Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sát Rằm tháng 7, “thủ phủ” vàng mã vẫn ế khách

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chỉ còn vài ngày nữa là đến Rằm tháng 7, thế nhưng nhiều cửa hàng tại “thủ phủ” kinh doanh vàng mã, đồ thờ cúng trên phố Hàng Mã, Hàng Lược (Hoàn Kiếm) vẫn ế ẩm, thưa thớt người mua.

Đa dạng sản phẩm từ bình dân tới cao cấp

Theo quan niệm dân gian, Rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân và cũng là ngày lễ Vu lan báo hiếu, để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, nguồn cội, con cháu mua đồ vàng mã về hóa cho ông bà, tổ tiên tưởng nhớ, tri ân các đấng sinh thành. Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm)- nơi tập trung nhiều hộ kinh doanh đồ vàng mã cho thấy các mặt hàng phục vụ Rằm tháng 7 rất đa dạng về cả mẫu mã và giá cả, có sản phẩm từ vài nghìn đồng cho đến vài triệu đồng.

Người tiêu dùng mua đồ vàng mã cúng Rằm tháng 7 tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua đồ vàng mã cúng Rằm tháng 7 tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam

Năm nay, giá một bộ quần áo kiểu dáng mới, cao cấp khoảng 200.000-250.000 đồng/bộ với đồ người lớn, 100.000- 120.000 đồng/bộ với đồ trẻ em. Các mặt hàng đồ gia dụng như ấm chén, bát đũa có giá 150.000 đồng/bộ, túi xách hãng hiệu nổi tiếng dao động từ 70.000 -90.000 đồng/túi, giày dép từ 40.000 -50.000 đồng/đôi.

Tiền vàng mã có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/10 đinh. Bên cạnh đó, còn có các loại ôtô, xe máy, biệt thự...có giá từ khoảng 150.000 - 300.000 đồng/sản phẩm.

Chị Như Lan, tiểu thương kinh doanh đồ vàng mã trên phố Hàng Mã cho biết, sản phẩm thường được khách lựa chọn mua trong dịp Rằm tháng 7 là bộ ông bà tiền chủ, quan thần linh và quần áo cho gia tiên. Giá những mặt hàng này thường chia thành hai loại, hàng trung bình khoảng 30.000 đồng/bộ, hàng cao cấp khoảng 80.000 đồng/bộ. “Năm nay, có nhiều mẫu thiết kế mới, hình thức rất đẹp, màu sắc bắt mắt, tuy nhiên giá bán chỉ tương đương năm trước”- chị Lan thông tin.

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu mua sắm thông qua hình thức online tăng cao nên những ngày này sản phẩm vàng mã cúng Rằm tháng 7 còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử. Trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Lazada… nhiều gian hàng bán sản phẩm vàng mã cúng Rằm tháng 7 theo set đồ lễ, với giá từ 300.000 - 320.000 đồng/set.

Người tiêu dùng mua đồ vàng mã cúng Rắm tháng 7 tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua đồ vàng mã cúng Rắm tháng 7 tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam

Ngoài ra, trên các mạng xã hội như Zalo, facebook đồ cúng Rằm cũng được rao với giá rẻ hơn sàn thương mại điện tử.  Nhóm “Bán buôn vàng mã Việt Nam” trên Facebook quảng cáo, khách hàng chỉ cần từ 150.000 - 300.000 đồng là có thể đặt được những sản phẩm vàng mã như bộ quần áo, tiền vàng, hương nến... người mua sẽ nhận được hàng ngay trong ngày. "Việc mua bán này khá tiện lợi bởi tiết kiệm thời gian, công sức người mua, các mặt hàng vàng mã cũng khá đa đạng như bộ đồ quần áo giấy, dao động từ 30.000-50.000 đồng/bộ, bộ đồ phụ kiện như đồng hồ, vòng vàng, iphone, ipad… có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/bộ"- chị Nguyễn Đỗ Tâm ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) cho biết.

Sức mua giảm sút

Khác mọi năm, dù bày biện phong phú các chủng loại hàng song hoạt động kinh doanh tại các tuyến phố chuyên bán đồ vàng mã năm nay lại khá đìu hiu dù đã cận kề ngày Rằm.

Các cửa hàng kinh doanh đồ vàng mã trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm) vắng khách mua. Ảnh: Hoài Nam
Các cửa hàng kinh doanh đồ vàng mã trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm) vắng khách mua. Ảnh: Hoài Nam

Nhiều tiểu thương kinh doanh vàng cho biết, những năm trước, ngay từ đầu tháng 7, người dân đã lên phố mua sắm đồ vàng mã tấp nập nhưng năm nay thì không có gì thay đổi so với các tháng khác. Tính đến thời điểm hiện tại, vàng mã bán rất chậm, chỉ bằng 40 - 50% so với năm ngoái.

Theo chị Nguyễn Thị Hoài, chủ kinh doanh đồ hàng mã trên phố Hàng Lược (Hoàn Kiếm), năm nay, các mẫu mã đa dạng hơn nhưng việc buôn bán vẫn ế ẩm. “Mấy năm trước dịch Covid-19, tầm này ở đây đông khách mua lắm, nhưng giờ hơi vắng khách. Không biết đến ngày rằm thì có đông khách mua hơn không, nếu vẫn vắng như hiện nay thì sẽ lỗ vốn mất”- chị Hoài lo lắng.

Các cửa hàng kinh doanh đồ vàng mã trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm) vắng khách mua. Ảnh: Hoài Nam
Các cửa hàng kinh doanh đồ vàng mã trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm) vắng khách mua. Ảnh: Hoài Nam

Lý giải nguyên nhân lượng khách giảm sút, nhiều tiểu thương cho hay, ngoài những ảnh hưởng như dịch bệnh kéo dài, kinh tế không tăng trưởng như mong muôn khiến người dân thắt chặt chi tiêu còn bởi việc đốt vàng mã đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền, kêu gọi phải hạn chế nên thị trường vàng mã giảm nhiệt.

Bên cạnh đó, xu hướng người tiêu dùng đã thay đổi, nhiều người hạn chế mua nhiều vàng mã, mà chỉ mua những món đồ âm phủ cần và đủ, không quá bày vẽ, phô trương trong hoạt động tâm linh dịp Rằm tháng 7. Việc làm này ngoài để tiết kiệm chi tiêu, còn giúp bảo vệ môi trường.

Theo Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến, Rằm tháng Bảy là một ngày lễ lớn trong năm. Tuy nhiên, tấm lòng, sự thành tâm mới là điều quan trọng nên gia đình chỉ đốt một ít vàng mã vào ngày rằm là phù hợp với quan niệm Phật giáo lại mang tính tiết kiệm chi tiêu.