Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp nội yếu thế

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) của Việt Nam đã có những bước tiến rất nhanh, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, những bất cập nảy sinh đang khiến các DN trong nước gặp không ít bất lợi.

 Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại một DN thuộc Tập đoàn Masan. Ảnh: Trọng Tùng
Quá nhiều cơ sở sản xuất
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có trên 265 nhà máy chế biến TĂCN. Trong đó, có 85 nhà máy thuộc DN nước ngoài, chiếm tỷ lệ trên 32% tổng số DN sản xuất TĂCN. Trong giai đoạn từ 2008 đến nay, công suất sản xuất TĂCN của Việt Nam tăng từ 12 triệu tấn lên khoảng 40 triệu tấn/năm, với mức tăng bình quân 12,8%/năm. Trong đó, nhóm DN nước ngoài tăng 10,4 %/năm; nhóm DN trong nước tăng 16%/năm. Cùng với tốc độ phát triển nhanh về số lượng nhà máy và công suất thiết kế, tăng trưởng sản xuất TĂCN cũng đạt bình quân khoảng 8,3%/năm, đưa sản lượng TĂCN sản xuất ra tăng từ 8,5 triệu tấn (năm 2008) lên 19 triệu tấn (2018) và thời điểm tháng 11/2019 đã lên tới hơn 20 triệu tấn.
Đáng chú ý, tăng trưởng ngành TĂCN trong khoảng thời gian này khá cao, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng TĂCN công nghiệp. Trong khi, Thái Lan đứng thứ 2 với 18,6 triệu tấn và Indonesia đứng thứ 3 với 18,3 triệu tấn TĂCN.
Phát triển ấn tượng, tuy nhiên, theo đánh giá của Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, số lượng các DN, cơ sở sản xuất, gia công và buôn bán TĂCN của Việt Nam đang… quá nhiều. Nếu với tốc độ đầu tư như thời gian vừa qua thì đến năm 2020, công suất thiết kế của các nhà máy TĂCN trong nước sẽ vượt con số 40 triệu tấn/năm. “So với nhu cầu tiêu thụ trong nước, sản lượng trên dư thừa khoảng 5 triệu tấn/năm” – ông Dương cho hay.
Lo cho doanh nghiệp trong nước
Bước phát triển ấn tượng của lĩnh vực TĂCN được xem là tiền đề thuận lợi để Việt Nam có thể tổ chức tái đàn lợn sau những thiệt hại rất lớn thời gian qua từ dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, thực tế phát triển cho thấy, lĩnh vực này đang bộc lộ nhiều hạn chế, gây bất lợi cho các DN trong nước. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tình trạng mất cân đối về thị phần TĂCN của DN nước ngoài và DN trong nước đang diễn ra ngày một rõ nét hơn. Cụ thể, mặc dù chiếm tới 68% về số lượng nhà máy nhưng sản lượng TĂCN do các DN trong nước sản xuất ra chỉ chiếm khoảng 40%. Trong khi đó, các nhà máy thuộc DN nước ngoài chiếm khoảng 32% về số lượng cơ sở nhưng tổng sản lượng TĂCN sản xuất ra lại chiếm thị phần tới 60%. Đáng lo ngại khi mức chênh lệnh cán cân này được cho là đang có xu hướng gia tăng mạnh hơn.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, bài toán về ích lợi kinh tế, công ăn việc làm và sức cạnh tranh của DN Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất TĂCN với DN nước ngoài là vấn đề cần phải xem xét, cân đối hài hòa. Bởi hiện nay, các DN sản xuất TĂCN nhỏ và vừa trong nước đang yếu thế về năng lực cạnh tranh so với những DN nước ngoài. Nỗi lo về sự yếu thế của DN trong nước càng lớn hơn, khi số lượng nguyên liệu TĂCN nhập khẩu lớn, trong khi chưa tận dụng được thế mạnh về nguyên liệu trong nước. Hiện, hầu hết các nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn bổ sung đều phải nhập khẩu. Thậm chí, các loại nguyên liệu thô mà Việt Nam có thể sản xuất được như ngô, khô dầu, bột thịt xương… cũng phải nhập khẩu đến 75% so với nhu cầu.
Việc không tận dụng hết các nguồn thức ăn trong nước, tỷ trọng nhập khẩu lớn khiến chi phí sản xuất TĂCN tăng cao. Cùng với hệ thống phân phối qua nhiều đại lý trung gian, việc quản trị và sản xuất theo chuỗi giá trị chưa phát triển dẫn đến giá TĂCN đến tay người chăn nuôi chưa thật sự phù hợp. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến sản xuất của các DN trong nước, nhất là các cơ sở có quy mô nhỏ và vừa.