Đường lên sàn gập ghềnh
Thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Trong vài năm trở lại đây, một số làng nghề truyền thống đã chủ động tiếp cận đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. TMĐT giúp mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, tạo động lực cho người lao động và các nghệ nhân sáng tạo, khẳng định chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu làng nghề truyền thống.
Chia sẻ hiệu quả thực tế từ cơ sở, Chủ tịch Hiệp hội dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết, các cơ sở sản xuất kinh doanh ở làng nghề Vạn Phúc đã tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm. Thông qua nhóm này, các thành viên chủ động tìm được nguồn nguyên liệu sản xuất, giới thiệu các mặt hàng do chính các cơ sở sản xuất. Với những dữ liệu trong nhóm, các cơ sở chuyên làm thương mại sẽ tập trung quảng cáo, kết nối với người mua có nhu cầu. Các hộ kinh doanh còn tận dụng các nền tảng công nghệ để tư vấn, bán hàng trực tuyến. Với mô hình kinh doanh điện tử, các cơ sở sản xuất kinh doanh đã dần chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, vừa nhanh chóng vừa giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp.
Bên cạnh đó, làng nghề Vạn Phúc cũng tích cực đưa những sản phẩm lên các sàn TMĐT. Tất cả sản phẩm được dán tem nhãn thương hiệu "Lụa Vạn Phúc", được bảo hộ độc quyền tới người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế.
Tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng nắm bắt cơ hội và xây dựng kênh TMĐT để mở rộng thị trường. Trưởng ban đại diện Làng nghề gốm sứ Giang Cao (xã Bát Tràng) Đặng Đình Túc cho biết, hiện nay các sản phẩm gốm sứ tại Bát Tràng đã được giới thiệu, quảng bá và tiếp thị sản phẩm trên các ứng dụng điện tử, sàn giao dịch TMĐT, do đó việc tiêu thụ sản phẩm khá thuận lợi. Trong đó, kênh online chiếm 26% tổng tổng doanh thu của làng nghề.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Đình Túc, nhận thức và tổ chức bán hàng trên TMĐT ở làng nghề còn hạn chế. Bán hàng mang tính tự phát, người bán hàng chưa có kỹ năng, chưa có chiến lược kinh doanh. Đặc biệt, ở làng nghề còn yếu về phát triển sản phẩm, thường các cơ sở sản xuất đi lấy mẫu trên mạng về sản xuất theo, chưa có sản phẩm đặc trưng mang tính riêng biệt của chính mình.
Nói về hạn chế của các làng nghề khi tham gia sân chơi TMĐT, TS Nguyễn Như Chinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, khả năng năm bắt thông tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề còn hạn chế. Trên thực tế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại làng nghề vẫn làm theo thói quen, tùy tiện, thông tin về sản phẩm đưa ra không đầy đủ nên khó gây ấn tượng với bạn hàng…
“Hạ tầng, dịch vụ trong thanh toán, vận chuyển chưa thực sự thuận tiện, bảo đảm tối đa khiến người tiêu dùng có tâm lý e ngại khi mua hàng online. Các dịch vụ thương mại điện tử chưa chú trọng phát triển tại các vùng nông thôn, có thể là do quy mô chưa đủ tầm để tiến đến một thị trường quá rộng. Điều đó đòi hỏi một quyết tâm cực kỳ lớn cũng như là nguồn lực, khả năng đầu tư và cần phải có thêm thời gian” - TS Nguyễn Như Chinh chỉ ra.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách
TS Nguyễn Như Chinh cho rằng, để tiếp tục phát triển TMĐT, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn ở các làng nghề đẩy mạnh triển khai, cần nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT. Trong đó, thực hiện nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ như: đào tạo năng lực cho đội ngũ thực thi, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp liên ngành trong đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT.
Bên cạnh đó, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh CMCN 4.0… Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng TMĐT và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số.
Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT. Trong đó, đẩy mạnh việc hoàn thiện, đồng bộ và nâng cao hạ tầng công nghệ nói chung sẽ giúp bảo mật thông tin trên mạng được an toàn, giúp khách hàng yên tâm khi giao dịch trực tuyến, từng bước thay đổi nhận thức và thói quen người tiêu dùng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt…
Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Mỹ thuật sản phẩm Làng nghề Việt Nam Nguyễn Thị Tòng, để việc quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội được hiệu quả, tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân kinh doanh trực tuyến phát triển, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, Nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh trực tuyến. Đảm bảo, cá nhân, đơn vị tham gia kinh doanh trực tuyến có thể hiểu biết, nắm rõ tường tận những quy định đối với việc kinh doanh của mình, từ đó sẽ thực hiện đúng và giảm thiểu tranh chấp,hạn chế các trường hợp vi phạm pháp luật.
Đồng thời, Tổng cục Quản lý thị trường phát huy tối đa vai trò của mình trong việc quản lý, điều tra xuất xứ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ được bán trên mạng xã hội nhằm phát hiện được hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, giúp thị trường kinh doanh trực tuyến qua mạng xã hội trở nên trong sạch, lành mạnh và phát triển.