Sáng mãi tinh thần người chiến sĩ xung phong
Kinhtedothi - Nhiều năm sau hòa bình, những ký ức hào hùng vẫn còn đọng lại sâu sắc trong tâm trí những cựu Thanh niên xung phong (TNXP) huyện Thanh Trì. Đó là niềm tự hào, là động lực để các cô, các bác tiếp tục nêu gương, "tiếp lửa” cho các thế hệ trẻ sau này.
Những chiến công oanh liệt
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nghe theo tiếng gọi của non sông, hơn 500 thanh niên huyện Thanh Trì đã làm đơn tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ đã có mặt ở những nơi “đầu sóng ngọn gió” trên các cung đường, các trọng điểm địch đánh phá ác liệt, ngày đêm bám sát trận địa, bắc cầu phà, rà phá bom mìn, mở đường bảo đảm mạch máu giao thông góp phần chi viện kịp thời cho tiền tuyến.
Năm 1965, khi vừa tròn 17 tuổi, cô gái Vũ Thị Thoa (xã Tân Triều) đã tình nguyện gia nhập Đội TNXP với khí thế “chưa thắng giặc Mỹ chưa về quê hương”. Được biên chế vào đơn vị C816-N43, đóng quân tại Nghệ An, cô cùng đồng đội làm nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông trên những tuyến đường trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ; sau đó, đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Cán bộ, hội viên Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Thanh Trì thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Nam Bắc
Vóc người nhỏ nhắn, không ai nghĩ bà Thoa từng là "Dũng sĩ diệt Mỹ”. Nhắc về những kỷ niệm chiến trường, trong mắt bà ánh lên những hồi ức của một thời tuổi trẻ sôi nổi, bà xúc động: “Ngày cũng như đêm, máy bay địch quần nát cả bầu trời, bom đạn xé tung những con đường. Nhưng ngớt tiếng bom, đơn vị tôi lại kịp thời có mặt san lấp với khẩu hiệu “Tim có thể ngừng đập, mạch máu giao thông không thể tắc”. Chiến dịch nối tiếp chiến dịch, với tinh thần hăng hái của tuổi trẻ, chúng tôi đã sát cánh bên nhau cùng chiến đấu ngoan cường. Lực lượng TNXP hăng hái lắm, hy sinh nhiều lắm… Với tôi, được trở về là một may mắn, những năm tháng chiến tranh ác liệt đó đã tôi luyện cho tôi ý chí và nghị lực mạnh mẽ, vượt qua mọi gian nan của cuộc sống”.
Nhiều năm sau chiến tranh, những ký ức về một thời khoét núi, mở đường cho các đoàn xe băng qua đèo cao, dốc núi tới chiến trường vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu TNXP Hoàng Tri Kỷ (sinh năm 1947, đang sống tại xã Vĩnh Quỳnh). Cách đây 60 năm, hòa cùng hàng nghìn thanh niên địa phương, chàng trai miền biển Hậu Lộc (Thanh Hóa) Hoàng Tri Kỷ mới tuổi đôi mươi, với vóc dáng cường tráng, đã xếp bút nghiên tình nguyện tham gia lực lượng TNXP, được biên chế vào đơn vị N101, Đại đội 1013-P37 với nhiệm vụ phá đá mở đường cho đoàn xe ra trận.
Việc mở đường rất gian khổ, khó khăn bởi phương tiện chỉ là xà beng, cuốc, xẻng và thuốc nổ. Đường được xây dựng chỉ khoảng 4 - 5 mét, vừa đủ cho xe đi. Có ngày máy bay địch bỏ bom 3 - 4 lần. Cứ mỗi lần địch đánh phá, nghe tiếng máy bay từ xa, mọi người lại chạy vào hầm để trú ẩn, đến khi máy bay đi thì lại tiếp tục công việc bình thường. Một năm sau, với lợi thế sức khỏe và quen với sông nước, ông được cử vào đội lái ca-nô dắt phà trên sông Gianh, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi huyết mạch của tuyến giao thông, cả ta và địch đều coi là trọng điểm, các loại bom bi, bom từ trường và cả đạn pháo liên tục được địch dùng để bắn phá suốt ngày đêm. Ông chia sẻ: “Lực lượng TNXP như chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy. Chứng kiến nhiều đồng chí, đồng đội của mình ngã xuống, hy sinh giành độc lập cho dân tộc, ngọn lửa căm thù trong chúng tôi càng nhân lên gấp bội và biến nó thành sức mạnh để vừa là hậu phương vững chắc, vừa sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Những lúc khó khăn, gian khổ nhất, chúng tôi lại nhớ đến lời Bác dặn dò TNXP để tự động viên mình: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.
