Sáng suốt chọn nguyện vọng xét tuyển đại học để không thiệt thòi

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ GD&ĐT mới có thông báo điều chỉnh lịch tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021; theo đó, thời gian suy nghĩ chọn ngành, chọn trường của thí sinh sẽ dài hơn, rộng mở hơn. Bộ GD&ĐT cũng liên tục có những thông điệp nhắc nhở thí sinh hãy sáng suốt trong đăng ký, chọn lựa nguyện vọng để không còn những nuối tiếc sau mỗi mùa tuyển sinh.

Muôn kiểu tư vấn
Ngay sau khi điểm thi tốt nghiệp THPT được công bố, rất nhiều thí sinh, người nhà băn khoăn, cân nhắc giữa mức điểm đạt được với nguyện vọng đăng ký. “Cháu mình được 27 điểm, cháu thích ngành Kinh tế, mình nên nộp nguyện vọng vào trường nào?”- anh Nguyễn Văn Hào, huyện Đông Anh, Hà Nội hỏi trên trang Facebook cá nhân. Nội dung trên của anh nhận được hơn 100 bình luận, tương ứng gần 100 ý kiến với nội dung khác nhau. Rốt cuộc anh Hào cũng không tìm được ý kiến nào chất lượng phù hợp để làm căn cứ tư vấn cho cháu mình.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Giám đốc 1 công ty chuyên tư vấn nội thất chia sẻ câu chuyện về việc được nhờ tư vấn chọn trường. Theo lời anh Hoàng thì có người chú họ mới gọi điện khoe rằng con chú thi được 26 điểm khối A và giờ chú muốn nó “học nghề giống anh” thì nên chọn trường nào? “Mình không biết rõ năng lực, mong muốn của em; hỏi gì em cũng toàn nói không biết, thật sự rất khó để tư vấn chọn trường nào, ngành nào cho phù hợp”- anh Nguyễn Ngọc Hoàng than thở.
 Hạn điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh được ra hạn đến 17 giờ ngày 5/9 (Ảnh: Ngọc Tú)
Em Nguyễn Thị Phương, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội luôn yêu thích nấu ăn và em mong được học ngành nấu ăn để sau ra trường có thể làm việc ở nhà hàng; có cơ hội phát triển mở cửa hàng thực phẩm hoặc kinh doanh ăn uống. Tuy nhiên, bố em một mực cho rằng, học nấu ăn suốt ngày dầu mỡ, quần áo bám mùi đồ ăn lại chỉ quẩn quanh ở căn bếp nóng nực nên lèo lái em đi học kế toán bởi với ông các con số và làm văn phòng lịch sự sẽ có tương lai hơn rất nhiều việc làm đầu bếp. Phượng lưỡng lự vì thâm tâm không bao giờ thích kế toán, sổ sách và cũng không có sở trường gì về số liệu, tính toán. Tuy nhiên, thuyết phục thế nào cũng không nhận được cái gật đầu của bố, cực chẳng đã, Phượng đã đăng ký vào khoa Kế toán thay vì Cao đẳng nghề như mong muốn của mình…
Còn Nguyễn Hải Anh, một học sinh có học lực khá, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội thì chỉ thích ĐH Bách khoa. Với em, nếu không vào ngành Khoa học máy tính của ĐH Bách khoa được thì em sẽ chấp nhận ôn thi đến khi nào đỗ mới thôi. “Chỉ có ngành đó của ĐH Bách Khoa mới là nguyện vọng của em. Tuổi còn trẻ, em sẽ cố gắng bằng mọi cách để thực hiện ước mơ của mình…”- Hải Anh quả quyết nói.
Các cách tư vấn, chọn trường như kể trên - tuy vẫn diễn ra trong mỗi mùa tuyển sinh nhưng được cho rằng thiếu đúng đắn và có phần lạc hậu bởi việc chọn trường, chọn ngành giờ đây phải là tổng hòa của rất nhiều cách nhìn và số liệu, căn cứ thực tế. Chỉ có sự xem xét thấu đáo, lắng nghe bản thân và luôn đặt bản thân trong mối quan hệ của nhiều yếu tố khác (ngành, điểm sàn, điểm chuẩn…) mới chọn được hoặc có được những tư vấn đúng đắn, phù hợp về nguyện vọng.
