Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất tinh gọn vực doanh nghiệp điện tử vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp điện tử phải sản xuất tinh gọn 4.0, phát triển bền vững có trách nhiệm xã hội và môi trường. 

Đó là nhận định của các chuyên gia với doanh nghiệp điện tử khi tái sản xuất, mở rộng thị trường và tiếp cận cơ hội kinh doanh quốc tế... sau ảnh hưởng của đại dịch.

Thay đổi tư duy

Thông tin từ Bộ KH&ĐT cho thấy, trong những tháng qua, có hơn 578 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Thi tài trong gian hàng của Samsung tại triển lãm Nepcon 2022. Ảnh: Khắc Kiên
Thi tài trong gian hàng của Samsung tại triển lãm Nepcon 2022. Ảnh: Khắc Kiên

Theo Tổng Giám đốc RX Tradex Vũ Trọng Tài, những con số cho thấy, nhu cầu giao thương, phục hồi sản xuất ngày càng gia tăng cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành điện tử nói riêng. Cần có những cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam tiếp cận, học hỏi xu thế mới của thị trường, những thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, cũng như gặp gỡ, tìm kiếm đối tác tiềm năng trên thế giới.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, ngành điện tử Việt Nam cần có những đột phá để thích nghi sự thay đổi nhanh chóng với nhu cầu ngày càng cao về sản xuất và vận hành tinh gọn của thị trường nhằm giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, phát triển bền vững bằng việc cập nhật những xu hướng, công nghệ tiên tiến và giải pháp sản xuất thông minh.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp điện tử vực dậy trong và sau đại dịch Covid-19, Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ thông tin và Truyền thông Singapore George Choo, nhấn mạnh sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Singapore đều chú trọng đến vấn đề môi trường. Trong đó, việc sản xuất tinh gọn 4.0 dựa trên các nguyên tắc: Định nghĩa các giá trị, quy trình làm việc tinh gọn rõ ràng, tạo ra mối liên hệ kéo đẩy… Để có thể tham gia chuỗi cung ứng, doanh nghiệp điện tử cần phải có tư duy toàn cầu, còn hành động thì theo tùy địa phương.

3 trụ cột chính

Chuyên gia về tuân thủ bền vững, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp cung ứng Bền vững Toàn cầu (GSS) Trần Xuân Quang (Lukas) nhìn nhận, về tương lai phát triển bền vững của nền kinh tế sẽ được thúc đẩy và dẫn dắt bởi nhóm các thương hiệu trên thế giới và những doanh nghiệp Việt đầu tầu.

Trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
Trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên

Có 3 trụ cột chính hướng đến mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp điện tử, bao gồm, con người - môi trường - quản trị. Về con người phải đảm bảo được quyền tại môi trường làm việc an toàn, tuân thủ thông lệ quốc tế, quốc gia, đảm bảo quyền lợi chính đáng, tạo cơ hội đào tạo, phát triển kỹ năng cho người lao động.

Còn về môi trường, ông Trần Xuân Quang cho rằng, phần lớn sẽ tập trung giảm thiểu phát thải và trung hòa carbon, hạn chế gây hại cho môi trường, quản lý tiết kiệm hiệu quả các nguồn năng lượng, ưu tiên năng lượng tái tạo, sử dụng vật liệu tái chế…

Về quản trị, chú trọng đến tính minh bạch trong hệ thống, nguyên tắc kinh doanh có đạo đức, cơ chế quản lý các chuỗi cung ứng, nguồn khoáng sản hiệu quả, trách nhiệm. “Đó là 3 trụ cột chính hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của các doanh nghiệp ngành điện tử” - vị này nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về tuân thủ khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Trần Xuân Quang cho rằng, đối với từng doanh nghiệp ngoài những cam kết về kinh tế như giá cả, chất lượng, thời gian giao hàng, điều kiện thanh toán… doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm xã hội và môi trường.

Nghĩa là, không được sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, không được phân biệt đối xử trong lao động, quấy rối và lạm dụng, đảm bảo các quyền tự do thương lượng theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quy định về thời gian làm việc, lương và phúc lợi chính đáng, cung cấp môi trường lao động an toàn (bảo hộ lao động, phòng chống cháy nổ, điện, hóa chất…), cam kết bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng trước khi xuất khẩu.

“Để trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ, thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm xã hội và môi trường với một quy trình sản xuất tinh gọn, tuân thủ theo đúng quy định” – vị này nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, khi doanh nghiệp Việt muốn trở thành đối tác của tập đoàn công nghệ sẽ phải tự đánh giá mức độ rủi ro trong chính nội tại dựa trên công cụ của họ. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ nhìn thấy được lỗ hổng trong tuân thủ trách nhiệm xã hội và môi trường để khắc phục khiếm khuyết, tạo lợi thế cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng. Sau đó, các chuyên gia đối tác sẽ đánh giá trực tiếp dựa trên các tiêu chuẩn, đo lượng đầy đủ và toàn diện theo quy định để lựa chọn.

 

Vấn đề nghiêm trọng các doanh nghiệp Việt hay mắc phải là việc sử dụng lao động trẻ em, chưa thành niên, hoặc lao động cưỡng bức bắt phải nộp bằng cấp, giấy tờ tùy thân gốc; bắt làm thêm giờ nhưng không có cơ chế chứng minh việc này là do người lao động tự nguyện, đồng ý với kế hoạch, cũng như người lao động xin nghỉ việc nhưng lại không đồng ý vì lý do nào đó… Đây là những khiếm khuyết buộc các doanh nghiệp điện tử lưu ý khắc phục để có thể đáp ứng yêu cầu khi tham gia vào chuỗi liên kết.

Giám đốc GSS Trần Xuân Quang