Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tạo sức bật mới cho Thủ đô

Linh Nguyễn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trước những vấn đề dư luận và người dân đang rất quan tâm liên quan công tác sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của TP Hà Nội, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Cảnh - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội.

Hiện nay, nhiều xã, phường, thị trấn tại 20 quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội đang tiến hành niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo đúng chỉ đạo của Trung ương, TP.

Trước những vấn đề dư luận và người dân đang rất quan tâm liên quan công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã của Hà Nội, chiều nay, 4/3, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Cảnh - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội.

Tiến hành các bước khẩn trương, khoa học

Thưa ông, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và sẽ thực hiện các bước công việc cụ thể ra sao?

- Sau khi có Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 117/NQ-CP, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo Ban Thường vụ, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát những phương án, tiêu chí để tiến hành đề xuất phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Theo tiêu chí về diện tích và dân số, TP Hà Nội có 173 xã, phường, thị trấn và 1 ĐVHC cấp quận (quận Hoàn Kiếm) thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn này. Đặc biệt, với Hà Nội còn dựa vào các tiêu chí của chính quyền đô thị, yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa, trình độ phát triển kinh tế, dân số, tốc độ phát triển đô thị..., nên UBND các quận, huyện, thị xã phải rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, từ đó 26/26 quận, huyện, thị xã có địa giới hành chính thuộc diện sắp xếp đã xây dựng phương án cụ thể, trình UBND TP.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh

Sau khi các quận, huyện, thị xã hoàn thành phương án và báo cáo Ban chỉ đạo của UBND TP, Sở Nội vụ Hà Nội đã tham mưu trực tiếp cho Ban Cán sự UBND TP rà soát phương án, tiến hành xem xét phương án do các đơn vị đề xuất. Trong đó có 5 quận, huyện khi xây dựng phương án chưa bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn và chưa phù hợp tình hình thực tiễn, nên Ban chỉ đạo đã thành lập tổ công tác trực tiếp làm việc với Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy để thống nhất điều chỉnh, thay đổi phương án sắp xếp.

Ngày 15/11/2023, UBND TP đã ký ban hành Phương án số 01/PA-UBND “Tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP Hà Nội”, trình Ban chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Với Phương án này, dự kiến tác động đến 156 xã, phường, thị trấn thuộc 20 quận, huyện, thị xã; giảm khoảng 70 ĐVHC xã, phường, thị trấn.

Ngày 21/12/2023, Bộ Nội vụ đã có văn bản cơ bản thống nhất với phương án do Ban chỉ đạo TP Hà Nội trình, có điều chỉnh, bổ sung một số điểm. Bộ này cũng yêu cầu đến ngày 31/5/2024, TP Hà Nội phải hoàn thành Đề án, báo cáo Bộ Nội vụ, báo cáo UBTV Quốc hội và Chính phủ thông qua, hoàn thành thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập các ĐVHC này trong quý 3/2024.

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định 66 của Chính phủ quy định về lấy ý kiến cử tri trong việc sắp xếp các ĐVHC; căn cứ ý kiến của Bộ Nội vụ về Phương án sắp xếp ĐVHC của TP Hà Nội, Sở Nội vụ đã hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri (thời gian tối thiểu 30 ngày) để lấy ý kiến đối với những xã, phường, thị trấn dự kiến sáp nhập, sắp xếp. Cùng đó, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xây dựng hồ sơ, đề án sắp xếp các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp. Sở Nội vụ cũng chủ trì việc tổ chức đấu thầu, mời đơn vị có tư cách pháp nhân, có năng lực để lập hồ sơ cho các đơn vị và TP. Đề án và việc lấy ý kiến cử tri phải được hoàn thành trước ngày 5/4/2024.

Người dân xem danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính phường giai đoan 2023-2025 tại phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) 
Người dân xem danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính phường giai đoan 2023-2025 tại phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) 

Song song với việc đó, sau khi các địa phương đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri, Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã sẽ họp thông qua Nghị quyết tán thành về chủ trương thành lập ĐVHC mới, trình Ban chấp hành Đảng bộ và HĐND cấp xã thông qua. Sau đó, UBND xã sẽ trình lên cấp huyện, thời gian hoàn thành trước 10/4/2024.  

Từ ngày 25/2/2024 các xã phường thị trấn thuộc diện dự kiến sắp xếp ĐVHC bắt đầu niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp, ông có đánh giá thế nào về việc thực hiện này trong những ngày qua?

- Sau khi có hướng dẫn của Sở Nội vụ, các quận, huyện, thị xã đã triển khai rà soát rất nghiêm túc và niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, điểm sinh hoạt của cộng đồng dân cư theo đúng quy định tại Nghị định 66. Nắm bắt sát sao tình hình cử tri, Nhân dân trên địa bàn, các xã phường thị trấn đều kịp thời có báo cáo, từ đó, nếu có vấn đề gì đáng quan tâm thì các quận, huyện, thị xã đều có trao đổi để Sở Nội vụ kịp thời hướng dẫn.

Đáng chú ý, nếu trước đây việc lập danh sách cử tri lấy ý kiến về sắp xếp ĐVHC chỉ hướng tới những người dân nơi cư trú thì nay theo Nghị định 66 sẽ lấy ý kiến thêm đối với những người có đăng ký tạm trú từ 6 tháng trở lên. Qua danh sách cử tri được niêm yết trong vòng 30 ngày, người dân kiểm tra thông tin nếu phát hiện sai sót thì phản ánh ngay, từ đó cán bộ thôn, tổ dân phố sẽ báo cáo UBND xã, phường để chỉnh sửa hoặc bổ sung thông tin cử tri chính xác, kịp thời.

