Sản xuất phục hồi, lưu thông hàng hóa thuận tiện, xuất, nhập khẩu tăng

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP.

Rất nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tăng trưởng như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản xuất phục hồi, lưu thông hàng hóa thuận tiện thì dễ hiểu vì sao xuất nhập khẩu tăng trưởng rất tích cực. Tháng 10, Bộ Công thương đưa ra dự báo rằng, thương mại hàng hóa của Việt Nam sẽ đạt mức 600 tỷ USD trong năm nay. Nhưng đến cuối tháng 11/2021, ước tính, con số đã đạt trên 599,12 tỷ USD, tức là đã gần đạt mốc 600 tỷ USD.
 Bức tranh kinh tế có nhiều khởi sắc nhưng khó khăn vẫn còn rất lớn.
Tháng 11/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 59,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng 10 và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đã 3 tháng liên tiếp, nền kinh tế đã ghi nhận thặng dư thương mại. Do đó, ước tính 11 tháng, cả nước xuất siêu 255 triệu USD. Con số là rất nhỏ so với mức xuất siêu 20,19 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái, song trong bối cảnh Covid-19, thặng dư thương mại là một tín hiệu tích cực. Kinh tế đang khó khăn, việc các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo sẽ hỗ trợ tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Cũng nhờ sản xuất, xuất khẩu phục hồi, mà tình hình thành lập mới doanh nghiệp cũng tích cực. Theo Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 11 tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 15,2% so với tháng trước.
Không chỉ là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, hay thành lập mới doanh nghiệp, nhiều chỉ số vĩ mô khác cũng cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế đang tiếp tục. Điển hình như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ. Sức mua của nền kinh tế cũng đang được cải thiện, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 tăng 6,2% so với tháng trước. Lạm phát cũng được kiểm soát, với chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 1,84%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua…
Tuy bức tranh kinh tế có nhiều khởi sắc nhưng khó khăn vẫn còn rất lớn. Bởi thực tế, mức tăng cao được ghi nhận chủ yếu là so với tháng trước, còn nếu so với cùng kỳ, tốc độ tăng còn rất thấp. Dễ thấy nhất là sản xuất công nghiệp, tính chung 11 tháng, IIP chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Hay số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng mới đạt 105.600 doanh nghiệp, với hơn 1,454 triệu tỷ đồng và 784.200 lao động, giảm 15% về số doanh nghiệp, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng cũng vẫn có tới hơn 52.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; gần 39.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4% và 14.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,7%. Như vậy, bình quân một tháng có gần 9.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong khi vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng, thì vốn giải ngân chỉ đạt 17,1 tỷ USD trong 11 tháng qua, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10 tháng năm 2021.