Sắp xếp lại địa giới, cơ hội để phường Yên Sở phát triển kinh tế - xã hội
Kinhtedothi - “Việc thành lập phường Yên Sở trên cơ sở sáp nhập các phần diện tích và dân cư từ 6 đơn vị hành chính: Yên Sở, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Trần Phú (quận Hoàng Mai), và xã Tứ Hiệp, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) là cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội nơi đây” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Yên Sở Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.
Với diện tích tự nhiên 5,62km² và dân số khoảng 40.948 người, phường Yên Sở mới nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, giáp ranh với nhiều phường và xã trọng yếu như Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Thanh Trì…
Yên Sở là địa phương có truyền thống phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như in ấn, cơ khí, sản xuất gia dụng quy mô nhỏ, đặc biệt là dịch vụ kho bãi và logistics nhờ lợi thế về giao thông.

Phường Yên Sở có diện tích tự nhiên 5,62km² và dân số khoảng 40.948 người.
Tầm nhìn chiến lược
Trong phiên họp Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ phường Yên Sở lần thứ nhất, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nguyễn Minh Tâm đã khẳng định: "Xuất phát điểm của phường còn rất nhiều khó khăn, nhưng Yên Sở là vùng đất tiềm năng chưa được khai phá, chúng ta sẽ bắt tay xây dựng, phường sẽ xác định phát triển theo mô hình kinh tế dịch vụ gắn với không gian đô thị bền vững"".
Theo TS Nguyễn Thị Thanh Tâm - Viện Lãnh đạo học và Hành chính công, chắc chắn để phát triển bài bản, đồng bộ, đúng với định hướng chung của Thủ đô, sau khi ổn định tổ chức, phường Yên Sở phải bắt tay vào làm lại quy hoạch. Về kinh tế, phường Yên Sở hoàn toàn có lợi thế phát triển mô hình kinh tế đêm, tương lai gần sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại gần ga đường sắt; khuyến khích sử dụng không gian ngầm sáng tạo (dịch vụ, nghiên cứu, giao thông cá nhân…).
Nếu làm tốt liên kết vùng, kinh tế thương mại - dịch vụ, phường Yên Sở sẽ phát triển mạnh mẽ với sự hình thành của các trung tâm mua sắm, hệ thống cửa hàng, khu vui chơi giải trí. Đồng thời, lĩnh vực bất động sản tại Yên Sở tăng trưởng nhanh với các khu đô thị nổi bật như Gamuda Gardens, Gelexia Riverside, Dandelion Residence… Những dự án này không chỉ cải thiện diện mạo đô thị mà còn thúc đẩy thương mại, giáo dục, y tế.
Về hạ tầng - đô thị, phường cần nghiên cứu kỹ định hướng của Thành phố phát triển hệ thống đường sắt đô thị (tuyến số 01, tuyến số 08) gắn với chỉnh trang khu dân cư theo mô hình TOD. Từ định hướng này, Yên Sở hoàn toàn có thể tổ chức hành lang xanh liên kết giữa công viên Yên Sở và các tuyến sông lớn như sông Tô Lịch, Kim Ngưu… Địa phương sẽ phát triển đô thị xanh bằng cách xây dựng thêm công viên, vườn hoa công cộng, sử dụng công nghệ xanh trong quản lý, chỉnh trang lại Khu đô thị Pháp Vân đang có dấu hiệu xuống cấp sau 20 năm sử dụng.

Công viên Yên Sở Ảnh: B.V
Cần có bản thiết kế quy hoạch vùng
Một trong những đặc điểm riêng là phường Yên Sở có diện tích mặt nước khá lớn. Để phát triển kinh tế cần tận dụng hiệu quả nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; kiểm soát chất lượng mặt nước ao hồ để phát triển du lịch; quy hoạch không gian ngầm cho trạm tập kết rác hiện đại, bảo đảm vệ sinh và mỹ quan đô thị.
Di tích văn hóa - tín ngưỡng truyền thống vẫn được gìn giữ như chùa Yên Sở, đình Sở Thượng,… Hàng năm, người dân tổ chức các lễ hội độc đáo như lễ hội bơi chải làng Yên Duyên (13 - 15/8 âm lịch), lễ hội rằm tháng 2 với các trò chơi dân gian, thể hiện tinh thần vượt khó và sự gắn bó cộng đồng. Nếu biết khai thác, Yên Sở hoàn toàn có thể phát triển du lịch tâm linh, du lịch lễ hội.
Một trong những điểm thuận lợi là cơ cấu dân cư của phường Yên Sở trẻ, có trình độ, sự pha trộn giữa cư dân lâu đời và người dân mới đến từ các khu đô thị hiện đại. Điều này tạo nên một cộng đồng đa dạng về nghề nghiệp, học vấn, văn hóa. Cư dân mới Yên Sở phần lớn là trí thức, chuyên gia, kỹ thuật viên… góp phần nâng cao chất lượng nhân lực và hình thành nếp sống đô thị hiện đại.
Đặc biệt, với việc Thường trực Đảng ủy phường Yên Sở là những người từng quản lý, điều hành công tác chuyên môn liên quan đến đô thị - quy hoạch thì người dân Yên Sở có thể kỳ vọng về một bản thiết kế quy hoạch phù hợp với đặc điểm lịch sử, địa lý vùng.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Chủ nhiệm khoa Kinh tế - Vận tải (Đại học GTVT) cho biết: Yên Sở muốn phát triển, bản thiết kế quy hoạch vùng rất quan trọng, nó đóng vai trò như “bản đồ chiến lược” cho sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và hạ tầng của một khu vực rộng lớn. Đây không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn là nền tảng pháp lý, định hướng chính sách và kết nối liên vùng”.
Theo định hướng của BCH Đảng bộ phường Yên Sở, địa phương sẽ từng bước khẳng định vị trí của mình như một “đô thị trong lòng đô thị” - nơi hội tụ của giá trị lịch sử, cộng đồng đa dạng, cơ sở hạ tầng hiện đại và định hướng phát triển bền vững. Nếu được đầu tư đúng mức, Yên Sở hứa hẹn trở thành trung tâm đô thị kiểu mẫu phía Nam Thủ đô.

HĐND phường Yên Sở tổ chức kỳ họp đầu, thông qua nhiều quyết sách quan trọng
Kinhtedothi - Ngày 1/7, HĐND phường Yên Sở lâm thời khóa I, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ nhất để Công bố các Quyết định của Thường trực HĐND TP Hà Nội về nhân sự và thông qua các nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Trao quyết định nhân sự 4 phường Hoàng Mai, Yên Sở, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam
Kinhtedothi - Chiều 30/6, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà dự lễ công bố và trao các quyết định về nhân sự tại 4 phường Hoàng Mai, Yên Sở, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam.

Quận Hoàng Mai sẽ tiếp nhận khoảng 100 cán bộ từ nơi khác
Kinhtedothi - Hiện quận đã bố trí hơn 400 cán bộ, nhân viên đến công tác tại 7 phường, ngoài 7 cán bộ khung được Thành phố chỉ định (trong đó có 2 bí thư Đảng ủy phường), quận Hoàng Mai còn đề nghị Thành phố bổ sung trên 90 lao động nữa mới đủ định biên được duyệt.