Sau ngày 25/3 đủ 30 ngày niêm yết danh sách, dự kiến từ 27/3 - 5/4, toàn bộ xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp ĐVHC sẽ hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri.

Hỗ trợ tối đa cho cán bộ công chức, người dân

Một vấn đề luôn được quan tâm nhất trong việc sắp xếp ĐVHC là công tác cán bộ. Xin ông chia sẻ về định hướng của TP Hà Nội đối với công tác này khi tiến hành sắp xếp các ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025?

- Đối với công tác cán bộ do sắp xếp ĐVHC cấp xã, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 đã nêu rõ: Khi nhập hai bộ máy, ngoài những cán bộ công chức chuyển công tác hoặc xin nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân thì cần sắp xếp, còn lại sẽ nhập nguyên trạng số lượng cán bộ công chức của hai bên và sẽ giải quyết từng bước theo lộ trình sau 5 năm (từ khi quyết định hợp nhất có hiệu lực).

Trong đó, với những vị trí cán bộ chuyên trách của các đơn vị cấp xã phải sắp xếp ĐVHC (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UB MTTQ, trưởng của 5 đoàn thể…), TP sẽ có phương án và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiến hành sắp xếp bảo đảm phù hợp. Với các chức danh cấp phó và công chức của 2 đơn vị sáp nhập thì được giữ nguyên, nên những vị trí công việc mà họ đang đảm nhiệm sẽ được tiếp tục, không có gì thay đổi. Do đó, có thể thấy Hà Nội không có gì đáng lo ngại về việc cán bộ công chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chủ trương của TP Hà Nội là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính
Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chủ trương của TP Hà Nội là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính

Thực hiện vai trò của mình, Sở Nội vụ Hà Nội đã chủ động hướng dẫn các quận, huyện, thị xã sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, trong đó lưu ý tuyển dụng, bổ nhiệm công chức cấp xã đến công tác tại các cơ quan cấp huyện còn thiếu; điều chuyển cán bộ công chức ở đơn vị này sang đơn vị khác không chịu tác động của việc sắp xếp; giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư gần đến tuổi nghỉ hưu có nguyện vọng nghỉ trước tuổi… HĐND TP cũng đã ban hành nghị quyết về chế độ, chính sách hỗ trợ với cán bộ dôi dư sau sắp xếp.

Song song với công tác cán bộ, một vấn đề người dân đang băn khoăn là việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), xin ông cho biết TP Hà Nội có phương án ra sao để hỗ trợ Nhân dân tại những địa bàn bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp ĐVHC cấp xã?

- Việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ TTHC do sắp xếp ĐVHC cấp xã đã được TP chỉ đạo Công an TP thực hiện cho người dân theo cơ chế TP hỗ trợ toàn bộ. Người dân làm các loại giấy tờ như căn cước công dân, hộ khẩu hay các giấy tờ liên quan theo quy định phải mất phí thì sẽ được miễn phí hoàn toàn và trả kết quả nhanh gọn nhất có thể. Chủ trương của TP là hỗ trợ tối đa cho công dân khi thay đổi giấy tờ tùy thân, giải quyết các hồ sơ TTHC liên quan do thay đổi tên gọi địa giới hành chính. TP sẽ có chỉ đạo cụ thể nội dung này trong thời gian tới…

Thực tế trước đây trong giai đoạn 1 về sắp xếp ĐVHC cấp xã của Hà Nội, tại một số quận huyện đã hỗ trợ người dân theo hướng Công an TP đến tận địa bàn thôn, tổ dân phố để làm TTHC cho người dân. Từ kinh nghiệm đó, trong lần sắp xếp này, đối với toàn bộ giấy tờ TTHC để thay đổi địa danh, tên gọi của ĐVHC, Ban chỉ đạo TP đã có chỉ đạo Công an TP và các cơ quan chuyên môn thành lập các tổ công tác trực tiếp đến địa bàn thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn, tránh phiền hà.   

“Việc tổ chức thực hiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của TP Hà Nội đã được Ban chỉ đạo, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo rất cụ thể sâu sát, rõ lộ trình, tiến độ, nội dung và triển khai đồng bộ trên địa bàn. Quá trình triển khai tổ chức thực hiện, TP sẽ chỉ đạo sát sao Ban thường vụ các quận, huyện, thị ủy và UBND quận, huyện, thị xã thực hiện công khai, dân chủ, tạo được sự thống nhất, đồng thuận của Nhân dân, nhất là phương án sắp xếp tên gọi của ĐVHC mới, sắp xếp bố trí cán bộ công chức để đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 117/NQ-CP; sau sắp xếp tạo bước phát triển, sức bật mới cho các địa phương nói riêng và Thủ đô nói chung.

Vừa qua, có một số cơ quan báo chí thông tin về công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của Hà Nội chưa đầy đủ, toàn diện, nên có sự hiểu lầm, tạo tâm lý và dư luận không tốt trong cán bộ cơ sở và Nhân dân. Về vấn đề này, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ tham mưu UBND TP và Ban chỉ đạo TP đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ, toàn diện và kịp thời hơn để cán bộ cơ sở và người dân hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu, tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong tổ chức thực hiện”- Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh.