Bạc là nguyên tố có hoạt tính kháng khuẩn tự nhiên mạnh nhất được tìm thấy trên trái đất. Ở dạng nano, hoạt tính này còn tăng lên nhiều lần. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nano, các ứng dụng công nghệ nano bạc vào thực tiễn cuộc sống ngày càng nhiều, góp phần tạo ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của con người và giúp tiết kiệm chi phí một cách đáng kể.
"Lá chắn tốt" cần được nghiên cứu cẩn trọng
Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong nhiều năm qua đã đi tiên phong trong việc thực hiện hàng loạt các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ về nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng nano bạc trong y tế và đời sống.
Ngay từ những năm 2009, khi người dân còn chưa có khái niệm về nano bạc, thì lần đầu tiên, sản phẩm khẩu trang nano bạc kháng khuẩn của Viện Công nghệ Môi trường đã được tung ra và nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng. Nhất là vào thời điểm đại dịch SARS hoành hành và là nỗi lo về căn bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp chưa tìm được thuốc chữa đặc trị. Đây là một trong những sản phẩm ứng dụng của đề tài cấp nhà nước: "Nghiên cứu chế tạo và phát triển ứng dụng một số vật liệu nano bạc để khử trùng trong y tế, đời sống và sản xuất".
Sản phẩm khẩu trang nano bạc của Viện Công nghệ môi trường.
|
Tuy nhiên, sau khi sáng chế hữu dụng này được biết đến, khẩu trang nano bạc kháng khuẩn của Viện Công nghệ Môi trường đã bị khẩu trang nano bạc nhái về công nghệ, kiểu dáng, chất lượng giá rẻ trên thị trường lấn át.
Trao đổi với PV, TS. Trần Thị Ngọc Dung, “tác giả” của sản phẩm khẩu trang nano bạc đầu tiên tại Việt Nam cho biết: Một số sản phẩm khẩu trang nano bạc hiện đang bán tràn lan trên thị trường có giá rất hấp dẫn, một phần vì lượng bạc trong khẩu trang quá ít, không có đủ hàm lượng để tiêu diệt vi khuẩn khi chúng bám dính vào. Với khẩu trang nano bạc của Viện Công nghệ Môi trường, lớp bạc được tẩm một cách cẩn trọng, với đúng khối lượng tịnh nghiên cứu, bởi nếu tẩm quá nhiều bạc dễ dẫn đến ngộ độc, gây hại cho sức khỏe người dùng, còn nếu tẩm quá ít lượng bạc cần thiết thì lại không có tác dụng.
Một ưu điểm nữa của khẩu trang nano bạc do Viện Công nghệ Môi trường sản xuất là phần vỏ - vải bên ngoài, và phần lõi (gồm lớp nano bạc và lớp than hoạt tính) được thiết kế có thể dễ dàng tách rời ra, như vậy, người sử dụng có thể thường xuyên giặt, phơi nắng phần vỏ - vải để làm sạch khẩu trang. Với các loại khẩu trang mà lớp nano bạc được tẩm liền trên bề mặt vải sẽ có 2 phản tác dụng, một là dễ khiến người dùng bị ngộ độc, hai là khi giặt, vệ sinh khẩu trang, lớp bạc phủ này bị bong tróc, mất đi tác dụng của lớp nano bạc, trở thành khẩu trang vải bình thường, khi đó nguy cơ nhiễm khuẩn còn cao hơn.
Cũng theo TS Dung, tác dụng của nano bạc do Viện chế tạo được kiểm nghiệm và khẳng định ở nhiều cơ quan y tế có chức năng như Viện Bỏng Quốc gia, Viện 108, Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương...
Sản phẩm khoa học Việt thiệt vì khó… “đầu ra”
Tuy nhiên, điều làm các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Môi trường băn khoăn nhất chính là, họ chỉ có nhiệm vụ nghiên cứu nên không thể sản xuất hàng loạt cũng như quảng cáo tác dụng của loại khẩu trang này. "Mong ước lớn nhất của người làm khoa học như tôi đó là sản phẩm mình làm ra phục vụ được cho lợi ích của xã hội", Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Dung nói.
Kỹ thuật viên Kiểm định chất lượng của lớp nano bạc đính trên than hoạt tính trước khi đưa vào sản xuất
|
Năm ngoái, đối tác phía Nhật Bản đã tìm đến chị Ngọc Dung với mục đích đặt hàng số lượng lớn cung cấp sang thị trường Nhật, nhưng chỉ là đơn vị nghiên cứu, không có vốn đầu tư nên nhà khoa học không thể nhận lời sản xuất cho phía bạn. Hiện tại cũng có một vài đơn vị trong nước muốn đặt hàng nhưng lại phân vân vì giá sản phẩm cua Viện Công nghệ Môi trường cao hơn nhiều sản phẩm cùng tên gọi trên thị trường. Không phải là những người làm kinh tế, nên chúng tôi không có cách nào làm maketing quảng cáo cho sản phẩm của mình mà chỉ còn cách đưa sản phẩm cho khách tự thẩm định.
Hiện những nghiên cứu ứng dụng nano bạc của Viện Công nghệ Môi trường còn nhiều như, băng gạc điều trị vết thương, dung dịch nano bạc dùng cho y tế, trồng trọt, chăn nuôi, mỹ phẩm, đồ gia dụng…. “Nhưng quan trọng sau những nghiên cứu, các sản phẩm khoa học của chúng tôi làm thế nào để được xã hội biết đến” – TS Dung băn khoăn.
Điều băn khoăn của TS Dung cũng là trăn trở của rất nhiều nhà khoa học hiện nay. Do vậy, muốn sản phẩm khoa học Việt đi vào đời sống thì ngoài sự nỗ lực của nhà nghiên cứu thì cần rất nhiều sự hỗ trợ từ phía các đơn vị chức năng, doanh nghiệp, người tiêu dùng…