70 năm giải phóng Thủ đô

Sản xuất vụ Đông ở Hà Nội: Đột phá từ chính sách hỗ trợ

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định vụ Đông năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, vừa bảo đảm lương thực thực phẩm dịp cuối năm, tạo việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn, ngành nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất.

Sản xuất gắn với nhu cầu thị trường

Những ngày này, bà con xã viên Hợp tác xã (HTX) Rau quả sạch Chúc Sơn (huyên Chương Mỹ) đang tập trung chăm sóc các loại rau cải và gieo trồng bắp cải, su hào, cà chua. Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám chia sẻ, để phục vụ nhu cầu của các siêu thị, đặc biệt là các bếp ăn tập thể hoạt động trở lại, HTX luôn chủ động kế hoạch để không lỡ nhịp sản xuất. Tuy nhiên, so với các vụ khác, do thời tiết khắc nghiệt, có thời điểm rét đậm, rét hại kéo dài nên vụ Đông thường đòi hỏi yêu cầu canh tác cao hơn. Cùng với đó, giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, hiện giá phân bón tăng 30 - 40% so với đầu năm. Do đó, HTX khuyến khích, vận động các hộ dân duy trì sản xuất an toàn, VietGAP nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản.

 Chăm sóc rau vụ Đông tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ngọc Ánh

Dù bị ảnh hưởng thời tiết với nhiều đợt mưa lớn, nhưng đến thời điểm này huyện Mỹ Đức đã hoàn thành gieo trồng gần 1.000ha cây vụ Đông, gồm: Đậu tương, ngô, khoai tây, bí xanh, bí đỏ và rau các loại. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho biết, xác định thị trường tiêu thụ đang có những biến động thất thường nên vụ Đông năm nay, huyện chủ động tăng diện tích các loại nông sản dễ vận chuyển và bảo quản được lâu.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, TP đã sớm điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông phù hợp với tình hình mới theo hướng tăng diện tích. Cụ thể, tổng diện tích vụ Đông toàn TP là trên 32.500ha, tăng gần 2.900ha so với kế hoạch đầu năm. TP cũng điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, an toàn thực phẩm và hướng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

Điểm mới của vụ Đông năm nay là Hà Nội tăng diện tích các loại cây đáp ứng nhu cầu thị trường như: Ngô, đậu tương... vừa làm thực phẩm, vừa làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, ngay từ thời điểm đầu tháng 10, các huyện đã bám sát khung thời vụ, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông theo hướng tăng diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Hơn 76,8 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất

Bảo đảm cho thắng lợi vụ Đông, các huyện trên địa bàn TP đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, vụ Đông 2021 huyện gieo trồng khoảng 800ha cây các loại. Cùng với phương châm "2 sớm 4 sát" (xây dựng đề án sớm, triển khai sớm; cơ cấu cây trồng sát với điều kiện tự nhiên, thời vụ sát với thủy văn, sản phẩm sát với thị trường, chỉ đạo sát cơ sở), huyện hỗ trợ 50% giống khoai tây, 50% phân hữu cơ cho các mô hình trồng rau, khoai tây trên địa bàn với kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Nông dân xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) chăm sóc khoai tây giống mới vụ Đông 2021. Ảnh: Ngọc Ánh

Còn tại huyện Mỹ Đức, để khuyến khích nông dân trồng cây vụ Đông, huyện hỗ trợ kinh phí mua thuốc diệt chuột bảo vệ sản xuất; hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình sản xuất vụ Đông đảm bảo gọn vùng, gồm: Tiền mua giống đậu tương, giống ngô, giống khoai tây Đức; hạt rau, đậu các loại. Bên cạnh đó, huyện phân công cán bộ chuyên môn hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp không làm đất, làm bầu, làm đất tối thiểu, trồng gối đối với cây ưa ấm như ngô, bí xanh, bí đỏ, khoai tây... với các giống ngắn ngày nhằm đảm bảo khung thời vụ thích hợp cho từng loại cây trồng.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, vụ Đông năm 2021 - 2022, Trung tâm triển khai hỗ trợ 3 mô hình mới là: “Khoai tây giống mới”, quy mô 40ha, tại 3 xã thuộc 3 huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thạch Thất “Hoa ly ly giống mới”, quy mô 0,4ha tại 4 xã thuộc 4 huyện Sóc Sơn Hoài Đức, Mỹ Đức, Mê Linh); sản xuất rau theo hướng VietGAP, quy mô 15ha/2 vụ tại xã Văn Đức (huyện Gia Lâm). Để các mô hình đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc hỗ trợ giống, các hộ dân tham gia mô hình còn được Trung tâm hướng dẫn quy trình sản xuất, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Với mục tiêu vụ Đông 2021 đạt hiệu quả cao ở cả 3 tiêu chí: Năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: “Hà Nội hỗ trợ phát triển sản xuất cây màu vụ Đông (giống, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí làm đất) theo hướng sản xuất hàng hóa với kinh phí hơn 76,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiên quyết xử lý các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái quy định pháp luật”.

Việc hỗ trợ giá giống, phân bón… cho các hợp tác xã, nông dân hiện đang được triển khai. Vì thế, các địa phương cần sát sao với tình hình sản xuất, bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng để không gây lãng phí nguồn lực này; đồng thời có phương án cung ứng vật tư, nguyên liệu linh hoạt và ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

 

Để vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính, rất cần những mô hình tích tụ ruộng đất, ứng dụng cơ giới hóa, hiệu quả cao. Hiện nay, tại một số xã ở huyện Đan Phượng, chính quyền đứng ra thuyết phục người dân cho các cá nhân, hợp tác xã có nhu cầu thuê lại ruộng để tổ chức sản xuất nông nghiệp quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương khác có thể học tập để nhân rộng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương