Năm 1993, ca khúc "Hà Nội đêm trở gió" vang lên trong vở nhạc kịch cùng tên của nhà văn Chu Lai do nhạc sĩ Trọng Đài chấp bút: "Hà Nội ơi, xanh xanh liễu rủ mặt hồ Gươm. Cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng. Con sóng nào vẫn vỗ về vào đam mê. Hà Nội ơi! Hà Nội ơi!"
Sau gần 30 năm từ lần đầu được nghe ca khúc ấy, tôi vẫn giữ trong mình hình ảnh Hà Nội rất thơ, rất dịu dàng. Lần gần nhất tôi đi Hà Nội đã là 5 năm trước. Hà Nội vẫn mộng mơ, đẹp yêu kiều nhưng còn nhiều trăn trở trong công tác bảo vệ môi trường. Bằng một tình yêu sâu sắc dành cho Hà Nội, tôi hi vọng rằng những đóng góp, sáng kiến nhỏ bé của mình sẽ góp phần để Hà Nội ngày một xanh hơn, đẹp hơn.
Là người làm truyền thông, tôi đã thử hình dung về một chiến dịch truyền thông đề cao lối sống văn minh, bảo vệ môi trường lấy tên "Vì một Hà Nội xanh". Chiến dịch sẽ không "đao to búa lớn" nói về biến đổi khí hậu hay việc sự đô thị hóa gây ảnh hưởng thế nào đến môi trường. Trái lại, chúng ta sẽ đi sâu vào từng mái nhà, từng gia đình để trao đổi và giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Vẫn với cách nghĩ, mỗi gia đình là một tế bào xã hội, việc thay đổi nhận thức và thái độ của từng người dân đối với môi trường xung quanh sẽ góp phần "tích tiểu thành đại", mang đến kết quả lớn lao hơn.
Từ những ý tưởng ban đầu đó, tôi muốn khai thác sâu hơn về khía cạnh người tham gia chương trình. Trước tiên, tôi đề xuất chúng ta tập hợp lại những công dân tốt, sống có ý thức và luôn giữ nhà cửa, môi trường sống gọn gàng nhất có thể. Thậm chí, họ có thể là những người mắc phải chứng "Rối loạn ám ảnh cưỡng chế" (OCD). Họ là những người thích sắp xếp ngăn nắp đồ đạc và thường xuyên lau dọn nhà cửa. Tôi tạm gọi đây là nhóm A.
Ở phía ngược lại, ban tổ chức sẽ tìm kiếm những khu vực công cộng cần được dọn dẹp và căn nhà "bừa bãi" với môi trường sống tạm bợ nhất ở Hà Nội và khu vực lân cận. Các chủ nhà của nhóm này (nhóm B) có thể vì hoàn cảnh, lối sống, nếp nghĩ,... mà vẫn giữ cách sinh hoạt bừa bãi, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.
Chiến dịch "Vì một Hà Nội xanh" sẽ cử các nhóm sản xuất phim đến từng căn nhà được đề xuất để vận động chủ nhà thay đổi lối sống. Nhóm A sẽ cử đại diện đến nhà Nhóm B để tiến hành dọn dẹp trong và xung quanh khu vực sinh sống. Toàn bộ quá trình này sẽ được quay thành phim tư liệu để phát sóng truyền hình và trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Tik Tok, YouTube. Trong suốt quá trình dọn dẹp, người nhóm B sẽ không có mặt ở hiện trường và để nhóm A chủ động nghiên cứu, dọn dẹp, sửa sang lại không gian sống. Sự khác biệt của căn nhà trước và sau khi qua bàn tay của nhóm A cũng như thái độ ngạc nhiên của gia chủ sau khi nhận thành quả từ những tập thể những người "ưa dọn dẹp" sẽ là thông điệp ý nghĩa mà chương trình mang lại cho người xem: Thay đổi lối sống và ý thức với môi trường xung quanh sẽ mang lại trải nghiệm tích cực hơn cho cuộc sống.
Không dừng lại ở việc dọn dẹp môi trường sống cho những gia đình cụ thể, nhóm A có thể tiến hành việc dọn sạch một khu vực công cộng, chẳng hạn: một góc công viên hay một góc phố thường xuyên ngập trong rác... Niềm vui trong việc dọn dẹp, lối sống tinh giản sạch sẽ hẳn sẽ trở thành một lời động viên có trọng lượng đối với người xem chương trình.
Nếu việc dọn dẹp và sắp xếp ngăn nắp các vật dụng cho từng hộ gia đình trong chương trình là sự khởi đầu, thì việc tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ môi trường còn quan trọng và thiết yếu hơn. Các trường hợp cần sự hỗ trợ của gia đình thông thường là những hộ gia đình không mấy khá giả, nhà đông con nhỏ hoặc người già neo đơn,... Do đó, không phải lúc nào việc thay đổi ý thức của các cá nhân này cũng dễ dàng. Việc sử dụng bao nilon thường xuyên, đổ nước bẩn ra khúc sông gần nhà, đốt than củi trong khu dân cư, ném rác ra đường,... đều cần phải được giải thích một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu. Nhất là, khi chương trình được phát sóng đến với lượng khán giả đông đảo.
Nhóm A và nhóm B là những người thuộc về hai thái cực khác nhau. Mục tiêu chương trình vẫn muốn định hướng khán giả tập trung vào cán cân cân bằng giữa hai cực đó. Khán giả chương trình sẽ hiểu biết hơn về môi trường và thay đổi lối sống cũng như tư duy về môi trường sau khi theo dõi các tập phim. Họ không cần phải trở nên quá "cực đoan" về việc giữ vệ sinh cho không gian và môi trường sống. Họ chỉ cần thay đổi để nó tốt hơn, ngăn nắp hơn. Từ đó, thế giới xung quanh họ sẽ trở nên sạch đẹp hơn.
Về nhóm B, một vài người trong nhóm có lẽ sẽ khá bảo thủ. Họ không muốn bị người khác "soi mói" vào cuộc sống và cảm giác chương trình sẽ can thiệp vào đời tư, thậm chí, bêu riếu họ trước ống kính máy quay. Mục đích của chương trình không phải tạo ra sự mặc cảm, xấu hổ hay gây khó chịu cho nhóm B. Thay vào đó, các nhân viên sản xuất chương trình sẽ phải động viên và tìm cách để người nhóm B cảm thấy thoải mái khi được thay đổi một cách tích cực. Thực tế cho thấy, những người được sống sạch sẽ và thanh gọn sẽ trở nên hạnh phúc hơn, như "thánh nữ dọn nhà" người Nhật Marie Kondo từng chia sẻ.
Tôi đã tham khảo những chương trình truyền hình tương tự như "Obsessive Compulsive Cleaners" của Channel 4 (Anh Quốc) và nhận thấy tác động tích cực của nó lên người xem là rất lớn. Hoarders (những người sống không ngăn nắp) đã thực sự "đổi đời" nhờ vào chương trình. Hà Nội có thể nhận được những thay đổi tương tự, thông qua các tập phim ngắn trong chương trình.
Về kinh phí cho chương trình, tôi nhận thấy chúng ta không cần quá nhiều ngân sách cho mỗi tập phim. Vấn đề quan trọng hơn là làm sao để người xem cảm thấy thú vị xuyên suốt các câu chuyện bằng hình ấy. Đội biên tập cần phải là những con người thú vị để mang lại tiếng cười trong một khung hình, thay vì tạo ra một tác phẩm phóng sự "lên gân", dàn dựng sẵn.
Nếu chương trình thực sự được thực hiện, tôi nghĩ hình ảnh Hà Nội sẽ còn đẹp hơn nữa trong mắt người dân lẫn du khách. Chương trình sẽ tạo nên những ảnh hưởng tích cực với người xem. Môi trường thành phố, nhờ vậy, sẽ được cải thiện để mỗi ngày một tốt hơn, xanh hơn.