70 năm giải phóng Thủ đô

Sẵn sàng mọi tình huống chống dịch

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt địa phương đang đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 rất phức tạp, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam. Tại Hà Nội, liên tục trong những ngày qua, TP ghi nhận nhiều chùm ca nhiễm mới trong cộng đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn các biện pháp chống dịch.

Đo thân nhiệt người đi ô tô tại chốt cửa ngõ Hòa Bình về Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải
Người dân còn chủ quan
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội đã nâng mức cảnh báo về tình hình dịch cũng như các biện pháp phòng chống. Cụ thể, mới đây (ngày 12/7), Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Công điện số 14/CĐ-CTUBND về việc quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, có nội dung đáng chú ý, từ 0 giờ ngày 13/7, dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, tình trạng người dân chủ quan, không thực hiện nghiêm công điện của TP vẫn diễn ra tràn lan. Điều này xuất phát từ tâm lý chủ quan, sự thiếu trách nhiệm và trở thành nguy cơ tiềm ẩn cho sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng tại Hà Nội.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, trong các ngày 17 - 18/7, khi diễn biến dịch Covid-19 khá phức tạp với sự ghi nhận thêm nhiều chùm lây nhiễm, nhưng tại nhiều nơi người dân vẫn ra đường, vườn hoa tập thể dục và tụ tập đông người. Trong số này không ít người đeo mà không có tác dụng phòng dịch (kéo khẩu trang xuống cằm), thậm chí có người không đeo khẩu trang. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm, vẫn nhiều nhóm dạo bộ, tụ tập, lực lượng bảo vệ liên tục tuýt còi, nhắc nhở.
Tại các hàng quán, đến giờ cao điểm, vẫn nhiều người chen chúc nhờ mua thực phẩm mang về, trong đó đông đảo đội ngũ shipper. Tại hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn, tình trạng đông đúc, nhộn nhịp như chưa hề có dịch vẫn diễn ra. Đây là những địa điểm rất khó thực hiện giãn cách, mặc dù nguy cơ lây nhiễm rất cao. Thực tế trong thời gian qua, đã có nhiều chợ bị phong tỏa, dừng hoạt động do liên quan đến F0.

Bên cạnh đó, theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, Hà Nội luôn được đánh giá là địa bàn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện nay khi dịch gia tăng mạnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đặc biệt trong 2 ngày qua, Hà Nội tiếp tục xuất hiện nhiều chùm lây nhiễm mới, có gia đình 6 người thì cả 6 đều nhiễm bệnh, cho thấy khả năng lây nhiễm trong đợt dịch này rất cao. Thậm chí, trong đợt dịch này, có bệnh nhân dù mới tiếp xúc với F0 trong ngày đã xuất hiện triệu chứng bệnh ngay.

Dập bằng được các ổ dịch

Đề cập đến công tác phòng chống dịch tại Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngành y tế Hà Nội luôn đặt trong tình thế phòng, chống dịch ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Hiện Hà Nội vẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như những giai đoạn trước đó nhưng sẽ phải nâng cao hơn. Việc khoanh vùng truy vết của Hà Nội luôn được triển khai thần tốc, đồng bộ với tiêu chí không bỏ sót ca bệnh và người liên quan. Khoanh vùng đúng quy mô với phương châm khoanh vùng hẹp nhưng quản lý chặt.
"Hiện Sở Y tế đang trình và xin ý kiến TP cho triển khai thêm việc xét nghiệm cho toàn bộ các đối tượng có triệu chứng ho, sốt nhưng không xác định được nguyên nhân” - TS Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm.

Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế tiếp tục duy trì chế độ thường trực chống dịch 24/24 và 24/7. Chủ động, thần tốc triển khai dập bằng được các ca bệnh, ổ dịch nhỏ lẻ, không để bùng phát thành ổ dịch lớn. Trước tình trạng trên địa bàn vừa qua xuất hiện một số ca nhiễm xâm nhập vào bệnh viện, ảnh hưởng lớn đến công tác điều trị bệnh trên toàn hệ thống, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện phải có biện pháp phòng chống nghiêm túc, phân luồng, sàng lọc kỹ trường hợp có yếu tố nguy cơ. Đặc biệt là tại các bệnh viện đang được phân công điều trị F0 phải siết chặt hơn nữa quy định phòng chống dịch nhằm hạn chế mức thấp nhất việc lây nhiễm chéo.
“Bệnh viện là một trong những mắt xích trọng yếu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, giữ “sạch” bệnh viện trước nguy cơ xâm nhập của Covid-19 là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn trong công tác khám, chữa bệnh thường quy của người dân, cũng như sẵn sàng cho các tình huống diễn biến của dịch” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Cùng với các biện pháp phòng chống dịch, Hà Nội cũng đang gấp rút chuẩn bị nguồn lực cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn TP gồm 1.200 dây chuyền tiêm nhằm hướng tới miễn dịch cộng đồng.