Sản xuất nông nghiệp lại gặp khó khi giá phân bón tăng chóng mặt

HỒNG LĨNH - GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, việc sản xuất, chăm sóc, thu hoạch gặp khó khăn, nhất là đất sản xuất ở khác địa bàn nơi cư trú, nhân công thiếu. Khó nhất hiện nay là nông sản mắc kẹt đầu ra, rớt giá, nông dân khó mua nợ phân bón của đại lý để phục vụ vụ mới như trước đây... Trong khi giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản lại tăng mạnh.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang vào vụ Thu Đông, giá phân bón gần đây không ổn định, biến động biên độ lớn, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý sản xuất của người dân.
So với vụ Hè Thu vừa qua, giá phân các loại tăng từ 100.000-150.000 đồng/bao. Riêng DAP Trung Quốc tăng trên 200.000 đồng/bao. Cụ thể, giá phân NPK 20-20-15 dao động từ 720.000-810.000 đồng/bao, phân Urea từ 630.000-650.000 đồng/bao, Kali có giá 520.000-540.000 đồng/bao, DAP Trung Quốc 860.000 đồng/bao…
Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Kiên Giang cho biết, hiện nông dân trong tỉnh đã xuống giống lúa Thu Đông 2021 được gần 83.000ha, vượt gần 10.000ha so với kế hoạch, phấn đấu tăng diện tích vụ này lên tối đa là 88.000ha. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 gây kho khăn cho sản xuất, giá vật tư phân bón tăng quá cao ảnh hưởng đến lợi nhuận nên khả năng vụ Thu Đông của tỉnh ước gieo sạ dứt điểm khoảng 87.000ha.
Vật tư đầu vào tăng giá, nông dân lại gặp khó trong vụ Thu Đông. Ảnh: G.Lam
Theo ông Toàn, hiện giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản đều tăng giá bình quân từ 20-40% so với đầu năm 2021. Đặc biệt là giá phân bón Urea, DAP… đã tăng từ 60-80% đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư phát triển sản xuất. Nông dân sản xuất lãi thấp hoặc không lãi, thậm chí lỗ.
Nhằm duy trì sản xuất, tiết kiệm chi phí, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên áp dụng triệt để các biện pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa. Sử dụng các loại phân đơn, tăng cường bón thêm phân lân để thay thế cho các loại phân chuyên dùng, phối trộn sẵn như DAP đang tăng giá quá cao…
Doanh nghiệp/đại lý không đủ vốn găm hàng?
Là nhà phân phối, chuyên cung ứng một số loại phân bón NPK nhập khẩu, ông Nguyễn Văn Đém - Giám đốc Công ty TNHH Phì Nhiêu (Cần Thơ) cho hay, ách tắc khâu vận chuyển, cước phí vận chuyển hiện (xe “luồng xanh”) từ cảng Cát Lái về tới các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang đã tăng lên 40% so trước khi thực hiện giãn cách.
Theo ông Đém, hiện nay tuy xe vận tải thông luồng, phân bón về tới đại lý không thiếu, nhưng giá vẫn còn đứng mức cao. Theo lý giải của nhà bán buôn, giá phân bón nhận từ nhà nhập khẩu nên nhà phân phối và đại lý không thể tự quyết định đơn phương tăng giá được. Một số đại lý vật tư nông nghiệp vùng nông thôn xa bị đứt hàng, cung không tới nơi. Trong tình hình giá phân cao, sợ “chôn” vốn nên ít có DN phân phối hay đại lý nào đủ vốn găm hàng…
Ông Trần Thanh Hiệp - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT An Giang đề xuất, để tránh tình trạng giá phân bón tăng cao gây áp lực cho người sản xuất, đối với các tỉnh có đặt nhiều nhà máy sản xuất phân bón cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; tạo điều kiện cho DN để nâng công suất lên nhằm đảm bảo đủ lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường.
Theo ông Hiệp, nhiều khi DN phân bón thấy dịch bệnh, giá phân bón tăng cao nên sản xuất cầm chừng. Thực tế tình hình sản xuất phân bón trong nước hiện nay là không thiếu. Riêng ở An Giang, kể cả lượng phân bón đang nằm trong kho ở các đại lý hoặc công ty kinh doanh phân bón đang có vẫn đảm bảo đủ lượng cung cho vụ Thu Đông.
“Tỉnh An Giang cũng đang thiết lập đường dây nóng công bố rộng rãi đến người dân, khi có xảy ra vấn đề bất thường thì phản ảnh. Ngành thanh tra sẽ có mặt xử lý kịp thời để giúp người dân sản xuất nông nghiệp yên tâm hơn” – ông Hiệp cho hay.
Phân bón tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp tại Cần Thơ. Ảnh: G.Lam
Thanh tra toàn diện
Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, ngành nông nghiệp phải vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 nhưng cũng phải duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm.
Nếu để đứt gãy các chuỗi sản xuất này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu lương thực và thực phẩm của người dân, hệ thống thu mua, chế biến lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hơn thế nữa là việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và an ninh lương thực quốc gia về lâu dài.
Từ đầu năm 2021 đến nay, vật tư phục vụ trồng trọt, giá phân bón trong nước và thế giới đã liên tục tăng. Cụ thể, với giá phân bón sản xuất trong nước, phân đạm Cà Mau từ 6.800 đồng/kg leen11.700 đồng/kg (tăng 72%); phân DAP Đình Vũ từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg (tăng 67,3%); phân NPK Bình Điền loại NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg (tăng 24,3%).
Đối với giá phân bón nhập khẩu, phân SA bột của Trung Quốc từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg (tăng 50%); phân Kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg (tăng 72,9%)…
Trước tình hình các loại phân bón sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu tăng từ 50-73%, đang làm phát sinh nguy cơ buôn bán các loại phân bón không đảm bảo chất lượng hay việc đầu cơ tích trữ và tăng giá kiếm lời…, Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT đề nghị Tổ công tác 970 Bộ Công Thương chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh phía Nam thực hiện cấp bách việc thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu), không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng… tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời.
Lập kế hoạch phối hợp với Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón trên địa bàn các tỉnh phía Nam, đảm bảo việc kinh doanh các sản phẩm phân bón đúng chất lượng và giá theo quy định của nhà nước…
Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phía Nam chỉ đạo Cục QLTT, Thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp với các sở ngành và thành viên Ban Chỉ đạo 389, UBND các huyện đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và chất lượng phân bón trên địa bàn.
Cục QLTT thường xuyên kiểm tra, rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, không để tình trạng đầu cơ, trữ hàng, tạo khan hiếm giả tạo để kiếm lời…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần