Tuy nhiên để văn hóa đọc được ươm mầm, ăn sâu bén rễ thì Hà Nội cần sáng tạo thêm nhiều không gian văn hóa đọc bắt kịp theo xu thế của nền cách mạng công nghiệp 4.0.
Kế hoạch dài hơiTheo Kế hoạch của UBND TP trong năm 2021, TP có nhiều hoạt động: Ngày Sách Việt Nam; Hội thi Thiếu nhi Thủ đô tuyên truyền giới thiệu sách năm 2021; giao lưu tác giả, tác phẩm; trưng bày, triển lãm sách kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước tại các thư viện; tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc... Đặc biệt trong năm 2021, TP xây dựng, kiện toàn và củng cố hệ thống thư viện công cộng. Dự kiến trong năm 2021, Hà Nội thành lập mới 10 thư viện, tủ sách cơ sở, tổ chức Hội sách Hà Nội lần thứ VII - năm 2021 từ ngày 29/9 đến 3/10 tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Không chỉ trong năm 2021, UBND TP cũng đã các định rõ phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc; duy trì hoạt động thư viện truyền thống, đẩy mạnh phát triển thư viện theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đọc, nhu cầu thông tin của người sử dụng thư viện; tăng cường các hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của mạng lưới thư viện công cộng trên địa bàn TP, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, UBND TP cũng đề ra các giải pháp trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Nhưng việc thực hiện tăng các tiêu chí về số lượng đầu sách, lượng người tiếp cận với sách sẽ không đơn giản nếu như cách phát triển các không gian văn hóa đọc không mang tính sáng tạo, phù hợp với thời công nghiệp 4.0.Tạo cú hích mới cho người đọcTrong những năm gần đây, ở nước ta có nhiều dấu hiệu cho thấy văn hóa đọc đã được quan tâm hơn và có sự tiến triển nhất định. Đây là tín hiệu đáng mừng. Nó cho thấy, sau một thời gian “ngủ quên” và mải mê với các giá trị vật chất, người Việt đã giật mình nhận ra giá trị đích thực của văn hóa đọc. Tuy nhiên, cũng giống nhiều địa phương, tại Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, việc phát triển văn hóa đọc cũng gặp khá nhiều vướng mắc. Những ai đã từng đến đọc sách ở các thư viện công lập ở các tỉnh, địa phương hẳn đều chứng kiến cảnh tượng “đìu hiu” ở đây. Ngay cả tại Thư viện Quốc gia nằm trên phố Tràng Thi, hay Thư viện Hà Nội nằm con ngã 4 sầm uất trên đường Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, các phòng đọc sách cũng vắng lặng; chỉ khi có những hoạt động mang tính tương tác như vẽ tranh, triển lãm… thì nơi đây mới sôi động đón khách.Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt Nguyễn Kim Thoa cho rằng, bên cạnh các cuộc thi, giải thưởng về sách Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác cần kiến tạo các không gian sách mới mẻ, thay vì các không gian mang tính truyền thống. Chị Nguyễn Thùy Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, trước đây, bản thân vốn không thích đọc sách lắm, chỉ hay xem phim, nghe nhạc và thích các hoạt động vui chơi ngoài trời. Tình cờ biết đến Tổ chim xanh - Bluebirds' Nest (một không gian sáng tạo, quán cà phê sách trên phố Đặng Dung) ngồi trong không gian tĩnh lặng, thanh thản của cà phê và sách, bản thân đã cảm thấy rất thú vị. Từ đó, thói quen giải trí cũng thay đổi dần và ngày càng thích ngồi đọc sách hơn. Bắt theo xu hướng này, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa và Giáo dục Tân Việt Nguyễn Kim Thoa mở hàng chục nhà sách, khu trưng bày tôn vinh sách ở Hà Nội; đem sách vào các siêu thị, Trung tâm thương mại; kiến tạo các “Không gian Sách” lý tưởng rộng tới hai - ba nghìn mét vuông giữa các “địa điểm vàng” sầm uất, cùng cộng sự thực hiện dự án cải tạo vài trăm thư viện trường học ở khắp nơi.Trên thế giới, nhiều không gian văn hóa được vận hành theo mô hình Nhà nước đầu tư, sở hữu nhưng cho tư nhân đấu thầu thuê quyền khai thác, vận hành, và dường như đó là cách làm hiệu quả. Điều quan trọng hiện nay là các cơ quan phải đề ra cơ chế giám sát thích hợp nhằm đảm bảo các cơ sở này hoạt động đúng mục đích với các chỉ số đo lường được công khai để từ đó tạo cú hích mới cho các không gian văn hóa đọc.