Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản phẩm từ biển: Nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, các sản phẩm từ biển được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là nguồn thực phẩm an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tiêu thụ hải sản an toàn thực phẩm còn góp phần phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Giá trị dinh dưỡng cao
Việt Nam có vùng biển rộng trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Biển đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cùng với đất liền, tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển từ ngàn đời của dân tộc ta. Nguồn lợi hải sản trong vùng biển nước ta vô cùng phong phú, đa dạng. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn có nhiều đặc sản khác có giá trị kinh tế như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Chỉ tính riêng cá biển, đã có hơn 2.000 loài khác nhau đã được phát hiện, trong đó khoảng 100 loài có giá trị kinh tế. Ngoài ra còn có trên dưới 600 loài rong biển là nguồn thức ăn có dinh dưỡng cao, nguồn dược liệu phong phú.
 Cá biển nuôi trên vịnh Vân Phong, Nha Trang. Ảnh: Phương Nga
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sản phẩm biển có nguồn gốc từ thiên nhiên nên bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt, hải sản còn là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe con người do giàu chất dinh dưỡng, đóng vai trò như một nguồn protein, vitamin và khoáng chất tốt, giàu axit béo omega-3 và giảm các bệnh thông thường. Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, tăng cường sức khỏe tim mạch, tốt cho xương khớp, duy trì thị lực, tăng cường trí óc, chống lại chứng trầm cảm, cải thiện chức năng miễn dịch và làm bữa ăn trở nên phong phú hơn…
Việc ăn hải sản một cách thường xuyên giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, axit béo omega-3 có thể làm dịu các khớp mềm và giảm độ cứng vào buổi sáng ở những người bị viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu khác cho thấy, những người tiêu thụ axit béo omega-3 trong hải sản ít bị chứng thoái hóa macular liên quan đến tuổi tác, một bệnh có thể dẫn đến việc mất thị lực.
Có thể kể tới một số loại hải sản được tiêu thụ phổ biến trên thị trường như: Cá, mực, tôm, cua, hàu… Trong đó, mực có nguồn protein, axit béo omega-3, kẽm, vitamin B và iot phong phú. Còn với cua, là nguồn giàu protein và axit béo omega 3.
Bên cạnh đó, cua còn chứa các khoáng chất cần thiết như selen, crom, canxi, kẽm, sắt và ít calo, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Giống như các loại hải sản khác, hàu cũng là một thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, hàu có chứa tyrosine, axit amin giúp cải thiện tâm trạng và tấm soát mức độ căng thẳng...
Đẩy mạnh tiêu thụ hải sản
Theo các số liệu thống kê, trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Dọc ven biển có trên 37.000 hecta mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu…
Ngoài ra, còn có hơn 50.000 hecta các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ, như Vịnh Hạ Long, phá Tam Giang, vịnh Vân Phong… là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển. Cả nước hiện có hàng trăm ngàn tàu cá khai thác trên biển, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, cung cấp nguồn thực phẩm cho xã hội và xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ sản phẩm từ biển gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Do đó, để góp phần phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đòi hỏi người tiêu dùng trong nước cần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ biển.
Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết: Ngày 25/4/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 36/NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành T.Ư về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, kế hoạch nhằm góp phần phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững, trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của các địa phương có biển với Thủ đô Hà Nội; phát huy tiềm năng, lợi thế của các tỉnh có biển cần phải tăng cường công tác quản lý đầu tư khai thác, nuôi trồng hợp lý, cung cấp các sản phẩm có nguồn gốc từ biển, bảo đảm an toàn thực phẩm cho thị trường Thủ đô.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác hải sản đạt 2,7 triệu tấn. Từ tháng 10/2019 đến hết tháng 4/2020, diễn biến thời tiết thuận lợi cho nghề đánh bắt thủy sản, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khai thác biển đạt 1,13 triệu tấn, tăng 0,8%.