Năm 1969, trong một lần làm nhiệm vụ đặc biệt, ông bị thương nặng, rồi trở thành thương binh hạng 4/4. Với nhiều chiến công xuất sắc, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Trải qua các cuộc chiến tranh, lớp lớp TNXP huyện Thanh Trì đã chịu nhiều gian khổ, mất mát, hy sinh tuổi thanh xuân, nhưng trong ký ức của những người trở về đều rất tự hào. Họ đã cùng đồng đội, cùng với quân và dân cả nước lập nên nhiều kỳ tích, góp phần to lớn vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát huy tinh thần xung phong
Kiên cường, anh dũng trong chiến đấu, bước vào thời bình, các cựu TNXP huyện Thanh Trì luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế và các hoạt động nghĩa tình đồng đội.
Hội cựu TNXP huyện Thanh Trì được thành lập ngày 12/1/2006, trải qua 19 năm hoạt động, hiện Hội có 973 hội viên, sinh hoạt tại 16 hội cơ sở. Theo Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Thanh Trì Chử Văn Thấu, các hội cơ sở đều duy trì sinh hoạt thường xuyên. Cán bộ, hội viên luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; gương mẫu thực hiện tốt các phong trào thi đua, phát triển kinh tế - xã hội. Một số cựu TNXP đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; phối hợp giải quyết chế độ đối với TNXP...
Trong hoạt động trọng tâm “Nghĩa tình đồng đội”, Hội cựu TNXP huyện đã tranh thủ sự chung tay chia sẻ của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị giúp đỡ các gia đình cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Các hoạt động, chương trình được duy trì thường niên, như: thăm hỏi, tặng quà cán bộ, hội viên nhân dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm; rà soát, báo cáo cơ quan, cấp thẩm quyền hỗ trợ hội viên khó khăn về nhà ở; động viên cán bộ, hội viên khi đau ốm; trao tặng sổ tiết kiệm, thẻ BHYT cho hội viên khó khăn... Vận động 100% hội viên xây dựng Quỹ nghĩa tình đồng đội, bình quân 150.000 đồng/hội viên với tổng số tiền trên 162 triệu đồng do các Hội xã, thị trấn tự quản lý và sử dụng. Từ nguồn quỹ này, các cơ sở hội giúp đỡ các hội viên khó khăn bằng cách cho vay không tính lãi, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi…
Bước qua những năm tháng gian lao mà anh dũng, cựu TNXP Hoàng Trọng Khiết (xã Hữu Hòa) trải lòng: “Lịch sử đất nước Việt Nam rất tự hào, chúng tôi mong muốn giờ đây phát huy giá trị, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, làm sao để thế hệ trẻ hiểu rõ lịch sử, để bản thân các em thấm nhuần tinh thần yêu nước, hiểu được giá trị của độc lập tự do, từ đó phấn đấu để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Gặp mặt các cựu TNXP tham gia làm kinh tế giỏi.
Đã 50 năm trôi qua kể từ chiến thắng mùa Xuân năm 1975, nhưng những người cựu TNXP huyện Thanh Trì vẫn nhớ như in những tháng ngày cùng đồng đội “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trên con đường đổi mới và phát triển của đất nước, các cựu TNXP huyện Thanh Trì vẫn chung một tinh thần đoàn kết, gắn bó, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm, góp phần xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững, cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Huyện Thanh Trì: “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”
Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), ngày 22/4, tại Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, UBND huyện Thanh Trì tổ chức chương trình hưởng ứng “Ngày sách và văn hóa Việt Nam lần thứ 4 năm 2025” với chủ đề: “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Huyện Thanh Trì: tuyên truyền Luật Thủ đô và các văn bản triển khai
Kinhtedothi-Ngày 23/4, UBND huyện Thanh Trì tổ chức tuyên truyền Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành.

HĐND huyện Thanh Trì: Nhất trí tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Kinhtedothi-Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, 100% đại biểu HĐND huyện Thanh Trì đã biểu quyết thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Điều này khẳng định sự đồng thuận và tính thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị.