70 năm giải phóng Thủ đô

Sản phẩm nghệ thuật phục vụ du lịch: Bứt phá khỏi lối mòn

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đưa nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu truyền thống trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc là xu hướng và mục tiêu của các đơn vị nghệ thuật cũng như ngành du lịch Việt Nam hướng đến. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa hiệu quả.

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) vừa có buổi làm việc với 12 nhà hát trực thuộc để triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển sản phẩm nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch” theo Quyết định 3206/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL.

Đưa ra những ý tưởng mới lạ

Những năm qua, Bộ VHTT&DL đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo, nghệ sĩ của 12 nhà hát trực thuộc Bộ với các DN lữ hành, khách sạn nhằm tạo cơ hội trong việc hợp tác để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, thu hút khán giả. Đồng thời các công ty lữ hành cũng rất cần sự hỗ trợ từ nhà hát để làm phong phú sản phẩm du lịch.

Du khách xem biểu diễn nghệ thuật tuồng trên phố Mã Mây. Ảnh: Thanh Tùng
Du khách xem biểu diễn nghệ thuật tuồng trên phố Mã Mây. Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên nhiều năm trôi qua, hai ngành này vẫn chưa thực sự có cái “bắt tay” chặt chẽ. Chính vì vậy việc triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển sản phẩm nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch” mang lại nhiều phấn chấn đối với cán bộ, nghệ sĩ của 12 nhà hát. 

 

Chuỗi các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn đều hướng tới phục vụ khách du lịch. Ngay cả với các sản phẩm nghệ thuật đơn lẻ giao cho một nhà hát thực hiện cũng sẽ phải khác với các chương trình nghệ thuật biểu diễn cho du lịch lâu nay. Chúng tôi khuyến khích các nhà hát đưa ra những ý tưởng mới lạ để làm mới các loại hình nghệ thuật, đồng thời phải có sự tương tác đối với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly

Hiện thực hoá việc triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển sản phẩm nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch” theo Quyết định 3206/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cho hay: Cục Nghệ thuật biểu diễn dự kiến sẽ chia thành hai nhóm sản phẩm nghệ thuật. Nhóm thứ nhất là các sản phẩm nghệ thuật có dung lượng từ 40 - 45 phút và hướng tới các nhà hát vốn đã có những chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch nhỏ lẻ lâu nay. Nhóm này sẽ biểu diễn tại các địa điểm quanh khu vực phố cổ Hà Nội.

Nhóm thứ hai là xây dựng một sản phẩm nghệ thuật lớn có sự hợp lực của các nhà hát thuộc Bộ VHTT&DL. Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tập hợp những tên tuổi đạo diễn, tác giả và lực lượng nghệ sĩ của các nhà hát để cùng tham gia xây dựng sản phẩm nghệ thuật này. Có thể gọi sản phẩm nghệ thuật lớn là tác phẩm sử thi kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn.

Tác phẩm này sẽ được diễn 2 suất tại Hoàng thành Thăng Long và lấy không gian biểu diễn thực cảnh tại đây. Phần nội dung xoay quanh chủ đề về Hoàng thành Thăng Long hoặc nội dung cũng phải phù hợp với không gian biểu diễn này.

Chưa có sản phẩm nghệ thuật đặc sắc ở phố cổ

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc... bày tỏ mong muốn được tham gia, đặc biệt là với nhóm các sản phẩm nghệ thuật có dung lượng từ 40 - 45 phút. Bởi các nhà hát này lâu nay vốn đã có các chương trình hướng tới phục vụ khách du lịch.

Chương trình phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam.
Chương trình phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Từ lâu, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã kết nối với Ban quản lý phố cổ và phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để biểu diễn cho du khách. Tương tự, khi bắt tay với các tour có khách Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Nhà hát Chèo Việt Nam đã chuẩn bị các chương trình có thời lượng từ 20 - 30 phút, 50 phút hoặc 1 tiếng tùy từng đối tượng hợp đồng.

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Hiện nay, Nhà hát Cải lương Việt Nam đang gặp khó khăn khi chưa có rạp biểu diễn nên việc triển khai xây dựng sản phẩm du lịch này sẽ giúp Nhà hát có điều kiện để lựa chọn điểm diễn, dự kiến là Hội quán Quảng Đông tại 22 Hàng Buồm”.

Hay như Nhà hát Tuổi Trẻ, có dự kiến sử dụng không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông bên cạnh là Công viên Lênin để làm không gian biểu diễn. Nhà hát đã lựa chọn một kịch bản hướng về câu chuyện của Hà Nội và con người của hôm nay, đối tượng hướng tới là khán giả trẻ.

Lãnh đạo của một số nhà hát như: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam bày tỏ, họ sẵn sàng tham gia xây dựng sản phẩm nghệ thuật dẫu nhỏ hay lớn.

Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: “Tôi cho rằng đã là sản phẩm nghệ thuật du lịch dù lớn hay nhỏ, thì cũng phải làm thật hay. Bởi lẽ hiện nay phố cổ Hà Nội vẫn chưa có những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc. Sự kết nối này sẽ giúp cho lực lượng nghệ sĩ của 12 nhà hát có cơ hội tập hợp để làm nên sản phẩm nghệ thuật đặc biệt, bứt phá khỏi lối mòn của các chương trình biểu diễn du lịch lâu nay”.

 

Quyết định 3206/QĐ-BVHTTDL ngày 6/12/2022 của Bộ VHTTDL về việc “Hỗ trợ phát triển sản phẩm nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch” từ nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn triển khai với nội dung: Tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh và nghệ thuật đương đại, nghệ thuật truyền thống gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch.