Tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát đánh giá, trong 10 năm qua TP đã giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ, “như nước sông Hồng” và đã thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Từ đó, cơ sở hạ tầng được điều chỉnh theo tầm nhìn mới, làm cho diện mạo Thủ đô thay đổi mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Tốc độ phát triển kinh tế ổn định ở mức cao. TP quan tâm kết nối vùng nông thôn đã có thay đổi nhiều. Văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh trật tự Thủ đô được giữ vững. Nhiều sự kiện chính trị ngoại giao được tuyệt đối an toàn.
Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng: "Trong 10 năm thực hiện, những đại biểu khóa XII tham gia bấm nút thông qua việc mở rộng địa giới hành chính giống tôi đều tán thành những công việc đã tiến hành vô cùng đồ sộ, phong phú trên nhiều lĩnh vực".
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng báo cáo cần đánh giá kết quả thực hiện hợp nhất; đánh giá nâng cao chất lượng cán bộ công chức; thực hiện tinh giản biên chế; cải cách hành chính; cải cách công vụ công chức, góp phần cho Hà Nội theo hướng xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành kiến nghị các quy hoạch sử dụng đất của TP khi thông qua cần phải có đánh giá việc thực hiện để làm nổi bật lên những đánh giá việc quản lý về sử dụng đất đai trong 10 năm qua. Đồng thời, đề nghị TP tập trung đầu tư hơn để hồi sinh các con sông trên địa bàn TP; đầu tư các trạm đầu tư quan trắc môi trường và có giải pháp đảm bảo không khí trong lành.
Theo Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Tô Anh Tuấn, việc mở rộng địa giới hành chính đã tạo nhiều thuận lợi cho Thủ đô. Một trong số đó là tạo cho Hà Nội một không gian đủ lớn để TP phát triển mạnh mẽ và thực hiện đầy đủ chức năng của Thủ đô một quốc gia, mà với địa giới hành chính cũ của Hà Nội đã không có đủ điều kiện thực hiện được. Đây là một thuận lợi căn bản. Ngoài ra, với không gian mở rộng như thế thì có khả năng cơ cấu, bố trí lại không gian phát triển của TP, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đó là những thuận lợi căn bản lâu dài với Hà Nội, còn 6 khó khăn trong dự thảo báo cáo nêu đều là những khó khăn trước mắt, trong giai đoạn chuyển tiếp.
Ngoài ra, cần làm rõ tác động và vai trò của việc mở rộng địa giới hành chính đối với sự phát triển của Thủ đô; làm rõ tái cơ cấu không gian phát triển của TP. Hà Nội đầy vấn đề trong khu vực trung tâm, để cho sự tập trung quá mức kiểm soát. “Chính với không gian mở rộng này thì phải tái cơ cấu lại phân bố dân cư, không gian sản xuất, giải quyết ô nhiễm, tắc nghẽn, chật chội từ những giải pháp nguồn gốc” – ông Tô Anh Tuấn nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, cần làm rõ phân chia các giai đoạn cụ thể; nhấn mạnh mục tiêu phát triển bền vững và cần phải được xuyên suốt trong tất cả các nội dung lĩnh vực. “Đây là phổ cập, là sự sống còn của sự phát triển Thủ đô lâu dài. Mục tiêu này cần phải được phát triển quán xuyến thể hiện sâu sắc trong các nội dung”.
Cần bổ sung phân bố lại không gian Thủ đô theo hướng cân bằng, sinh thái bền vững; các vấn đề tăng cường liên kết vùng Thủ đô; xây dựng đô thị Đại học ở Hòa Lạc, hình thành các cụm Đại học khác là tiền đề từng bước rời chuyển các trường Đại học trong thời gian tới, cần tiếp tục chú trọng; hình thành các trung tâm y tế lớn chất lượng cao ở ngoại thành với chất lượng tương đương trong nội thành (cơ sở 2).
Về phát triển hạ tầng và phát triển đô thị, tình trạng đầu tư còn phân tán của các khu vực phát triển mới. Các dự án, khu xây dựng mới hình thành rất nhiều, nhưng chưa có khu đô thị nào đồng bộ đủ sức để thu hút dân cư, làm nhiệm vụ giảm bớt áp lực dân số trong khu vực nội đô. Các hạ tầng đi theo các khu đô thị chưa đồng bộ, chưa được thực hiện ở mức độ cao, cần được chú trọng khắc phục trong thời gian tới.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo cơ chế chính sách thuận lợi, nhất là trong quản lý đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy lo ngại rằng nếu không có cơ chế chính sách thu hút, người dân sẽ không còn tha thiết với nông nghiệp mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực đang phát triển dịch dịch vụ, thương mại…Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển các cụm công nghiệp làng nghề, tiếp tục có những hướng dẫn để các địa phương chủ động trong việc tạo điều kiện để làng nghề phát triển tốt hơn, nhất là các làng nghề truyền thống.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thay mặt lãnh đạo thành phố trân trọng cảm ơn ý kiến đóng góp của lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Trung ương, các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện của Hà Nội. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định sẽ tiếp thu những đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo để chỉ đạo cơ quan soạn thảo Báo cáo tiếp tục hoàn chỉnh.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý cơ quan soạn thảo Báo cáo lưu ý làm rõ luận cứ để đánh giá sự cần thiết của việc thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội; nêu rõ những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và các kiến nghị phải bám sát vào các quy hoạch, kế hoạch của Trung ương, các bộ, ngành đề ra; nêu bật được trách nhiệm của thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai.
Nhấn mạnh việc phải chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài, Chủ tịch UBND TP khẳng định mục tiêu xây dựng và bảo vệ Thủ đô với vai trò đầu não chính trị, kinh tế, xã hội. “Cần xác định rõ các mục tiêu trọng điểm: coi trọng phát triển văn hóa; xây dựng trung tâm khởi nghiệp; xây dựng thành phố thông minh; phát triển kinh tế tập trung cơ cấu ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn; sắp xếp chính quyền tinh gọn, hiệu quả; xây dựng chính quyền đô thị; xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng…”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP cho biết, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị để Chính phủ đề xuất trước Quốc hội giám sát, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, 5 năm thực hiện Luật Thủ đô, trên cơ sở đó ghi nhận, đánh giá và xây dựng những cơ chế, chính sách để tạo điểu kiện thuân lợi cho Hà Nội phát triển…