Đại biểu Quốc hội:

Sắp xếp hợp lý quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội cho biết, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học hiện nay vẫn còn tình trạng trên cùng một địa bàn có nhiều trường cao đẳng, trung cấp cả trực thuộc bộ, ngành và cả địa phương có cùng chức năng ngành nghề đào tạo thường xuyên tuyển sinh...

Chiều 2/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về “Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020” và “Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021”.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn tỉnh Yên Bái) kiến nghị rà soát tổng thể quy hoạch và sắp xếp hợp lý quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn tỉnh Yên Bái) kiến nghị rà soát tổng thể quy hoạch và sắp xếp hợp lý quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục

Phát biểu về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực sự nghiệp công, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn tỉnh Yên Bái) cho biết, thời gian qua, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được triển khai quyết liệt, đã giảm mạnh một số đầu mối thông qua việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể các đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ trên cùng địa bàn hoặc hoạt động không hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế. Sau khi sắp xếp, các đơn vị được tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn, năng lực tự chủ, khả năng cung ứng dịch vụ công được cải thiện, đặc biệt là đã tiết kiệm được đáng kể nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Tuy nhiên, việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực ở Trung ương và địa phương. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn quy định về điều kiện, tiêu chí sắp xếp chưa đầy đủ, thiếu tính đồng nhất, đơn cử. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học hiện nay vẫn còn tình trạng trên cùng một địa bàn có nhiều trường cao đẳng, trung cấp cả trực thuộc bộ, ngành và cả địa phương có cùng chức năng ngành nghề đào tạo thường xuyên tuyển sinh cả học sinh và sinh viên.

Do đó, đại biểu đề nghị cần sớm tổng kết, đánh giá kết quả sắp xếp đơn vị sự nghiệp công; nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công theo từng ngành, lĩnh vực để các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể quy hoạch và sắp xếp hợp lý quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Về cơ chế đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu chỉ rõ việc ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, khung giá và giá các loại dịch vụ công còn chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến các địa phương không thể thực hiện đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công có sử dụng ngân sách nhà nước ở nhiều lĩnh vực.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm rà soát, xây dựng và ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, khung giá và các loại giá dịch vụ sự nghiệp công có sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Về hoàn thiện thể chế liên doanh, liên kết trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công, đại biểu, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm rà soát, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thể chế về liên doanh, liên kết trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục để các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện góp phần nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ, tránh lãng phí cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp sai phạm có thể xảy ra như thời gian vừa qua.

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) kiến nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp để đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào giảng dạy hoặc tích hợp vào tiết học một cách phù hợp trong các hoạt động trải nghiệm, chương trình ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.

“Nội dung này cũng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho các đối tượng là các em học sinh, sinh viên và giải pháp này thì có thể góp phần xây dựng được văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội trong tương lai” - đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh.

Đối với một số bất cập, vi phạm trong đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng vụ việc Việt Á không chỉ làm thất thoát, lãng phí tài sản công, mà còn làm lãng phí niềm tin của Nhân dân. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan để vừa bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm chung.