“Cân não” để chọn trường, chọn ngành
Việc chọn trường, chọn ngành có ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp và tương lai; đòi hỏi thí sinh phải xác định những tiêu chí rõ ràng, cụ thể và luôn làm chủ trong chọn lựa của mình. Sở thích - sở trường - việc làm - thu nhập… là những yếu tố các thí sinh cần để tâm khi lựa chọn ngành, trường.
Việc nhờ các “nhà thông thái” trên mạng xã hội hay nhờ người không hiểu rõ về bản thân mình tư vấn chọn trường là kênh tham khảo không thiết thực và kém hiệu quả bởi những người này không hiểu về năng lực, sở trường của thí sinh nên khó đưa ra lời tư vấn hợp lý.
Còn việc nghe theo bố mẹ để học ngành đi ngược lại sở thích, sở trường cũng được coi là lựa chọn không thể lâu bền và hợp lý bởi thực tế đã có rất nhiều trường hợp học theo bố mẹ nhưng sau ra trường lại làm nghề theo sở thích ban đầu và ngồi than thở vì thời gian học tập quá uổng phí, không vận dụng được gì vào công việc.
Thái độ chọn ngành, chọn trường của thí sinh có vai trò rất quan trọng (Ảnh: Ngọc Tú)
Thái độ chọn ngành, chọn nghề cũng cần được cập nhật, đổi mới, linh hoạt và đi đúng xu hướng bởi hiện có rất nhiều cơ sở giáo dục có ngành nghề đào tạo giống nhau và thí sinh không nên áp đặt, bó buộc mình vào việc chỉ chọn một ngành, một trường, nếu không đạt được ý nguyện năm nay thì sẽ thi vào sang năm; vì như vậy là khép lại cơ hội của bản thân.
Liên quan đến việc chọn trường, chọn ngành, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thí sinh cần tham khảo thông tin tư vấn tuyển sinh từ các báo cáo phân tích, dự báo, phương tiện thông tin đại chúng, nhà trường, thầy cô giáo và các chuyên gia; đặc biệt cần lưu ý đến các ngành nghề đặc thù, các ngành công nghệ cao mũi nhọn,… được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển; đồng thời, phải cân nhắc khả năng, sở trường của mình để chọn ngành nghề, hướng đi phù hợp trong tương lai.
Ngành nghề thu nhập tốt và nhiều triển vọng có liên hệ mật thiết tới thực tiễn phát triển của nền kinh tế - xã hội. Do vậy, thí sinh cần thêm thông tin dự báo triển vọng của các ngành nghề trong 4-5 năm tới (từ các bộ ngành, địa phương, từ các đơn vị nghiên cứu, dự báo chiến lược…) để khi các em ra trường thì ngành nghề mình học vẫn có cơ hội phát triển.
Còn PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, thí sinh cần tham khảo phổ điểm các môn và tổ hợp xét tuyển. “Dù điểm thi khả quan, các em vẫn nên thực hiện chiến lược điều chỉnh nguyện vọng xếp theo thứ tự yêu thích kết hợp với điểm chuẩn từ cao xuống thấp: 2-3 nguyện vọng đầu là những ngành ưu tiên nhất và dự báo điểm chuẩn có thể bằng hoặc thậm chí cao hơn điểm thi thực tế 1-1,5 điểm. Nếu dự báo điểm chuẩn của các nguyện vọng 1-2 thấp hơn điểm thi thì vẫn nên chọn thêm một số ngành ưa thích có dự báo điểm chuẩn thấp hơn nữa; còn nếu kết quả thi không thực sự thuyết phục thì thí sinh nên có thêm những lựa chọn an toàn….Điều quan trọng là nên cân nhắc sáng suốt, có lựa chọn, quyết định phù hợp để đảm bảo quyền lợi của bản thân”.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần