Sẵn sàng đón buổi học đầu Xuân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (15/2), học sinh (HS) Hà Nội trở lại trường với buổi học đầu tiên của năm mới. Tiết trời ấm áp tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ vui tươi đến trường.

Lên “dây cót” trước 2 - 3 ngày

Đi học đúng giờ, vui vẻ đến lớp, đến trường là một trong những "vấn đề" của HS, đặc biệt là trẻ mầm non, tiểu học sau Tết. Do được chơi thoải mái trong nhiều ngày, nên khi trở lại nền nếp cũ, trẻ chưa tập trung được vào việc học. Để khắc phục tình trạng này, nhiều phụ huynh “lên dây cót” cho con từ 2 - 3 ngày trước khi con trở lại trường.
Giờ học Tự nhiên - xã hội của học sinh Trường Tiểu học Nam Thành Công. 	Ảnh: Công Hùng
Giờ học Tự nhiên - xã hội của học sinh Trường Tiểu học Nam Thành Công. Ảnh: Công Hùng
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, nhà ở quận Long Biên (Hà Nội) có con trai đang học lớp 1 cho biết, thứ Hai ngày 15/2 (mùng 8 Tết) mới phải đi học, nhưng gia đình đã phải cho vào khuôn khổ trước 3 ngày. “Mấy ngày nghỉ Tết, gia đình cho cháu ăn, ngủ tùy thích, có những hôm theo bố mẹ xem phim thức đến 2 giờ sáng, hôm sau ngủ đến 11 - 12 giờ trưa. Rút kinh nghiệm từ cô chị năm trước, chơi đến sát ngày đi học, khi trở lại trường uể oải không muốn đi. Tết năm nay, trước 3 ngày trở lại trường, cả hai vợ chồng đều phải làm gương - ăn sớm, ngủ sớm, dậy sớm và yêu cầu các cháu soạn sách vở, xem lại bài... Rất may, thời tiết ấm áp nên các cháu vui vẻ và bắt nhịp trở lại với nếp sinh hoạt thường ngày nhanh” - chị Hạnh chia sẻ.

Không riêng vợ chồng chị Hạnh, khá nhiều phụ huynh chuẩn bị tâm lý cho con sẵn sàng trở lại trường. Anh Hà Văn Tuyển, ở quận Thanh Xuân, có 2 cậu con trai (lớp 4 và lớp 9) chia sẻ, từ tối thứ Bảy (13/2), ăn tối xong là yêu cầu con soạn sách vở, xem lại bài cũ và đi ngủ lúc 9 giờ tối: “Ngày thường, 22 giờ 30 phút các cháu mới đi ngủ, mấy ngày Tết đi lại nhiều, về quê nội, quê ngoại, ăn, ngủ thất thường nên tôi yêu cầu các cháu ngủ sớm, vừa giữ sức khỏe và cũng để các cháu có thể dậy sớm hơn vào sáng hôm sau. Như thế, các cháu sẽ không ngại dậy sớm khi đi học”.

Có thể nói, bên cạnh sự quan tâm của gia đình, thời tiết ấm áp là điều kiện thuận lợi, giúp trẻ vui vẻ trở lại nếp học trước khi nghỉ Tết.

Lập thời gian biểu hợp lý

Nhiều người cho rằng, sau khi nghỉ Tết, nên cho trẻ học nhiều để quen với cường độ, bắt nhịp với nếp cũ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, không nên ép trẻ học quá nhiều, có thể đan xen việc nghỉ ngơi, vui chơi với việc học và có thời gian biểu hợp lý, theo cách thức nhẹ nhàng học mà chơi, chơi mà học.

Cô Dao - giáo viên trường THCS Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, nên giao một vài bài tập nhẹ nhàng trong thời gian nghỉ Tết, chủ yếu nhằm ôn tập kiến thức cơ bản, tạo ý thức cho các em. “Phụ huynh hãy quan tâm đến thời khóa biểu của trẻ trong những ngày cuối trước khi nghỉ Tết và những ngày đầu sau khi nghỉ Tết xong. Công việc này, nếu được, phụ huynh nên thực hiện một cách âm thầm để tránh tình trạng gây cho trẻ cảm giác bất an rằng mình sắp có những ngày nghỉ lễ không "trọn vẹn". Phụ huynh đừng quên nhắc nhở trẻ trở lại việc ngủ sớm, đúng giờ trước khi đi học 2 ngày, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho buổi học đầu tiên của năm mới, tránh tình trạng thức khuya, dậy muộn không đảm bảo tốt tinh thần học tập trên lớp” - cô Dao nhấn mạnh.

Cũng để cho HS có tính kỷ luật, đi vào nền nếp, TS tâm lý Nguyễn Kim Quý - nguyên giảng viên Khoa Tâm lý, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, để lấy lại “phong độ”, cha mẹ có thể cùng con lập kế hoạch, thống nhất một số giao hẹn về việc nghỉ ngày lễ, Tết theo cách nào cho vui vẻ, thoải mái, hữu ích và mang tính giáo dục.

Theo các chuyên gia tâm lý, sau những ngày nghỉ Tết, ngoài chuyện không nên ép trẻ đột ngột trở lại việc học với cường độ cao, cha mẹ còn cần nhắc nhở nghiêm khắc để trẻ quay lại thời gian biểu học tập như trước. Khuyên trẻ một cách nhẹ nhàng, không đánh, quát mắng, trẻ sẽ vui vẻ trở lại trường.