Hơn 53.000 thuê bao chuyển mạng thành công
Theo số liệu được Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) công bố mới đây, trong quãng thời gian từ 16/11/2018 đến 13/2/2019, đã có tổng số 53.659 thuê bao di động thực hiện thành công dịch vụ chuyển mạng giữ số. Tuy nhiên con số trên chỉ chiếm hơn 57% số lượng thuê bao có yêu cầu chuyển sang một nhà cung cấp dịch vụ di động mới.
Cụ thể, sau 3 tháng triển khai, VinaPhone đang là nhà mạng có số lượng thuê bao phát sinh mới nhiều nhất với 5.201 thuê bao với 24.626 thuê bao chuyển đến và 19.425 thuê bao chuyển đi. Với tổng số 28.451 thuê bao đăng ký chuyển đi, tỷ lệ chuyển thành công của nhà mạng này cũng ở mức khá cao với 62.28%.
Ảnh minh họa |
Đáng chú ý nhất trong số này là Viettel khi nhà mạng này không những không phát sinh thuê bao mới mà còn mất đi gần 6.000 thuê bao với 21.958 thuê bao chuyển đến nhưng ở chiều ngược lại con số lên đến 27.941. Mặc dù vậy, nhà mạng Quân đội lại dẫn đầu về tỷ lệ chuyển mạng thành công khi lên tới mức 83.56%.
Mặc dù có những con số biến động khác nhau về lượng thuê bao đến và đi giữa các nhà mạng nhưng có thể khẳng định thị trường viễn thông gần như không có sự thay đổi nào sau quãng thời gian dịch vụ chuyển mạng giữ số được đưa vào áp dụng. Với tổng số hơn 130 triệu thuê bao di động trên toàn quốc, số thuê bao chuyển mạng thành công chỉ chiếm hơn 0.04% (53.659 thuê bao) và nhu cầu người dùng chuyển sang nhà mạng mới chỉ là 0.07% (93.405 thuê bao).
Nhà mạng "làm khó" đề giữ chân thuê bao
Có thể khẳng định, chuyển mạng giữ số là một trong những dịch vụ cần thiết được Bộ TT&TT đưa ra nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các nhà mạng cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường viễn thông. Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, số lượng người dùng tham gia còn thấp do đây là loại hình dịch vụ mới, bên cạnh đó chính nhà mạng cũng tạo ra không ít "rào cản" nhằm giữ chân khách hàng của mình.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đã có không ít khách hàng gặp phải nhiều phiền phức không đáng có trong quá trình chuyển mạng giữ số và những vấn đề này xuất phát từ chính nhà mạng mà họ muốn chuyển. Anh Minh (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, mình đã phải mất tới 5 ngày để chuyển thuê bao di động của từ MobiFone sang Vietttel chứ không phải 2 ngày như quảng cáo của các nhà mạng và đi kèm với đó là đủ loại rắc rối, tốn thời gian.
Cụ thể, mặc dù đã đăng ký thông tin chuyển mạng và đóng lệ phí 50.000 đồng nhưng những ngày sau đó anh Minh liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi từ nhân viên tổng đài nhằm tìm hiểu lý do khách hàng chuyển mạng cũng như hứa sẽ khắc phục có vấn đề mà anh gặp phải. Khi nhất quyết muốn chuyển mạng, anh Minh lại nhận được thông báo yêu cầu của mình đã bị trung tâm chuyển mạng quốc gia từ chối.
Lý do được MobiFone đưa ra là vì thông tin anh Minh khai báo cho hai nhà mạng không giống nhau. Tôi khai địa chỉ nhà mình cho MobiFone là "112C" nhưng khi khai bên Viettel gần như không khác biệt là "112 C" mà vẫn bị thông báo là cung cấp không đúng, người khách hàng này cho biết. Và phải mất gần 1 ngày kiên trì chạy qua lại các điểm giao dịch của MobiFone và Viettel, anh Minh mới có thể thực hiện thành công việc chuyển mạng cho thuê bao của mình.
Bên cạnh làm khó khách hàng với những sự cố vụn vặt như ở trên, các nhà mạng còn có không ít "chiêu trò" nhằm giữ chân người dùng. Có thể kể đến như các gói truy cập internet hấp dẫn hoặc cộng 20.000 đồng vào tài khoản nhưng thuê bao phải cam kết sử dụng dịch vụ của nhà mạng từ 1 - 2 năm ... Đáng lưu ý, khi đồng ý với những ưu đãi mà nhà mạng đưa ra này, thuê bao muốn chuyển mạng sẽ bị từ chối với lý do đang sử dụng các gói dịch vụ có cam kết với nhà mạng.
Trước tình trạng này, trong một cuộc họp của Bộ TT&TT mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nghiêm khắc phê phán hành vi cố tình giữ chân thuê bao của các nhà mạng. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các nhà mạng nên loại bỏ rào cản đối với người dân khi tiến hành đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Đồng thời, người đứng đầu ngành TT&TT cũng chỉ thị cho các nhà mạng cần nâng tỷ lệ thuê bao chuyển đổi thành công trong tháng 3 phải đạt tối thiểu 90%.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng giám sát của người dân, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Viễn thông cần có kế hoạch công khai minh bạch hơn nữa các số liệu liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.