Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) toàn phần được nhà băng này công bố trong tháng một mặc dù có giảm nhẹ từ 52,7 điểm trong tháng 12 xuống 51,5 điểm, nhưng các điều kiện kinh doanh tại các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đều cho thấy sự cải thiện ở mức tương đối.
Theo đó, sản lượng ngành sản xuất tăng trong tháng một nhờ số lượng đơn đặt hàng mới. Việc làm cũng tăng nhanh và là mức nhanh nhất kể từ tháng 12/2013. Trong khi đó, chi phí đầu vào giảm mạnh nhất trong lịch sử khảo sát do giá nhiên liệu giảm.
Nhờ đó, các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất có thể giảm mạnh giá cả đầu ra. Việc này cũng giúp cho tồn kho hàng thành phẩm giảm khi sản phẩm được chuyển cho khách hàng. Việc giảm hàng tồn kho sau sản xuất đã kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 6 tháng.
Ngoài ra, nhu cầu của khách hàng tăng lên là nguyên nhân góp phần làm tăng số lượng công việc mới, từ đó các công ty có thể tăng sản lượng. Song song đó, giá dầu trên thị trường toàn cầu giảm giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, đưa giá cả đầu vào của các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất của Việt Nam giảm với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử khảo sát. Nhờ vậy, các nhà sản xuất cũng đã giảm giá đầu ra tương ứng với mức độ giảm lớn nhất trong thời gian hai năm rưỡi qua.
Bình luận về cuộc khảo sát này, bà Trinh Nguyen - chuyên gia kinh tế của HSBC cho rằng nhu cầu trên toàn cầu giảm đã lấy đi một phần tăng trưởng sản lượng, dù chính sách giá cả cạnh tranh giúp chặn đà suy giảm nhu cầu ở nước ngoài.
Mặc khác, theo chuyên gia này, việc làm đã tăng nhanh chóng, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa của Việt Nam và đòi hỏi phải tăng số lượng nhân công.
"Với giá cả đầu vào giảm do giá dầu giảm mạnh, và lượng hàng tồn kho thấp, chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiếp tục tăng trong tháng 2, mặc dù sẽ có chậm lại một chút do kỳ nghỉ tết Nguyên đán", bà nói.
Ảnh minh họa
|