Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã: Gỡ vướng từ thực tế cơ sở

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Qua gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của UBTV Quốc hội, việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019-2021 đã thu được những kết quả khả quan bước đầu, góp phần khẳng định chủ trương về sắp xếp ĐVHC cấp xã là đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế từ cơ sở cũng cho thấy còn không ít việc phải làm để có thể hoàn thiện quy trình sắp xếp này, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội tiếp tục thực hiện trong những giai đoạn tiếp theo.

Góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi ngân sách

Là quận duy nhất được TP lựa chọn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp phường giai đoạn 2019-2021, với đặc thù quận lõi đông dân, khối lượng công việc hằng ngày rất lớn, song UBND quận Hai Bà Trưng đã nhanh chóng phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết của UBTV Quốc hội; bố trí đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) và tổ dân phố tại các ĐVHC mới thành lập đúng quy định, đảm bảo thống nhất, tạo mọi thuận lợi để các phường mới hoạt động ổn định. Cụ thể, căn cứ các tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số, phường Ngô Thì Nhậm được sáp nhập vào phường Phạm Đình Hổ, phường Bùi Thị Xuân sáp nhập vào phường Nguyễn Du, thành 2 ĐVHC mới lấy tên gọi phường Phạm Đình Hổ và phường Nguyễn Du. “Kết quả rõ nét nhất là đã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi ngân sách, giúp quận và các phường có nhiều điều kiện lựa chọn đội ngũ CBCC đủ năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng và hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương…” - Trưởng Phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng nhận định.
Theo Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung, dù gặp nhiều khó khăn ban đầu song toàn hệ thống chính trị từ quận đến tận tổ dân phố đã rất nỗ lực, từ sau sắp xếp (ngày 1/3/2020) đến nay, tình hình 2 phường mới rất ổn định, hệ thống chính trị không còn xáo trộn và nhất là không có mất đoàn kết nội bộ đội ngũ CBCC, đảng viên, không có đơn thư kể cả nội bộ Nhân dân. “Khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết này dù có rất nhiều tâm tư của CBCC, đảng viên và Nhân dân, nhưng chúng tôi xác định phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nên đã cố gắng giải quyết tốt nhất chế độ chính sách, đặc biệt với đội ngũ cán bộ dôi dư thì ngoài chế độ theo quy định, quận còn thực hiện những chế độ đặc thù…Quận cũng phối hợp tích cực các sở ngành giải quyết tốt TTHC cho người dân, nhất là liên quan giấy tờ về đất đai” - ông Nguyễn Quang Trung khẳng định.
Công chức bộ phận ''một cửa'' phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) tiếp nhận giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân 
Còn tại huyện Phúc Thọ, căn cứ các tiêu chí và tình hình thực tế địa phương, UBND huyện đã tiến hành sáp nhập 4 ĐVHC cấp xã gồm: Phương Độ sáp nhập với Sen Chiểu để thành lập xã Sen Phương, Cẩm Đình sáp nhập với Xuân Phú để thành lập xã Xuân Đình. Song song với thành lập xã là thành lập Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội tương ứng. Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của TP, trong đó tổng số đầu mối cơ quan, tổ chức, đơn vị giảm được sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC là 22 (trước sáp nhập có 48 cơ quan, đơn vị); tổng số biên chế giảm được sau khi thực hiện sắp xếp là 34 người. Thực tế cho thấy, huyện đã thực hiện sắp xếp các xã một cách bài bản, khoa học, tạo được đồng thuận trong Nhân dân, thực sự gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Từ đó, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn được nâng cao, đầu mối các cơ quan đơn vị giảm đi nên cũng tạo thuận tiện cho công tác chỉ đạo của huyện đến cơ sở đảmbảo kịp thời, thông suốt.

Tương tự đối với huyện Phú Xuyên, việc sáp nhập Thụy Phú với Văn Nhân thành một xã lấy tên Nam Tiến cho thấy đã tạo thuận lợi trong công tác quản lý và phát triển KT-XH. Tên gọi của ĐVHC hình thành sau sắp xếp là tên gọi cũ trước đây của 2 xã nên nhận được đồng thuận của đa số người dân. Đến nay, tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp trong hệ thống chính trị sau sắp xếp đã ổn định, hợp lý; sau sáp nhập giảm được 11 đầu mối, giảm 18 CBCC và 10 cán bộ không chuyên trách cấp xã. Huyện đã hỗ trợ kinh phí cho các CBCCVC và người hoạt động không chuyên trách dôi dư theo Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND của HĐND TP với tổng số tiền 187.948.600 đồng. Việc tinh giản đội ngũ CBCCVC và người hoạt động không chuyên trách xã cũng giúp giảm chi ngân sách hằng năm, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH tại địa phương (năm 2020 giảm chi 750 triệu đồng, năm 2021 giảm chi 970 triệu đồng).

