Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp tu bổ di tích lịch sử quốc gia chùa Cao Dân ở Cà Mau

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau phản ánh của báo Kinh tế và Đô thị về tình trạng xuống cấp tại Di tích lịch sử quốc gia chùa Cao Dân, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã nhanh chóng kiểm tra rà soát. Đặc biệt, UBND tỉnh này vừa phê duyệt lựa chọn nhà thầu tu bổ di tích trên.

Di tích lịch sử quốc gia Chùa Cao Dân (Hoàng Nam)
Di tích lịch sử quốc gia Chùa Cao Dân (Hoàng Nam)
Di tích lịch sử quốc gia chùa Cao Dân sẽ còn là điểm kết nối văn hóa, du lịch của tỉnh Cà Mau (Hoàng Nam).
Di tích lịch sử quốc gia chùa Cao Dân sẽ còn là điểm kết nối văn hóa, du lịch của tỉnh Cà Mau (Hoàng Nam).

Nhanh chóng kiểm tra theo phản ánh của báo chí 

Như báo Kinh tế và Đô thị thông tin ngày 25/8/2024, Di tích lịch sử quốc gia chùa Cao Dân (chùa Khmer ở xã Tân Lộc huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau) hiện đang xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được trùng tu sửa chữa. Đây là di tích gắn liền với phong trào kháng chiến chống Pháp - Mỹ tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Ngay sau phản ánh của bài báo, ngày 26/8/2024, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Cà Mau đã có công văn số 2891/SVHTTDL-VHGD gửi đến UBND huyện Thới Bình, đề nghị chỉ đạo bộ phận chuyên môn phụ trách của huyện xác minh, làm rõ phản ánh của báo chí.

Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau đề nghị UBND huyện Thới Bình xác minh kiểm tra thông tin báo Kinh tế và Đô thị phản ánh (Hoàng Nam).
Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau đề nghị UBND huyện Thới Bình xác minh kiểm tra thông tin báo Kinh tế và Đô thị phản ánh (Hoàng Nam).

 “Nếu Di tích lịch sử chùa Cao Dân có xuống cấp một số hạng mục nêu trên, đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình có giải pháp, biện pháp khắc phục, trùng tu, sửa chữa…, nhằm đảm bảo các hoạt động tín ngưỡng, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Khmer nhân lễ Sen Dolta. Kết quả rà soát, xác minh hiện trạng theo nội dung nêu trên, gửi về Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình chậm nhất ngày 06/9/2024 để theo dõi” – công văn nêu rõ.

Ngày 30/8/2024, cán bộ chuyên môn của phụ trách của xã Tân Lộc huyện Thới Bình đã đến chùa Cao Dân để rà soát, xác minh hiện trạng theo yêu cầu của Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau. “Hiện trạng chùa Cao Dân đang xuống cấp là có thật. Bà con Khmer đang rất mong chùa Cao Dân sớm được trùng tu sửa chữa, kịp dịp lễ Sel Dolta của đồng bào sắp tới” – anh Hữu Tâm,  người Khmer sống ở gần chùa nói.

Di tích còn là kết nối văn hóa, du lịch của tỉnh

Ngày 31/8, trao đổi với phóng viên, ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau cho biết, ngày 29/8/2024, UBND tỉnh này đã có Quyết định số 1737/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tu bổ Di tích lịch sử chùa Cao Dân (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình). Theo quyết định, tổng giá gói thầu gần 720 triệu đồng (thi công nâng cấp, cải tạo sân đường nội bộ gần 700 triệu đồng và giám sát thi công xây dựng gần 20 triệu đồng) do Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư. Nguồn vốn thực hiện từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Ngày 29/8/2024, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt  Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tu bổ di tích lịch sử Chùa Cao Dân (Hoàng Nam).
Ngày 29/8/2024, UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt  Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tu bổ di tích lịch sử Chùa Cao Dân (Hoàng Nam).

Theo ông Trần Hiếu Hùng, do điều kiện ngân sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, Sở VHTT&DL tỉnh cân đối đến đâu sẽ hỗ trợ đến đó, phần còn lại do Ban Quản trị của chùa vận động từ các nguồn khác. “Mục tiêu của chúng tôi sẽ tu bổ các hạng mục còn lại trong năm tới. Về lâu dài, nơi đây vừa là di tích, vừa là điểm du lịch trên quốc lộ 63 kết nối tuyến du lịch từ Trung tâm TP Cà Mau đến chùa Cao Dân, Đền thờ Vua Hùng, Đền thờ Bác Hồ” - ông Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh.

Ông Trần Hiếu Hùng còn cho biết, chùa Cao Dân là nơi ghi dấu sự có mặt của cộng đồng người Khmer trên vùng đất Cà Mau và quá trình cộng cư với các dân tộc anh em qua các thời kỳ lịch sử. Ngôi chùa có nhiều đóng góp trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhiều vị sư, Achar tham gia hoạt động cách mạng và trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, tiêu biểu là cố hoà thượng Hữu Nhem. Về lĩnh vực văn hóa, chùa Cao Dân là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau và các vùng lân cận. Các vị sư và Achar đã mở nhiều lớp dạy chữ Khmer, sinh hoạt văn hóa cho đồng bào và nhân dân địa phương. “Đây là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, tiêu biểu như các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, tri thức dân gian…” – ông Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh.