Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tìm đường sang EU

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù năng lực còn hạn chế, các DN ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể cung cấp những sản phẩm đạt yêu cầu công nghệ và tiêu chuẩn ở mức trung bình cho thị trường quốc tế.

Đây là nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo “CNHT Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu” do Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức hôm nay 5/11 tại Hà Nội.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (NCCLCSCN), DN sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước đã từng bước nâng cao năng lực, cung ứng cho các DN FDI đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam, qua đó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí đã có một số DN trực tiếp xuất khẩu (XK).

Thực tế đã có những XK sản phẩm CNHT khá tốt sang Nhật Bản, Đài Loan... Bên cạnh đó, CNHT cũng đang được Chính phủ ưu tiên phát triển, nhất là Dự thảo Nghị định đầu tiên về phát triển CNHT Việt Nam cũng đang được gấp rút hoàn thiện, dự kiến sẽ được trình Thủ tướng ngay giữa tháng 11/2014.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, khảo sát của Viện NCCLCSCN gần đây cho thấy, khả năng tiếp cận thị trường EU của các DN Việt, đặc biệt DN sản xuất linh kiện, phụ tùng còn rất hạn chế. Hiện Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,22% tổng giá trị nhập khẩu linh kiện, phụ tùng của EU.

Điều tra với hơn 200 DN trong lĩnh vực linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa-cao su và linh kiện điện-điện tử, nhóm chuyên gia của Viện NCCLCSCN cho biết, thị trường XK chủ yếu của họ hiện vẫn là Đông Á và Asean, thị trường EU mới chiếm rất ít. Hình thức XK chủ yếu của DN CNHT sang EU là gián tiếp, song cũng đã có gần 25% DN XK trực tiếp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Linh - đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu Viện NCCLCSCN, khó khăn lớn nhất của các DN để XK sản phẩm CNHT sang châu Âu là vẫn thiếu những tiêu chuẩn quản lý phù hợp, thiếu thông tin về thị trường, về tiêu chuẩn của EU, thiếu vốn, thiếu kênh phân phối... Trong khi đó, kém trong đàm phán thương thảo hợp đồng, công nghệ lạc hậu chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU. Số DN nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đạt yêu cầu XK sang EU còn hạn chế, trong khi Việt Nam thiếu cơ sở dữ liệu về DN SX linh kiện trong nước...

Nhằm nâng cao năng lực cho DN CNHT Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường EU cũng như toàn cầu, Liên minh châu Âu đã tài trợ giúp Viện NCCLCSCN và Trung tâm Phát triển DN CNHT (Bộ Công Thương) thực hiện Dự án “CNHT Việt Nam hướng tới thị trường châu Âu”, kéo dài từ nay đến tháng 6/2017.

TS Trương Chí Bình-Giám đốc Trung tâm phát triển DN CNHT cho biết: Dự án có tổng kinh phí 412.839 Eur, trong đó EU tài trợ gần 90% là cơ hội rất tốt cho ngành CNHT của Việt Nam, hứa hẹn sẽ có tác dụng lan tỏa lớn. Đối tượng hỗ trợ chính là các DN Việt SX CNHT trong lĩnh vực chế tạo (cơ khí, nhựa-cao su, điện-điện tử) có xu hướng XK sang thị trường châu Âu và quốc tế. Dự án sẽ giúp ít nhất 20 chuyên gia trong nước được đào tạo về các yêu cầu và tiêu chuẩn EU, ít nhất 50 DN được tham gia có hiệu quả vào các hội chợ thương mại liên quan CNHT tại EU.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần