Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sát rằm tháng 7, thị trường vàng mã ế ẩm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chỉ còn vài ngày nữa là đến Rằm tháng 7, thế nhưng nhiều cửa hàng tại “thủ phủ” kinh doanh vàng mã, đồ thờ cúng trên phố Hàng Mã, Hàng Lược (Hoàn Kiếm) vẫn ế ẩm, thưa thớt người mua bởi tâm lý mua sắm đã phần nào thay đổi.

Đa dạng sản phẩm

Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm)- nơi tập trung nhiều hộ kinh doanh đồ vàng mã cho thấy các mặt hàng phục vụ Rằm tháng 7 rất đa dạng về cả mẫu mã và giá cả, có sản phẩm từ vài nghìn đồng cho đến vài triệu đồng.

Cụ thể, nhiều bộ quần áo dành cho người lớn với kiểu dáng mới, đủ màu sắn được bán với giá khoảng 100.000 -200.000 đồng/bộ, riêng quần áo trẻ em 100.000 -120.000 đồng/bộ.
Các mặt hàng đồ gia dụng như ấm chén, bát đũa có giá 150.000 đồng/bộ, túi xách các nhãn hiệu nổi tiếng dao động từ 70.000-90.000 đồng/túi, giày dép từ 40.000-50.000 đồng/đôi. Tiền vàng mã có giá từ vài chục nghìn đến 100.000 đồng/bộ tùy loại.

Người tiêu dùng mua hàng mã phục vụ Rằm tháng 7 trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng mã phục vụ Rằm tháng 7 trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam

Thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trong những ngày này là những chiếc xe ô tô, xe máy, biệt thự được làm cầu kỳ... được làm cầu kỳ có giá từ khoảng 150.000 - 300.000 đồng/sản phẩm. Chị Như Lan, tiểu thương kinh doanh đồ vàng mã trên phố Hàng Mã cho biết, sản phẩm thường được khách lựa chọn mua trong dịp Rằm tháng 7 là bộ ông bà tiền chủ, quan thần linh và quần áo cho gia tiên. Giá những mặt hàng này thường chia thành hai loại, hàng trung bình khoảng 30.000 đồng/bộ, hàng cao cấp khoảng 80.000 đồng/bộ. “Năm nay, có nhiều mẫu thiết kế mới, hình thức rất đẹp, màu sắc bắt mắt, tuy nhiên giá bán chỉ tương đương năm trước”- chị Lan thông tin.

Những ngày này, mặt hàng vàng mã không chỉ được các tiểu thương kinh doanh mà trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Lazada… cũng bầy bán theo set đồ lễ, với giá từ 300.000 - 320.000 đồng/set. Ngoài ra, trên các mạng xã hội như Zalo, facebook đồ cúng Rằm tháng 7 cũng được rao với giá rẻ hơn sàn thương mại điện tử. 

Người kinh doanh hàng mã trên phố Hàng Mã vận chuyển hàng tới người mua. Ảnh: Hoài Nam
Người kinh doanh hàng mã trên phố Hàng Mã vận chuyển hàng tới người mua. Ảnh: Hoài Nam

Nhóm “bán buôn vàng mã Việt Nam” trên Facebook quảng cáo, khách hàng chỉ cần từ 150.000 - 300.000 đồng là có thể đặt được những sản phẩm vàng mã như bộ quần áo, tiền vàng, hương nến...người mua sẽ nhận được hàng ngay trong ngày.

Sức mua trầm lắng

Khác mọi năm, dù bày biện phong phú các chủng loại hàng song hoạt động kinh doanh tại các tuyến phố chuyên bán đồ vàng mã năm nay lại khá đìu hiu dù đã cận kề ngày Rằm. Nhiều tiểu thương trên phố Hàng Mã phản ánh, những năm trước từ đầu tháng 7 âm lịch, người dân đã mua sắm đồ vàng mã, thế nhưng năm nay sức mua mặt hàng này chỉ bằng 40 - 50% so với năm ngoái.

Lý giải nguyên nhân lượng khách giảm sút, bà Minh Lý kinh doanh vàng mã tại số 2 Hàng Mã cho hay, một phần là người dân ít đốt, một phần là tại nhiều chùa bây giờ không cho hóa vàng nữa nên ít người mua. Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, việc hạn chế đốt vàng mã đã được các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội kêu gọi trong nhân dân nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phòng tránh hỏa hoạn. Do đó, đã có nhiều gia đình không còn duy trì tục đốt vàng mã trong các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh.

Vắng vẻ người mua hàng mã cúng Rằm tháng 7. Ảnh: Hoài Nam
Vắng vẻ người mua hàng mã cúng Rằm tháng 7. Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Kim Thư ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng ( Đống Đa) cho sẻ, năm nay gia đình chị cũng chỉ mua một ít đồ vàng mã như tiền, vàng và quần áo đốt cho ông bà, người thân đã khuất thôi, chứ chị không quan niệm cứ phải mua thật nhiều, đốt thật nhiều thì mới là có lòng biết ơn tổ tiên, ông bà. Giá trị quy bằng tiền của số vàng mã đốt đi đó có thể mua được nhiều những bộ quần áo thật để giúp những người nghèo, những trẻ em không nơi nương tựa”.

Bàn luận về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến nêu rõ, các nghi lễ có sử dụng vàng mã trong đời sống tín ngưỡng là một phong tục truyền thống hàm chứa một số ý nghĩa tốt đẹp. Tuy nhiên, đốt vàng mã gây ra sự lãng phí công sức, tiền của và đốt quá nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể đây còn là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ hỏa hoạn tại khu dân cư và di tích.

Người tiêu dùng mua hàng mã phục vụ Rằm tháng 7 trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng mã phục vụ Rằm tháng 7 trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam

Nhằm hạn chế tình trạng cháy nổ trong Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” cũng nêu: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa”.

Do đó, ông Tiến kiến nghị cơ quan quản lý văn hóa và các tổ chức xã hội như Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ cần tuyên truyền và khuyến khích người đi lễ chùa thay vì bỏ tiền mua sắm vàng mã để đốt, nên chuyển sang hình thức đóng góp vào quỹ từ thiện, phúc lợi xã hội của nhà đền, chùa nhằm thể hiện niềm tin tâm linh theo cách khác có ích hơn.

“Ngoài ra, có thể xem xét việc đánh thuế sản xuất, kinh doanh vàng mã như một loại hàng hóa đặc biệt, qua đó nâng cao giá trị vàng mã, khiến cho người sử dụng thấy quý trọng và chỉ đốt một phần nào mang tính tượng trưng”, ông Tiến đề xuất.