Mong quan tâm hơn tới đội ngũ cán bộ cơ sở

Mặc dù đã đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, song công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã tại các địa phương thí điểm ở Hà Nội đã gặp một số bất cập mà theo các cán bộ thực thi, cần sớm được tháo gỡ mới góp phần tạo nên hiệu quả thực tế trong công tác này thời gian tiếp theo.
Cụ thể, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Phú Xuyên Lại Đỗ Quyên chia sẻ, việc sáp nhập ĐVHC cấp xã tại huyện Phú Xuyên là việc làm mới, nên trong quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít trở ngại. Đó là sau sáp nhập, quy mô diện tích và dân số tăng, trong khi địa bàn rộng, số CBCC cấp xã bị cắt giảm theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP (mỗi đơn vị 2 người), Đề án Công an chính quy về xã (1 đơn vị giảm 1 người), Đề án 21 của Thành ủy về sắp xếp người hoạt động không chuyên trách và diễn ra tại cùng thời điểm, thời gian ngắn, không có lộ trình cắt giảm, cơ sở vật chất các xã sau sáp nhập chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, chế độ chính sách và phụ cấp khu vực đối với CBCCVC… "Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của UBTV Quốc hội trên địa bàn, chúng tôi mong UBND TP giao thêm 1 biên chế công chức đối với xã Nam Tiến trong năm 2022 và hỗ trợ kinh phí nâng cấp trụ sở làm việc của xã (bộ phận một cửa, phòng tiếp công dân, phòng làm việc…) cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, sinh hoạt của Nhân dân" - bà Lại Đỗ Quyên đề nghị.
Còn tại quận Hai Bà Trưng, từ thực tế hoạt động của phường mới sau sáp nhập với khối lượng công việc của đội ngũ CBCC cũng như cán bộ cơ sở tăng lên rất nhiều, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Dương Minh Đức kiến nghị: Bên cạnh chế độ cho các trường hợp CBCC nghỉ trước sau khi sắp xếp thì trong lộ trình tiếp tục sắp xếp các ĐVHC cấp xã cũng cần quan tâm thêm chế độ phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách và cán bộ cơ sở. Như vậy mới tạo điều kiện cho cấp phường có thêm lực lượng cán bộ, nhất là trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay có áp lực công việc rất lớn, việc nào cũng đến tay các bác cán bộ cơ sở. Tương tự, tại phường Phạm Đình Hổ, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Minh Hương phản ánh, khi sáp nhập địa giới hành chính 2 phường phát sinh thực tế là nhà và con người thuộc phường Nguyễn Du nhưng phía bên ngoài về công tác trật tự đô thị lại thuộc phường Phạm Đình Hổ, nên cơ sở rất mong được quan tâm tạo thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ quản lý đô thị sao cho gọn, mới hiệu quả hơn. Ngoài ra có một khó khăn nữa là về nhà sinh hoạt cộng đồng, bà Nguyễn Minh Hương cho hay sau khi sáp nhập 2 phường vào 1 thì phường mới có thêm một số nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng nhìn chung đều nhỏ, không đủ sức chứa cho nhiều người dân, nên mong được quan tâm hơn về vấn đề này.
Hơn nữa, lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng cũng đề nghị các cấp ngành tháo gỡ một số vướng mắc sau quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC, trong đó sớm có quy định liên quan hợp đồng lao động cho những người là bảo vệ, lao công, vận hành tòa nhà… tại các phường.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khẳng định, từ thực tế phản ánh của các địa phương đã thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tại Hà Nội, Đoàn ĐB Quốc hội TP sẽ đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và TP Hà Nội trong công tác sắp xếp ĐVHC; đồng thời kiến nghị hoàn thiện các văn bản QPPL có liên quan và quy trình, cách thức thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022-2030. Các quận, huyện cần rà soát, tiếp tục quan tâm đến tâm tư cán bộ, đảng viên và người dân sau khi sắp xếp ĐVHC để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, tránh tạo thành điểm nóng.