Sản phẩm OCOP độc lạ kéo khách cho du lịch nông thôn

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch nông thôn với các sản phẩm OCOP giúp các địa phương đạt được mục tiêu kép vừa phát triển du lịch, đồng thời tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để có thể thu hút du khách, mỗi địa phương cần có sản phẩm du lịch độc đáo, không trùng lặp.

Những mô hình thành công

Hiện, trên cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP và môt số mặt hàng đã trở thành sản phẩm du lịch. Nước mắm Phú Quốc là ví dụ thành công của mô hình phát triển du lịch dựa trên nền tảng sản phẩm OCOP.

Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam Hồ Kim Liên cho biết, với lịch sử 200 năm, sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc đã trở thành nét văn hóa của người dân vùng đảo, từ đó thu hút khách du lịch tới đây. Không chỉ Phú Quốc sản phẩm OCOP đã trở thành tâm điểm thu hút khách mà nhiều địa phương cũng đang áp dụng mô hình này vào hoạt động du lịch.

Tại TP Hà Nội điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân (Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (Gia Lâm) sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách.

Du khách thăm quan HTX hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan HTX hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch khi đến với xã Hồng Vân sẽ được tham quan, trải nghiệm các hoạt động sản xuất sản phẩm OCOP trà thảo mộc chùm ngây, kim ngân hoa, thăm khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc, chụp ảnh tại các vườn hoa, cây cảnh... Vào dịp lễ Tết, địa phương còn có thêm hoạt động lễ hội hấp dẫn như lễ hội hoa xuân, lễ hội bánh trôi bánh chay…

Thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sản phẩm OCOP nên điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân đã được UBND TP Hà Nội công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. “Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, nhiều người đã biết đến điểm du lịch Hồng Vân nhiều hơn. Chỉ tính riêng  từ đầu năm đến nay xã Hồng Vân đã đón 150.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng. Lực lượng lao động tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm hơn 76%”- Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Văn Phượng chia sẻ.

Du khách thăm quan làng sản xuất hương tại xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa). Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan làng sản xuất hương tại xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa). Ảnh: Hoài Nam

Tương tự, Khu sinh thái Phù Đổng Green Park với quy mô 15,6ha tại xã Phù Đổng (Gia Lâm) đã được công nhận đạt chất lượng OCOP 4 sao  cũng đang hoạt động hiệu quả. Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn thông tin, hiện TP Hà Nội  có 11 trang trại hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch trải nghiệm, sinh thái. Ngoài ra còn có các hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP gắn với làng nghề truyền thống như làng gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ; điêu khắc, mỹ nghệ Sơn Đồng… cũng trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.

Còn nhiều việc phải làm

Mặc dù sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ du lịch” chuyển tải những câu chuyện mang tính nhân văn của vùng, miền tới du khách, tuy nhiên việc triển khai mô hình du lịch gắn với sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều bất cập.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình xây dựng, khai thác loại hình du lịch này, Giám đốc Công ty Saigon Asset Nguyễn Trọng Nghĩa phản ánh, OCOP là sản phẩm đặc thù của từng địa phương, nhưng việc các sản phẩm trùng lặp, na ná giống nhau đang khá phổ biến.

Du khách trải nghiệm sản phẩm nón làng Chuông (Thanh Oai) tại Festival Thu Hà Nội 2023. Ảnh: Hoài Nam
Du khách trải nghiệm sản phẩm nón làng Chuông (Thanh Oai) tại Festival Thu Hà Nội 2023. Ảnh: Hoài Nam

“Quả bưởi da xanh, xuất phát đầu tiên ở Bến Tre nhưng hiện có địa phương ở miền Trung cũng nhận đây là đặc sản. Ở góc độ làm du lịch khi giới thiệu đây là sản phẩm đặc sản của địa phương thì khách hàng nói sản phẩm này địa phương khác cũng có, điều này khiến doanh nghiệp du lịch thấy "hơi ngại" với khách hàng, khi trả lời câu hỏi quả bưởi da xanh ở miền Trung có thật sự là sản phẩm đặc sản của địa phương này không?”-ông Nghĩa nêu ví dụ.

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty CBT Travel Dương Minh Bình thông tin, hiện có tình trạng khi các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP chưa có thương hiệu, sẽ đẩy mạnh hợp tác xây dựng tour với công ty du lịch. Nhưng khi những đơn vị này có thương hiệu lại muốn tách ra tự làm hoặc phá vỡ hợp tác với doanh nghiệp du lịch. "Đây là yếu tố thiếu công bằng, vì vậy cần có cơ chế để đảm bảo tính bền vững hợp tác giữa các công ty du lịch và các đơn vị địa phương”-ông Bình kiến nghị.

Du khách thăm quan HTX hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam
Du khách thăm quan HTX hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam

Để khắc phục những bất cập này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng đề xuất, các cơ quan quản lý chương trình OCOP có thể phát triển thêm chương trình mỗi tỉnh thành một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng. Hoạt động này giúp các sản phẩm du lịch OCOP của các tỉnh thành không bị trùng lặp, tạo nên sức hút du khách qua các thông điệp và câu chuyện truyền thông riêng biệt.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình hiến kế, cơ quan quản lý chương trình OCOP cần có bước đánh giá cụ thể hơn, chọn lọc kỹ lưỡng hơn nữa để sản phẩm OCOP thật sự là đặc sản mang tính đặc thù, hương vị đặc trưng của văn hóa địa phương.

Bên cạnh việc đồng hành phát triển nhân rộng sản phẩm OCOP, các cơ sở sản xuất cũng nên chú trọng đến giữ nguyên một số sản phẩm đặc thù, riêng biệt của địa phương đó. “Sản phẩm OCOP làm ra phải độc, lạ và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch. Mình không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo không gian cho du khách mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn và được sống với không gian yên tĩnh của chốn quê”-ông Bình nhấn mạnh.