Tại hội nghị lần này, Bộ TN&MT, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, các nhà khoa học trong, ngoài nước và đại diện các địa phương chịu thiệt hại trong vụ Formosa xả thải sẽ cung cấp thông tin giúp người dân biết khu vực nào đã và chưa an toàn, tránh tâm lý hoang mang.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet. |
Trước đó, sau khi xảy ra sự cố, Bộ TN&MT đã công bố liên tục kết quả quan trắc nước biển tại các bãi tắm ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Kết quả quan trắc cho thấy, nước biển tại các bãi tắm này nằm trong giới hạn an toàn. Tuy nhiên, đây mới là kết quả quan trắc nước tầng mặt trong khi sự cố môi trường biển miền Trung xảy ra chủ yếu ở tầng đáy. Ngày 30/6, Chính phủ đã công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung đầu tháng 4/2016 là do Formosa xả thải. Theo kết luận của Chính phủ, dựa trên cơ sở kết luận của các nhà khoa học, cơ quan chức năng, chất độc khiến cá chết hàng loạt được xác định là phenol và xyanua, hiđroxit sắt vượt quá mức cho phép. Chất độc này do Formosa Hà Tĩnh xả thải. Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII vừa được tổ chức gần đây, các đại biểu cũng dành sự quan tâm rất lớn đối với những ảnh hưởng do Formosa gây ra. HĐND tỉnh đánh giá, việc Formosa xả thải đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Dự báo, kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm cũng chịu ảnh hưởng. Nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi liên quan đến vùng biển an toàn hay chưa? Cá biển khi nào ăn được? Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh này nói vấn đề này do Bộ TN&MT công bố. Nhằm hỗ trợ ngư dân các vùng bị ảnh hưởng do hiện tượng cá chết, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi sinh kế, hỗ trợ cho ngư dân. Tuy nhiên, bà con đã gắn bó với nghề biển từ bao đời nay, họ cần biết biển đã an toàn hay chưa để tiếp tục mưu sinh, đảm bảo cuộc sống. Hơn nữa, ngư dân chính là những “cột mốc sống” trên biển, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, lãnh thổ của Tổ quốc; họ không thể không ra biển.