Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sáng mai (20/5), khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày mai (20/5), Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể kỳ họp thứ năm tại Thủ đô Hà Nội.

Thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội.
 
Sáng mai (20/5), khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII - Ảnh 1
Toàn cảnh khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
 
Trước khi về dự kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội.
 
Từ 7 giờ 15, các vị đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Từ 8 giờ, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp và trao đổi về một số vấn đề cần thiết khác.
 
Đúng 9 giờ, Quốc hội sẽ họp phiên khai mạc.
 
Tại buổi họp báo giới thiệu về nội dung của Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội trong năm 2013, tổ chức chiều 17/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ngoài việc tiến hành xem xét các báo cáo về vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết số 35/2012 của Quốc hội.
 
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có báo cáo chuyên đề. Nội dung này cũng sẽ được Chính phủ báo cáo công khai trước Quốc hội. Song song với đó, Quốc hội cũng đã yêu cầu các Đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương giám sát kết quả thực hiện trong các ngành, lĩnh vực liên quan. Đây cũng là một trong những nội dung đổi mới hoạt động của Quốc hội.
 
Trong thời gian khoảng một tháng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 10 dự án luật, một Nghị quyết; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và 7 dự án luật khác.
 
Chuẩn bị cho kỳ họp này, tính đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được hơn 1.720 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.