Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sáng suốt chớ gây hoang mang

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi bắt đầu bùng phát từ tháng 3 năm nay, dịch Ebola đang diễn biến phức tạp tại các nước Tây Phi như Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria gây mất mát không chỉ về người mà còn thiệt hại về kinh tế.

Chỉ cần gõ Ebola trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,2 giây, khoảng 92.700.000 kết quả sẽ xuất hiện bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Chính vì thế, cho tới thời điểm này, Ebola vẫn là vấn đề “nóng” khiến dư luận đặc biệt quan tâm, được coi là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử.

Đặc biệt, khi nguy cơ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong lên tới 90%, căn bệnh này đã khiến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam thật sự rốt ráo, quyết liệt tìm mọi phương án ngăn chặn, phòng chống.

Trong một thông báo mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, kể từ khi dịch bệnh Ebola bùng phát, đã có 1.069 người tử vong trên tổng số 1.975 trường hợp được xác nhận, có khả năng và nghi ngờ nhiễm virus này ở các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria.
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
Tại Việt Nam, khi căn bệnh này vẫn chưa có cơ hội xâm nhập thì Bộ Y tế, Sở Y tế... đã liên tiếp có những công văn, chỉ đạo kịp thời nhằm ngăn ngừa, các bệnh viện sẵn sàng điều trị bệnh nhân Ebola… Trong buổi làm việc ngày 14/8, tại Văn phòng EOC, sau khi nghe báo cáo của Cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các các chuyên gia của WHO, USCDC và Sở Y tế TP. Hà Nội đã đi kiểm tra trực tiếp 3 sinh viên người Nigeria vừa tới Việt Nam. Ba sinh viên trên nhập cảnh để theo học tại trường Đại học FPT tại Hà Nội, trong đó có 2 sinh viên nhập cảnh ngày 08/08/2014 và 1 sinh viên nhập cảnh ngày 31/7/2014. Hiện tại sức khỏe của 3 sinh viên trên bình thường và được các nhân viên y tế của trường và của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra sức khỏe hàng ngày kể từ ngày nhập cảnh, được tư vấn về bệnh Ebola và cách dự phòng, được khuyến cáo nghỉ ngơi tại nhà, tránh tiếp xúc với người xung quanh và tự theo dõi sức khỏe bản thân và phải thông báo ngay cho cán bộ y tế khi có các biểu hiện như sốt, đau đầu, nôn, tiêu chảy, xuất huyết.

Ngoài ra Sở Y tế Hà Nội và y tế trường cũng đã cử cán bộ y tế theo dõi sức khỏe hàng ngày, phát nhiệt kế để tự theo dõi nhiệt độ cơ thể đến khi hết 21 ngày kể từ khi xuất cảnh. Sở Y tế TP. Hà Nội cũng đã thiết lập 2 số điện thoại thường trực tư vấn và tiếp nhận thông tin về dịch bệnh trong đó có bệnh Ebola, cụ thể: 0969.082.115; 094.9396115.

Mới nhất, ngày 15/8, Bộ Y tế đã yêu cầu Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư chuyển hệ thống khử trùng tự động lên đặt tại Sân bay quốc tế Nội Bài và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đặt tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để phục vụ công tác khử khuẩn, cách ly người nghi ngờ mắc bệnh Ebola trước khi vận chuyển bệnh nhân về các cơ sở để điều trị, yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai việc lắp đặt, vận hành hệ thống khử trùng lưu động đi vào hoạt động chậm nhất trong ngày 16/8.

Điều đáng nói là, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đang gồng mình tìm mọi phương án để ngăn chặn, phòng chống dịch, báo chí,  truyền thông hàng ngày cập nhật những thông tin mới nhất từ WHO, Bộ Y tế, Sở Y tế… thì lại có một số “cư dân mạng”- những người được coi là nhanh nhạy thông tin vì thường xuyên cập nhật tin tức trên Internet lại trở thành đối tượng tung tin đồn nhảm dịch Ebola xuất hiện ở Việt Nam gây hoang mang cho người dân và cơ quan chức năng. Hậu quả là, chỉ trong vòng 1 tuần, 4 người đã bị triệu tập lên cơ quan Công an chỉ vì tung tin đồn nguy hiểm về dịch Ebola trên facebook.

Trước các tin đồn này, đại diện bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, tất cả các biện pháp phòng chống đều phải dựa trên các nguyên lý khoa học chứ không phải nghe lời đồn đại. Virus Ebola là loại virus có sức đề kháng rất lớn với môi trường. Nếu ở trong nhiệt độ khoảng 56 độ C thì loại virus Ebola có thể sống được 30 phút. Đặc biệt, tất cả các hóa chất tiệt trùng hiện nay đều có thể tiêu diệt được loại virus này. Vì thế, chúng ta nên nghe theo khuyến cáo của ngành y tế chứ không nên nghe theo lời đồn đại.

Trong vài năm trở lại đây, các trang mạng xã hội như facebook, twitter,… đã trở thành “món ăn tinh thần” hàng ngày của nhiều người trong xã hội, không kể tuổi tác. Cũng chính từ facebook, nhiều thông tin mới của đời sống được “cư dân mạng” cập nhật nhanh chóng. Chỉ cần một cú click chuột, những tin đồn thất thiệt lập tức được lan truyền nhanh chóng trên facebook khiến dư luận hoang mang, bức xúc.

Thế nhưng, đáng tiếc, việc kiểm chứng thông tin từ các trang mạng xã hội này dường như chưa chặt chẽ. Cũng chính vì thế, sự việc Cục An ninh chính trị nội bộ (A83 - Bộ Công an) phải truy tìm, xác định danh tính, triệu tập, xử phạt hành chính đối tượng tung tin dịch Ebola xuất hiện tại Việt Nam cũng là tiếng chuông báo thức đối với các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thông tin trên các trang mạng xã hội, cảnh tỉnh đối với những người coi mạng xã hội là một thói quen, sẵn sàng truyền tải tâm sự, chia sẻ thông tin. Nó cũng khiến những người quen tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội trở nên sáng suốt hơn, thận trọng hơn, sàng lọc tỉnh táo hơn, không dại dột tin tưởng vào những thông tin “cửa miệng” hay lan truyền thông tin gây hoang mang cho đời sống.
Qua vụ việc trên, không ít người cũng giật mình, lo lắng những tâm sự của mình trên mạng xã hội có thể là nguyên nhân chính khiến chủ nhân gặp “họa”. Chẳng thế mà cư dân mạng thời gian gần đây không ít lần nhắc nhở nhau “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, đừng vội bấm "share" (chia sẻ) khi bạn chưa rõ thực hư.”.