Hơn 10 ngân hàng giảm lãi suất
Theo thống kê của SSI, chỉ trong 2 tuần, đã có hơn 10 NH công bố giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7 - 31/12/2021. Theo ghi nhận, trong đợt giảm lãi suất lần này, các NH giảm vay từ 0,5 - 2%. Cá biệt có NH đã giảm tới 3 điểm % so với lãi suất cho vay hiện hữu.
Như tại NH Thương mại cổ phần (TMCP) Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tới 3 điểm %/năm cho khách hàng vay vốn phục vụ kinh doanh (hộ kinh doanh) so với lãi suất hiện hành. MSB cũng triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng hiện hữu và vay mới thuộc lĩnh vực kinh doanh, xuất - nhập khẩu, thương mại dược - y tế, xây dựng thuộc vốn ngân sách nhà nước... với mức lãi suất từ 5,5%/năm với VND và từ 3%/năm với USD.
Ảnh minh hoạ |
Trước đó, đã có hàng loạt NH công bố giảm lãi suất như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB, Sacombank, Techcombank, Bản Việt, VP Bank, TP Bank, HD Bank, MB... Trong đó, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay. Khách hàng DN thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh được giảm 1% lãi vay và giảm tối đa 1% đối với nhóm ngành còn lại. Khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh được giảm 1% và giảm tối đa 0,5% với khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cho hay, quan điểm ở đợt giảm lãi vay lần này là ưu tiên hỗ trợ những ngành nghề, khách hàng cá nhân và DN chịu thiệt hại và tác động nặng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 hiện nay.
Phản ánh của một số khách hàng DN và cá nhân đang vay vốn tại NHTM cho biết, đã nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,5 - 1,5%, tùy từng lĩnh vực, ngành nghề.
“Mức lãi suất này ở thời điểm hiện tại là hợp lý trong bối cảnh các DN đang chịu tác động của dịch Covid-19”- Giám đốc một công ty thực phẩm tại Hà Nội chia sẻ, và cho biết thêm vừa nhận được thông báo từ BIDV giảm lãi suất cho khoản vay vốn lưu động của công ty về 6,1%/năm so với mức 6,6%/năm trước đó.
Trong khi đó, một số DN khác vẫn đang chờ thông báo giảm lãi vay cụ thể từ phía NH. Giám đốc một công ty du lịch cho biết công ty ông chưa tới kỳ trả lãi vay nên chưa nhận được thông báo của NH. Vị giám đốc này mong mỏi "mức giảm 0,5 - 1%% so với những áp lực tài chính, chi phí đầu vào mà DN phải gồng gánh để trả lương nhân viên, thuê mặt bằng..., không đáng kể. Nhưng có vẫn tốt hơn không”.
Lãi suất thấp sẽ duy trì bao lâu?
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các NHTM phổ biến từ 8% - 10%/năm.
Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý với lãi suất huy động đầu vào, số liệu cập nhật cho thấy, tính đến tháng 5/2021, mức tăng trưởng tiền gửi của cư dân chỉ là 2,6%, là mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ giai đoạn từ 2015 đến nay. Điều này cho thấy, lãi suất huy động thấp cũng đã ảnh hưởng nhất định đến sức hút tiền gửi dân cư vào ngân hàng. Ngược lại, dòng tiền trong dân cư có xu hướng ngày càng linh hoạt, năng động hơn giữa các kênh đầu tư (trong đó có chứng khoán) thay vì có tính ổn định hơn khi lựa chọn gửi ngân hàng.
Công ty Chứng khoán VNDirect lo ngại, lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng; áp lực lạm phát cao hơn trong nửa cuối năm 2021. Dự báo xu hướng thời gian tới, nhóm phân tích của VNDirect cho rằng lãi suất huy động có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ 0,1 - 0,2%/năm trong nửa cuối năm nay.
Khi mặt bằng lãi suất huy động tăng sẽ gây áp lực lãi suất cho vay tăng theo. Đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ tư này, hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành hiện vẫn phải đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Lãnh đạo các nhà băng đa phần đều cho rằng với diễn biến tình hình phức tạp như hiện nay thì vẫn phải theo sát và điều chỉnh chính sách lãi suất theo thị trường liên tục. Đồng thời, các ngân hàng cũng xem xét cẩn trọng hơn với các khoản giải ngân mới do lo ngại khả năng nợ xấu có thể tăng trở lại.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, tín dụng vẫn đang tăng nhanh hơn so với cùng kỳ khi đạt 5,47% tính tới ngày 21/6/2021, so với mức 3,65% tính tới cuối tháng 6/2020 và nhanh hơn tăng trưởng huy động vốn (3,13%). Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính, trong 6 tháng đầu năm, hơn 500 nghìn tỷ đã được vay từ hệ thống ngân hàng, trong khi nguồn vốn huy động đạt khoảng 310 nghìn tỷ. Thanh khoản hệ thống ngân hàng, do đó đã bị thu hẹp khoảng 190 nghìn tỷ đồng.
Dù vậy, có một điểm tích cực đối lập với tiền gửi dân cư, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn với 3,3%. Trước đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm. Phải tới tháng 5/2021 khi lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng đột biến với 59.121 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng, chiếm 4/5 lượng tiền gửi thêm của thị trường 1 (huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư), mức tăng trưởng mới thực sự đảo chiều.
Trong diễn biến có liên quan, NHNN vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một vài ngân hàng, theo nguyên tắc đạt được mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và thực hiện chủ trương của Chính phủ “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế".
Theo Standard Chartered, NHNN có khả năng sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% cho đến cuối năm 2023 để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Việc hỗ trợ tín dụng cho các DN hiện nay đang là vấn đề cấp bách vì nếu không có tín dụng, DN đứng trước bờ vực phá sản. Còn lãi suất thì phải vận động theo thị trường, lãi suất cho vay phụ thuộc vào lãi suất huy động. Nếu lãi suất huy động giảm sâu sẽ khiến dòng tiền chạy ra khỏi hệ thống ngân hàng. Do đó, cơ quan chức năng và NHNN cần có cơ chế, chính sách để tạo động lực cho các NHTM mạnh dạn giảm thêm lãi suất cho vay thông qua việc giảm lãi suất tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc… (TS Nguyễn Trí Hiếu) |