Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sàn thương mại điện tử Việt có đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài?

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tốc độ tăng trưởng thường niên bình quân đạt khoảng 30%, Việt Nam hiện đang là một trong những nước phát triển nhanh nhất về thương mại điện tử (TMĐT) ở khu vực Đông Nam Á. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế ''nhòm ngó'' thị trường Việt Nam, đồng thời gây ra mối lo các doanh nghiệp TMĐT Việt có đủ sức khai thác thị trường nội địa?

Thị trường tiềm năng
Báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Temasek (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore) và công ty tư vấn quản lý Bain & Company công bố gần đây cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam năm 2021 đạt 13 tỷ USD, dự kiến đạt 39 tỷ USD trong năm 2025. Con số này cho thấy Việt Nam đã và đang trở thành một trong những thị trường nhiều tiềm năng phát triển TMĐT, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á sau Indonesia.
Người tiêu dùng mua hàng trên sàn TMĐT Lazara

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã sớm tham gia khai thác thị trường TMĐT nhiều tiềm năng phát triển. Cụ thể, từ năm 2012 FPT đã phát triển trang TMĐT Sen Đỏ với tuyên bố đưa sàn TMĐT này đứng số 1 Việt Nam. Không dừng ở việc vận hành khai thác sàn Sen Đỏ, năm 2014, FPT đã mua lại sàn TMĐT 123mua.vn. Tương tự, tháng 8/2015 sau 2 năm chuẩn bị Vingroup ra mắt website Adayroi; tháng 1/2017, Thế giới di động cũng chính thức ra mắt trang TMĐT Vuivui.
Sự hấp dẫn của thị trường TMĐT Việt Nam đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hiện 2 sàn TMĐT lớn đang khai thác thị trường Việt Nam là Shopee, Lazada đều có nguồn vốn đến từ Trung Quốc, Singapore. Cụ thể, tháng 4/2016, tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) đã chi 1 tỷ USD để mua lại 51% cổ phần tại sàn TMĐT Lazada, vốn được coi là Amazon của Đông Nam Á; đến tháng 6/2017, Alibaba tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83%. Trong khi đó, năm 2016 sàn TMĐT Shopee (công ty con của Tập đoàn Sea Limited Singapore) đã đầu tư 50 triệu USD vận hành khai thác sàn TMĐT.
Như vậy, thị trường TMĐT Việt Nam đã thu hút những đại gia về công nghệ và TMĐT quy mô lớn trên thế giới đầu tư, khai thác.
Cạnh tranh quyết liệt
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải rút lui khỏi thị trường TMĐT trong quá trình cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. 
Tháng 12/2019, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho công nghiệp - công nghệ, trong đó, trang TMĐT Adayroi cũng sáp nhập vào VinID. Trước đó cuối tháng 3/2019, sàn TMĐT thời trang Robin Online, tiền thân là Zalora, cũng tuyên bố tạm dừng mọi hoạt động bán hàng mặc dù số lượng truy cập lên đến 965.000 lượt/tháng cao nhất tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Tương tự, trang TMĐT Vuivui của Thế giới di động cũng nói lời chia tay sau 2 năm hoạt động. Lý giải nguyên nhân khiến một số sàn TMĐT thuần Việt phải dừng hoạt động, Chủ tịch HĐQT Thế giới di động Nguyễn Đức Tài nêu rõ, để vận hành khai thác sàn TMĐT đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn vốn rất lớn, trong khi doanh thu không được như mong đợi. “Chẳng hạn doanh thu hàng năm của kênh bán hàng trực tuyến Vuivui.com chỉ dừng ở mức 73 tỷ đồng, khổng đủ kinh phí duy trì” - ông Nguyễn Đức Tài dẫn chứng.
Người tiêu dùng mua hàng trên sàn TMĐT.

Số liệu từ công cụ tổng hợp mua sắm trực tuyến (iPrice Insights) và Công ty thông tin thị trường kỹ thuật số SimilarWeb cho thấy, trong quý 3/2021 sàn TMĐT Shopee đứng đầu lượt truy cập ở 3 nước: Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Cụ thể, tại Việt Nam, hiện Shopee chiếm 57% tổng số lượt truy cập trên tất cả sàn TMĐT đa ngành. Số liệu nghiên cứu về sở thích của người tiêu dùng của SimilarWeb cho thấy, hiện có khoảng 51% người Việt Nam coi Shopee là nền tảng mua sắm trực tuyến, Lazada là nền tảng đứng thứ hai với 18% người dùng, tiếp theo là Facebook (8%), Tiki (7%) và Sendo (3%).
Việc Shopee, Lazada chiếm 2 vị trí dẫn đầu không gian TMĐT Việt Nam đã khiến nhiều người lo lắng doanh nghiệp Việt Nam nhường thị trường nội địa cho doanh nghiệp quốc tế khai thác. Trái với lo lắng này, thời gian gần đây các doanh nghiệp vận hành sàn TMĐT đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư qua đó giành lại thị phần.
Chẳng hạn tháng 11/2021, Công ty bảo hiểm AIA đã đầu tư 258 triệu USD vào nền tảng thương mại Việt Tiki. Tương tự sàn TMĐT Sendo của Tập đoàn FPT đã kêu gọi, huy động được 110 triệu USD vốn đầu tư. Đặc biệt vào ngày 9/11 vừa qua, Society Pass đã trở thành công ty TMĐT Việt Nam đầu tiên ra mắt công chúng tại thị trường Mỹ và đã huy động được 28 triệu USD thông qua IPO trên sàn Nasdaq.
Mặc dù các sàn TMĐT Việt Nam đã huy động được một lượng lớn vốn đầu tư, tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để có thể cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó tạo ra một chuỗi cung ứng tinh gọn, hiệu quả về chi phí, rút ngắn thời gian giao hàng.
Theo Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy, các sàn TMĐT nên mở rộng sang những ngành dọc khác nhau, từ phân phối hàng tạp hóa tươi sống đến phân phối dược phẩm.
Việc các sàn TMĐT Việt Nam đã kêu gọi được vốn đầu tư và sự điều chỉnh trong cách tiếp cận người tiêu dùng, đã tạo cơ hội cho những doanh nghiệp vận hành đủ sức đối mặt với danh nghiệp ngoại giành lại thị phần, và cuộc cạnh tranh giữa nội - ngoại còn chưa ngã ngũ.

Tiki đang nhúng một số ứng dụng nhỏ vào nền tảng của mình để trở thành một siêu ứng dụng. Ví dụ Infina để đầu tư và tiết kiệm, từ đó trở thành một siêu ứng dụng. Đồng thời, Tiki cũng điều hành một dịch vụ giao hàng tạp hóa tươi sống - TikiNgon - đã đạt mức tăng trưởng hàng năm 2.000%. Tất cả dịch vụ này đã mang lại mức tăng trưởng 2 con số cho Tiki trong 2 năm qua.

Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy