Sẵn sàng khoan ống hầm
Theo kế hoạch, ngày 30/7, máy dầo hầm đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội (TBM) chính thức đi vào hoạt động. Ghi nhận của phóng viên Báo kinh tế và Đô thị, bên trong nhà ga S9 nằm dưới lòng đất, các công tác chuẩn bị cuối cùng đang được gấp rút triển khai.
Hàng chục công nhân, đang tiến hành vận chuyển nguyên vật liệu, tấm hầm xuống nhà ga ngầm. Các kỹ sư Việt Nam và nước ngoài đang tỉ mỉ kiểm tra công tác vận hành của siêu cỗ máy khổng lồ sẽ đào đường hầm trong ít ngày nữa.
Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: “Tiến độ thi công tổng thể gói thầu CP03 đạt 43.4%. Máy đào ống hầm số 1 sẽ bắt đầu tiến hành khoan hầm từ ga S9 vào ngày 30/7. Sau khi khởi chạy được 240m đầu tiên, máy khoan hầm sẽ tăng tốc đến tốc độ tiêu chuẩn để tiếp cận ga S10 tháng 1 năm 2025 và khoan đến ga S12 vào tháng 10 năm 2025”.
Theo vị đại diện này, căn cứ vào tiến độ khoan của TBM với ống hầm số 1, TBM số 2 sẽ dự kiến khởi động vào cuối tháng 9 năm 2024, đến ga S10 vào tháng 4 năm 2025 và tiếp đó đến ga S12 vào tháng 12 năm 2025.
Song song với quá trình thi công tuyến hầm bằng TBM, các hạng mục thi công khác (dốc hạ ngầm, các ga ngầm, gara và đường chuyển làn) vẫn được triển khai theo kế hoạch đã đề ra trước đó.
“Về công tác chuẩn bị, đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã hoàn tất bao gồm kiểm tra, kiện toàn hệ thống thiết bị, phần mềm, huy động đội ngũ chuyên gia khoan hầm, sản xuất đủ số lượng tấm vỏ hầm dự trữ cũng như vận chuyển đủ số lượng tấm vỏ hầm về công trường. Các các thiết bị quan trắc trên đường đã được lắp đặt, tại các nhà bị ảnh hưởng, chúng tôi đã phê duyệt hồ sơ biện pháp, kế hoạch liên quan và đang tiến hành phá dỡ tòa nhà thuộc diện phải phá dỡ đầu tiên (130 phố Giảng Võ) theo đúng kế hoạch” – Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết thêm.
Các máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12 – Ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4km. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy.
Thiết kế riêng biệt
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, đây là hai máy đào hầm metro đầu tiên của Thủ đô. Máy được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được sản xuất bởi hãng Herrenkecht (CHLB Đức), có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn.
Khiên đào có đường kính 6,55m, nặng 63,3 tấn, gồm các bộ phận chính như đầu cắt, lưỡi cào, dụng cụ xới và các răng gàu xúc… được thiết kế phù hợp tối ưu với địa chất của Hà Nội.
Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết thêm, TBM sẽ hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở. Áp lực của đất trong khoang cân bằng được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong đó. Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10m đường hầm.
Công tác quan trắc được đặc biệt chú trọng trước, trong và sau khi thi công. Nhà thầu đã phân tích vùng ảnh hưởng khi thiết kế để tiến hành khảo sát "điều kiện tình trạng tòa nhà" (BCS - buidings condition survey) cho toàn bộ các nhà nằm trong vùng ảnh hưởng. Từ kết quả BCS, nhà thầu có phân tích đánh giá rủi ro (báo cáo BRA-buildings risk assesstment) cho các tòa nhà khi thi công.
Dựa trên báo cáo BRA, nhà thầu thiết kế lắp đặt những thiết bị quan trắc cho các tòa nhà và mặt đất, bao gồm: Quan trắc lún, nghiêng, khe nứt, mực nước ngầm... Các thiết bị này sẽ được lắp đặt trước khi thi công và sẽ được quan trắc trong suốt quá trình thi công nhằm cảnh báo bất thường.
Trường hợp quan trắc có bất thường, nhà thầu sẽ phân tích nguyên nhân, đánh giá mức độ nguy hiểm... và căn cứ vào kết quả đó để có phương án cho công tác thi công tiếp tục hoặc dừng lại để xử lý vấn đề. Đây là một quy trình khép kín, chặt chẽ để đảm bảo an toàn nhất cho các công trình phía trên và lân cận.
So với các phương pháp đào hầm thông thường, phương pháp khoan TBM được cho là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng giao thông, ít chiếm dụng diện tích hay ảnh hưởng tới các công trình xây dựng xung quanh. Do có thể thu gom và vận chuyển đất sau khi đào, phương pháp này ít gây bụi, rung chấn và tiếng ồn so với các phương pháp đào hầm khác. Phương pháp thi công này được đánh giá thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Quốc Bảo – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FECON, nhà thầu trực tiếp vận hành việc khoan hầm bằng TBM chia sẻ: “Công nghệ thi công hầm bằng máy TBM tại tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội là công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Với việc sử dụng dòng máy cân bằng áp lực rất phù hợp với điều kiện địa chất tại Hà Nội”.
Địa chất Hà Nội có nhiều loại đất hỗn hợp và tuyến hầm chủ yếu đi trong lớp địa chất đất sét pha, phức tạp hơn so với đất sét bùn như dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên tại TP Hồ Chí Minh. Dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội cũng thi công đoạn đi ngầm với chiều dài lớn hơn nhiều so với tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên.
“Bên cạnh kinh nghiệm đã tích luỹ và học hỏi từ dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên, chúng tôi có sự hỗ trợ của thi công, kỹ thuật từ phía đội chuyên gia của Tunnel Pro, một đơn vị hàng đầu thi công TBM từ Ý và đội ngũ chuyên gia từ Hiệp hội công trình ngầm Quốc tế. Tất cả đội ngũ chuyên gia này đều theo dõi dự án rất sát sao, giúp dự án triển khai thuận lợi hơn” – ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết thêm.