bản, nguồn gốc của tin gốc hay dùng blockchain, metadata xác minh tính xác thực của ảnh/video.

Quang cảnh Hội thảo do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 15/5.

"Hiện một số báo điện tử lớn như VnExpress, VietNamNet, Thanh Niên đã bắt đầu kiểm chứng tin đồn qua cộng đồng độc giả và liên kết với nguồn nước ngoài. Tuy nhiên, con người vẫn cần đọc lại và kiểm tra ngữ cảnh, logic những thông tin do AI tạo ra" - TS Cao Minh Thắng nhấn mạnh.

Mặc dù quá trình kiểm tra thông tin do AI tạo ra là vô cùng cần thiết nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan báo chí. Có thể kể đến như việc kiểm chứng đòi hỏi thời gian và kiến thức chuyên môn từ đó khiến thiếu nhân lực thực hiện. Không chỉ vậy, những công cụ kiểm tra của quốc tế không hỗ trợ tiếng Việt đầy đủ dẫn tới không hiểu sát ngôn ngữ và ngữ cảnh. Hoặc thậm chí ngay từ người đọc cũng chưa có thói quen xác thực tin trước khi chia sẻ, điều này khiến tin tức sai dễ bị lan truyền hơn.

Việc kiểm chứng lại các thông tin do AI sản xuất là một quy trình quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong báo chí. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa, cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa AI và con người, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về kiến thức truyền thông số.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Khi ứng dụng công nghệ AI hiệu quả sẽ giúp các các cơ quan báo chí, phóng viên chuyên nghiệp, bài bản hơn trong tác nghiệp báo chí.

Ngoài ra, ứng dụng AI trong quản trị tòa soạn sẽ tạo ra tính minh bạch thông tin. Từ đó, sẽ tạo hiệu quả xã hội, dẫn dắt dư luận, tạo dựng niềm tin với độc giả. Đây là mục tiêu lớn mà các cơ quan báo chí nỗ lực hướng tới.

Tuy nhiên, AI vừa có tính ưu việt, nhưng cũng có mặt trái. Nhà báo cần tuân thủ luật pháp, luật báo chí, đạo đức người làm báo.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh

Trí tuệ nhân tạo - Động lực đột phá đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao quốc gia

Trí tuệ nhân tạo - Động lực đột phá đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao quốc gia

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Cần kiến tạo không gian phát triển mới cho báo chí Việt Nam

Cần kiến tạo không gian phát triển mới cho báo chí Việt Nam

19 Jun, 04:54 PM

Kinhtedothi - Làm cách nào để báo chí phát triển và cạnh tranh sòng phẳng với các mô hình truyền thông xã hội khác trong bối cảnh số hóa toàn diện là vấn đề được nhiều chuyên gia chia sẻ tại phiên thảo luận chuyên đề của DIễn đàn báo chí toàn quốc đang diễn ra.

Đào tạo báo chí - truyền thông trước áp lực chuyển đổi số

Đào tạo báo chí - truyền thông trước áp lực chuyển đổi số

19 Jun, 01:47 PM

Kinhtedothi-Tiến trình chuyển đổi số đòi hỏi phải xây dựng được nguồn nhân lực toàn diện, có đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí, phát triển báo chí số ở Việt Nam. Do đó, việc tiếp tục đổi mới công tác đào tạo báo chí - truyền thông là rất cần thiết.

Báo cáo Phát triển Bền vững CSRD- xu hướng, tầm quan trọng

Báo cáo Phát triển Bền vững CSRD- xu hướng, tầm quan trọng

19 Jun, 11:00 AM

Kinhtedothi- Báo cáo Phát triển Bền vững DN (Corporate Sustainability Development Reporting - CSRD) là một loại báo cáo được DN lập ra công khai thông tin về các hoạt động liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Báo cáo này giúp các bên liên quan, bao gồm nhà đầu tư, khách hàng, cơ quan quản lý, và cộng đồng, hiểu rõ hơn về cam kết bền vững của DN.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