70 năm giải phóng Thủ đô

Sắp thu phí bảo trì đường bộ: Cấp phường, xã gặp khó

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ ngày 1/6, Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thu phí bảo trì đường bộ bắt đầu có hiệu lực.

Từ nay đến thời điểm thu phí không còn nhiều, nhưng theo nhận định của các chuyên gia GTVT, việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ tăng thêm gánh nặng kinh tế với người dân và dễ nảy sinh bất cập trong thu chi.

Nảy sinh nhiều bất cập

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam  cho rằng, việc thu phí bảo trì đường bộ vô hình chung biến xe máy thành đối tượng chịu khá nhiều loại phí. "Chưa kể phí đăng ký, biển số, trước bạ, phí bảo hiểm (cả ô tô và xe máy) đều đã tăng rất cao so với trước đây, kể từ ngày 1/1/2012, ô tô và xe máy còn tiếp tục chịu thêm thuế bảo vệ môi trường được tính vào giá xăng dầu nay lại phải chịu thêm phí bảo trì đường bộ nữa thì rõ ràng phí chồng lên phí"- ông Hùng nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy trong nội thành khó mà thực hiện được. Lý giải cho điều này ông Bình cho biết: "Hiện tại, rất nhiều người dân đăng ký xe ở địa phương này nhưng lại thường xuyên sang nơi khác sinh sống, làm việc. Quản lý được các phương tiện này đã khó, nói gì tới việc yêu cầu họ đóng phí bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó, có những chủ xe cả tháng mới đi một lần cũng bắt họ đóng phí như những phương tiện thường xuyên chạy trên đường là một điều không công bằng".

Anh Nguyễn Trung Hiếu, một người chạy xe ôm bức xúc: "Đã hạn chế xe thông qua thu phí thì phải đóng tất, từ xe công đến xe tải... chứ sao lại chỉ bắt xe cá nhân đóng phí. Phải chăng Bộ GTVT cho rằng, những phương tiện trên không gây tắc đường, không gây UTGT, không làm hư hại mặt đường? Rất nhiều người đi xe máy không phải xe chính chủ, làm thế nào để xử phạt được khi họ nói rằng: "Chủ xe đã nộp", "biên lai để ở nhà, không mang đi sợ ướt, hỏng", "Đã nộp nhưng mất biên lai"… chẳng nhẽ cơ quan chức năng giữ xe họ để đi xác minh. Nếu người ở Cà Mau ra Hà Nội làm việc sẽ kiểm tra, xác minh như thế nào? Như vậy, liệu những tính toán ban đầu của Bộ GTVT (thu 6.800 tỷ đồng/năm từ ô tô; 2.400 tỷ đồng từ 50% xe máy đã đăng ký) có khả thi?

Đẩy cái khó cho cơ sở

Cách thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu là công bằng và hầu như các nước trên thế giới đang áp dụng. Tôi vẫn luôn mong muốn Việt Nam thu phí bảo trì đường bộ theo cách này. Nhưng Bộ GTVT lý giải nếu áp dụng thu phí qua xăng dầu sẽ rất khó và phức tạp để phân định rạch ròi đối tượng sử dụng xăng dầu vào hoạt động vận chuyển đường bộ hay vận hành tàu thuyền đường thủy. Vì thế, việc thu qua đầu phương tiện dễ làm, đơn giản, về mặt kỹ thuật là khả thi, nhưng không công bằng tuyệt đối.

TS Khuất Việt Hùng Trường Đại học GTVT

Theo nội dung của Nghị định 18, cơ quan được giao nhiệm vụ thống kê và thu các loại phí đối với xe máy sẽ là UBND cấp phường, xã, thị trấn hoặc lực lượng công an địa phương. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các phường, xã vẫn mơ hồ trước thông tin nào về việc hướng dẫn thu phí bảo trì đường bộ.

Ông Lê Khánh Đồng, Chủ tịch UBND phường Dương Nội (quận Hà Đông) cho biết: "Chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin gì xung quanh việc thu phí bảo trì đường bộ. Hiện tại, toàn phường mới có 19 cán bộ nhân viên, giải quyết những công việc hàng ngày còn "mướt mồ hôi" nói gì đến chuyện đi thu phí bảo trì đường bộ. Nếu không có thêm người, không có cơ chế cụ thể, e rằng việc thu phí tại phường khó lòng mà thực hiện được".

Đồng quan điểm với ông Đồng, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) cho biết: "Nếu Bộ Tài chính, Bộ GTVT quyết định giao cho các phường thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ thì cần phải xây dựng một cơ chế cụ thể đối những nhân viên đi thu tiền phí. Bên cạnh đó, liên bộ cần phải xây dựng quy định cụ thể đối với những người sống ở Hà Nội nhưng xe lại đăng ký ở tỉnh khác. Đặc biệt, cần xây dựng được chế tài xử phạt cụ thể đối với những người cố tình không nộp phí".

Ngoài ra, khi trao đổi với một số chủ tịch phường tại Hà Nội rất nhiều ý kiến về loại phí này được đưa ra. Khi Bộ GTVT đề xuất thu phí bảo trì đường bộ người dân đã kêu rất nhiều. Nay, Bộ lại đề xuất để các phường đứng ra thu tiền bảo trì đường bộ của người dân chẳng khác nào đẩy cái khó cho phường. Liệu có ai dám khẳng định khi người dân đóng phí sẽ không còn xảy ra tắc đường, việc đi lại của người dân sẽ thuận lợi hơn...

Theo Nghị định 18/2012NĐ-CP, chủ phương tiện xe máy sẽ phải đóng mức phí từ 80.000 - 180.000 đồng/năm tùy theo dung tích xy lanh. Mức phí đối với ô tô sẽ từ 180.000 đồng đến 1,44 triệu đồng/xe/tháng, tối đa là 16,76 triệu đồng/năm. Theo Bộ GTVT, các văn bản hướng dẫn thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ hoàn thành trong tháng 4, để kịp thực hiện theo đúng lộ trình của nghị định này.